Vì sao các cường quốc phải kiêng nể Ấn Độ?

19:53, 24/09/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Ấn Độ những năm gần đây đang tích cực hiện đại hóa các lực lượng của mình và thu được những thành tựu đáng kể. Hiện nước này được xếp vào top 10 quốc gia có lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới và là một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất châu Á.
 
Sức mạnh Không quân
 
Không quân Ấn Độ được các chuyên gia quân sự trên thế giới xếp hạng thứ 4 về quy mô lực lượng và đứng thứ 5 về năng lực tác chiến. Lực lượng này được xây dựng theo một mô hình hoàn hảo, kết cấu hợp lý, có lực lượng máy bay hiện đại, tinh nhuệ, năng lực tác chiến rất mạnh.

Ảnh minh họa
Tàu sân bay INS Vikramaditya

Hiện tổng quân số lực lượng không quân Ấn Độ vào khoảng hơn 110.000 người, trang bị khoảng trên 1600 máy bay các loại, trong đó lực lượng máy bay ném bom và chiến đấu chủ lực là hơn 700 chiếc, được biên chế thành 45 liên đội máy bay chiến đấu không quân.
 
Ấn Độ đang xây dựng lực lượng không quân bao gồm toàn bộ các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất nhì thế giới.
 
Hiện Không quân Ấn Độ có khoảng 140 chiếc Su-30MKI - một trong những loại máy bay tiên tiến nhất của Nga. Su-30MKI lắp đặt động cơ turbine cánh quạt AL-31F, trọng lượng cất cánh 30 tấn (với 8 tấn vũ khí), nó đã chứng tỏ khả năng cơ động và năng lực chiến đấu rất mạnh khi đánh bại các loại máy bay F-15, F-16 của Mỹ trong các cuộc diễn tập chiếm quyền kiểm soát không phận quốc tế.
 
Bên cạnh Su-30 MKI, Ấn Độ cũng sở hữu rất nhiều máy bay tiêm, cường kích hiện đại khác như: Jaguar và Mirage - 2000 của Pháp, cùng các loại chiến đấu cơ có khả năng tác chiến khá mạnh như MiG-29 dùng cho không quân mặt đất và Mi-29K trên tàu sân bay cùng với một số lượng không nhỏ Mig-27 của Nga.
 
Ngoài ra, Không quân Ấn Độ còn sở hữu loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA. Là một sản phẩm xuất phát từ chương trình chiến đấu cơ PAK-FA của Nga, FGFA sẽ đánh dấu một bước đột phá lớn trong năng lực của Không quân Ấn Độ và về mặt lý thuyết loại máy bay chiến đấu đó sẽ giúp Ấn Độ có được một thứ vũ khí tương đương với F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.
 
Sức mạnh Hải quân
 
Không chỉ có sức mạnh Không quân "vượt trội", Hải quân Ấn Độ cũng được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
 
Hải quân Ấn Độ có quân số là 60.000 với khoảng 25 chiến hạm chủ lực, 50 tàu chiến phụ trợ, cùng nhiều tàu dịch vụ khác, 200 máy bay hải quân và hơn 100 trực thăng.
 
Lực lượng Hải quân Ấn Độ hiện có 16 tàu ngầm trong biên chế thường trực sẵn sàng chiến đấu, trong đó có 2 tàu ngầm nguyên tử. Trong năm 2012, Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân khi thuê lại tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Akula của Nga.  
 
Ngoài ra, Ấn Độ còn có 4 chiếc tàu ngầm lớp Type 209 của Đức, 10 tàu ngầm thuộc dự án 877EKM, có sức mạnh "ngang ngửa" tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đóng mới 6 chiếc tàu ngầm lớp lớp "Scorpen" do Pháp thiết kế.

Thêm vào đó, Hải quân Ấn Độ cũng có lực lượng tàu mặt nước mạnh với những loại tàu sân bay tối tân. Hải quân Ấn Độ sở hữu tàu sân bay từ hơn 50 năm nay với chiếc tàu đầu tiên gia nhập lực lượng của hải quân là tàu INS Vikrant vào năm 1961. Sau hơn ba thập niên là mẫu hạm duy nhất trong hải quân Ấn Độ và nhiều lần được tân trang, INS Vikrant đã lỗi thời, được chính thức giải giới năm 1997 rồi đưa về làm một viện bảo tàng nổi ở cảng Mumbai.  Năm 1987, Ấn Độ tiếp tục mua tàu sân bay INS Viraat (R22) 28.000 tấn của Anh và tàu này vẫn phục vụ trong biên chế Hải quân Ấn Độ tới thời điểm này, tuy nhiên, tàu dự kiến sẽ được cho “về vườn” vào năm 2016.
 
Hiện tàu sân bay được kỳ vọng nhất của Hải quân Ấn Độ là tàu INS Vikramaditya do Liên xô cũ chế tạo. Được đưa vào biên chế của Hải quân Ấn Độ năm 2013, tàu sân bay INS Vikramaditya là chiếc tàu chiến mới nhất và hùng mạnh nhất trong một loạt tàu sân bay của cường quốc Châu Á này.

Không chỉ có thế, Hải quân Ấn Độ còn sở hữu 3 tàu khu trục lớp Delhi, 5 tàu chống ngầm lớp 61-МE được đóng từ thời Liên xô cũ ở Ukraina, 3 tàu khu trục lớp Kolkata, 19 tàu hộ vệ tên lửa. 10 tàu tuần biển hạng nhẹ trong đó có một tàu thuộc dự án 1241. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang biên chế các loại tàu quét mìn, chống ngầm hạng nhẹ và tàu đổ bộ, riêng tàu đổ bộ các lớp Ấn Độ có khoảng 14 chiếc, cùng với các tàu phụ trợ khác.
 
Nổi bật hơn cả trong hệ thống vũ khí hiện đại nhất trang bị của Hải quân Ấn Độ, phải kể đến tên lửa hành trình Brahmos – Yakhont, phiên bản hợp tác chế tạo Nga - Ấn Độ với những tính năng vượt trội và khả năng tác chiến rất cao. Brahmos hiện đang được nâng cấp, cải tiến thành nhiều phiên bản thứ cấp có thể lắp trên mọi phương tiện mang của hải quân và trở thành vũ khí cấp chiến dịch – chiến thuật mạnh của Ấn Độ.
 
Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng là lực lượng đầu tiên trên thế giới đăt mua 8 máy bay P-8I Neptune của Mỹ. Đây là loại Boeing 737-800 dân sự, cải tiến thành máy bay điện tử tuần thám trên biển và chống tàu ngầm thay thế cho loại P-3C Orion đã cũ. Chiếc P-8I thứ nhất đã giao cho hải quân Ấn Độ cuối năm 2012. Ngoài ra hải quân Ấn Độ có những phi đội máy bay chiến đấu và oanh tạc, hầu hết là loại máy bay của Nga đồn trú tại các căn cứ trên đất liền cùng với máy bay do thám không người lái mua của Mỹ và Israel.


Đan Khanh

Ý kiến bạn đọc