(VnMedia) - Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng, người ta đã thấy nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu thế giới liên tiếp tìm cách “ve vãn” tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Vậy vì lý do gì mà những nhà lãnh đạo quan trọng hàng đầu thế giới lại “yêu” Ấn Độ đến vậy?
Thủ tướng Nhật Bản Abe (bên trái) và người đồng cấp Ấn Độ Modi |
Các cường quốc tranh nhau “ve vãn” Ấn Độ
Hồi cuối tháng 8, báo chí thế giới được dịp nóng lên bởi một chuyến thăm gây chú ý rất lớn của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhật Bản. Sở dĩ chuyến thăm này thu hút mọi con mắt chú ý của dư luận thế giới bởi nó có rất nhiều điều “bất thường”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã cho thấy một mối quan hệ Nhật-Ấn nồng ấm, thắm thiết bằng sự đồng điệu về tâm hồn, bằng cái ôm siết chặt và một chuyến thăm đặc biệt đến thành phố cổ Kyoto.
Trước khi Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã thể hiện sự mong ngóng khi viết trên Twitter rằng: “Tôi háo hức chờ đợi chuyến thăm của ngài đến Kyoto trong cuối tuần này” sau khi tuyên bố “Ấn Độ có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Về phần mình, Thủ tướng Modi cũng bày tỏ, ông “thực sự phấn khích khi được gặp” Thủ tướng Abe, nhấn mạnh “mối quan hệ nồng ấm” với người đồng cấp Nhật Bản. Ông Modi là một trong chỉ 3 người được Thủ tướng Abe quan tâm theo dõi trên Twitter.
Buổi lễ tiếp đón ông Modi hôm 30/8 của Thủ tướng Nhật Bản có những điều “bất thường” thú vị đã diễn ra. Ông Abe vốn thường tiếp đón các vị quan khách nước ngoài ở thủ đô Tokyo và việc ông đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ ở thủ đô cổ Kyoto, bên ngoài thủ đô Tokyo, là một điều cực kỳ hiếm hoi. Báo chí Nhật Bản miêu tả đây là một “sự đón chào hết sức đặc biệt” mà ông Abe dành cho ông Modi.
Đáng chú ý hơn, Thủ tướng Abe đã đón người đồng cấp Modi bằng cái ôm vòng tay ra đằng sau rất chặt. Đây là một điều hết sức đặc biệt bởi ông Abe vốn nổi tiếng là người khá “lạnh lùng”, ít khi thể hiện tình cảm. Cái ôm siết chặt của Thủ tướng Abe cũng cho thấy một sự khác biệt rõ ràng với cái bắt tay mà ông này dành để đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 4.
Tình cảm thắm thiết giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã khiến Trung Quốc giận sôi, cáo buộc Tokyo đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Rất nhanh sau sự kiện trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đến tận Ấn Độ để “ve vãn” New Delhi, quyết tâm giành lại nước láng giềng từ tay đối thủ Nhật Bản.
Tận dụng sức mạnh kinh tế to lớn của mình, Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo Ấn Độ bằng hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ USD.
Bắc Kinh hiểu rằng, họ đang có lợi thế về vấn đề kinh tế hơn Nhật Bản trong cuộc tranh giành Ấn Độ. Thực vậy, nếu xét đơn thuần trong lĩnh vực kinh tế, người ta rất dễ nghi rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thắng Thủ tướng Abe trong “cuộc đấu” giành Ấn Độ. Quan hệ thương mại Trung-Ấn đã vợt lên gần 66 tỉ USD năm 2013 từ mức chỉ vẻn vẹn có 1,2 tỉ USD năm 1996. Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ dễ gắn bó hơn bởi họ đều là những thị trường lớn, đều là những nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ Trung-Ấn phức tạp hơn rất nhiều và Bắc Kinh không dễ gì có thể thuyết phục, lôi kéo được New Delhi.
Sau Nhật Bản và Trung Quốc, đến lượt siêu cường số 1 thế giới trải thảm đỏ đón chào Thủ tướng Ấn Độ Modi đến thăm nước này. Kết quả chuyến thăm này chưa rõ nhưng từ lâu, Mỹ luôn coi trọng quan hệ với Ấn Độ, coi Ấn Độ như một đối tác không thể thiếu nhằm tạo thế vòng vây xung quanh Trung Quốc. Vì thế, chắc rằng, Mỹ sẽ không để ông Modi phải thất vọng trong chuyến công du lần này.
Vì sao các cường quốc lại đua nhau tranh giành Ấn Độ?
Rõ ràng, nhìn vào những diễn biến diễn ra trên chính trường quốc tế trong thời gian vừa qua, người ta có thể thấy rõ, Ấn Độ hiện giờ giống như “thỏi nam châm” thu hút các cường quốc. Nước lớn nào cũng muốn lôi kéo Ấn Độ về phía mình. Tại sao Ấn Độ lại hấp dẫn đến như vậy.
Sự hấp dẫn của Ấn Độ xuất phát từ bối cảnh Châu Á đang có sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Về chính trị, Châu Á hiện giờ đang bị chia làm hai thái cực, một bên là những nước nghiêng về phía Trung Quốc và bên là những nước tập hợp dưới trướng của Mỹ. Mỗi bên đều ra sức tìm kiếm sự ủng hộ để giành lợi thế trước bên kia. Mỹ cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines muốn kiềm chế sự nổi lên của một Trung Quốc ngày càng táo bạo và quyết liệt. Ngược lại, Bắc Kinh cũng muốn thiết lập môt liên minh sức mạnh riêng trong khu vực để đối phó lại ảnh hưởng của Mỹ.
Chưa kể, Trung Quốc đang có những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với một loạt nước láng giềng xung quanh, đặc biệt phải kể đến cuộc tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Tokyo đang muốn thiết lập một mạng lưới liên minh để “khoá chặt” tham vọng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, Ấn Độ đã trở thành một lá bài chủ lực trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực. Là một nước lớn ở Châu Á cũng như thế giới cùng với tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, Ấn Độ là một phần không thể thiếu cho bất kỳ một liên minh nào muốn thắng liên minh còn lại. Đó là lý do khiến Mỹ, Nhật và Trung Quốc đang ra sức chèo kéo Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ còn đem đến tiềm năng kinh tế rất lớn cho bất kỳ cường quốc nào ve vãn được họ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc