Ukraine chính thức hợp tác với EU, rời xa Nga

07:26, 17/09/2014
|

(VnMedia) -Quốc hội Ukraine và Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (16/9) đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước Hợp tác về kinh tế và chính trị nhằm tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương giữa Kiev và Brussels. Hiệp ước này cũng đồng nghĩa với việc Ukraine quyết rời xa nước láng giềng Nga đã từng gắn bó với họ suốt chiều dài lịch sử.
 

Ảnh minh họa


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko


Văn bản hợp tác đã được Quốc hội Ukraine ký lúc 1h chiều qua theo giờ địa phương (tức 5h chiều qua theo giờ Hà Nội). Trùng thời điểm này, Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg cũng đã nhất trí thông qua Hiệp ước Hợp tác với Ukraine..
 
Quốc hội Ukraine (Rada) đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hợp tác với EU với số phiếu ủng hộ là 355/381 total. Trong khi đó, tại Quốc hội Châu Âu, Hiệp ước Hợp tác Ukraine-EU nhận được số phiếu ủng hộ là 535, số phiếu chống là 127 và 26 phiếu trắng.
 
Theo Hiệp ước Hợp tác mà Kiev và Brussels vừa ký kết, hai bên sẽ dần thiết lập một mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc. Một khu vực tự do thương mại sẽ được lập ra vào ngày 31/12/2015 để đưa nền kinh tế của Ukraine hòa nhập vào nền kinh tế 17.000 tỉ USD với hơn 500 triệu người tiêu dùng của EU.
 
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với EU đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ mất đi những ưu đãi cũng như việc tiếp cận thị trường 2,5 nghìn tỉ USD và 146 triệu người tiêu dùng của Nga.
 
Ukraine sẽ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn của EU về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Kiev và Brussels cũng sẽ hợp tác với nhau trong một loạt vấn đề khác như năng lượng, thuế má, du lịch và hệ thống tư pháp, pháp luật....
 
Hiệp ước Hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine có thể tìm kiếm những khoản vay tài chính từ EU dễ dàng hơn
 
“Từ ngày mai, tôi sẽ giao cho chính phủ nhiệm vụ phê chuẩn việc thực hiện thỏa thuận và ngay lập tức đưa nó vào thành luật”, Tổng thống Petro Poroshenko cho biết tại buổi lễ phê chuẩn ở Kiev ngày hôm qua. Ông Poroshenko bày tỏ hy vọng, thỏa thuận vừa ký với EU sẽ giúp Kiev cải cách nền kinh tế, chống lại tham nhũng và một ngày nào đó sẽ giúp Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU.
 
Ukraine "đã đi trên con đường của Châu Âu và không ai có thể đóng cánh cửa trở thành thành viên EU đối với Ukraine", Tổng thống Poroshenko cho hay.
 
Ukraine chính thức rời xa vòng tay của Nga
 
Việc Ukraine chính thức ký kết hiệp ước với EU đã cho thấy quyết tâm rời xa nước láng giềng Nga của chính quyền Kiev bất chấp lịch sử gắn bó lâu dài giữa hai nước cũng như những mối dây gắn kết sâu sắc giữa người dân hai nước. Hiệp ước vừa ký kết cũng cho thấy quyết tâm của Kiev trong việc tìm đến với EU. Hiệp ước này có thể giúp người ta hình dung bức tranh mới nổi lên về một đất nước Ukraine mới sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dẫn đến một cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của 3.000 người và đẩy mối quan hệ Đông-Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Việc lựa chọn giữa một bên là thân Nga và một bên là thân phương Tây chính là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khủng hoảng khởi phát từ mùa thu năm ngoái. Khi đó, cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đã quyết định chọn Nga, gác lại thỏa thuận hợp tác với EU. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng trăm nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
 
Hiệp ước Hợp tác sẽ hạ mức thuế quan giữa Châu Âu và EU nhưng nó cũng yêu cầu hàng hóa Ukraine phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu và buộc chính phủ Kiev phải có những cải cách kinh tế, chính trị sâu rộng.
 
Sau khi phê chuẩn thỏa thuận, nhiều nghị sĩ Ukraine đã nhảy lên hoan hô và hát quốc ca Ukraine. Tổng thống Poroshenko gọi cuộc bỏ phiếu này là “bước đi đầu tiên nhưng kiên quyết” nhằm đưa Ukraine tiến hoàn toàn vào Liên minh Châu Âu.
 
Ông Poroshenko phát biểu, những người biểu tình đã chết trong các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Kiev và quân chính phủ đã chết trong cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền đông. Họ “chết không chỉ cho tổ quốc mà họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống để đổi lấy một chỗ đứng cao quý trong gia đình Châu Âu”.
 
"Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, không một quốc gia nào phải trả một cái giá cao như vậy để được quyền trở thành một thành viên Châu Âu”, Tổng thống Ukraine đã nói như vậy.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chúc mừng các nghị sĩ Ukraine. “Bằng cách ký kết thỏa thuận trong khi phải đối mặt với những thách thức to lớn, lãnh đạo Ukraine đã thực hiện nguyện vọng của người dân Ukraine – những người đã đổ ra đường biểu tình để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc hội nhập sâu hơn vào Châu Âu từ mùa đông năm ngoái và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày 25/5 vừa rồi”.
 
Về phía EU, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Martin Schulz cho rằng, hiệp ước ký với Ukraine là một thông điệp và “thông điệp đó không thể rõ ràng hơn, đó là Quốc hội Châu Âu ủng hộ Ukraine. Quốc hội Châu Âu sẽ tiếp tục bảo vệ một Ukraine đoàn kết và có chủ quyền”.
 
Nga phản đối mạnh mẽ việc Ukraine ký thỏa thuận hợp tác với EU bởi điều đó có thể gây ra nguy cơ cho nền kinh tế Nga. Nỗi lo ngại của Moscow không phải là không có cơ sở bởi làn sóng hàng hóa miễn thuế của EU sẽ tràn ngập vào thị trường của Nga và Ukraine.
 
Trong bối cảnh này, EU và Ukraine đã phải có sự nhượng bộ lớn trước Nga. Cụ thể, Ukraine và EU sẽ phải hoãn việc thực thi thỏa thuận thương mại tự do cho đến năm 2016.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc