Trung Quốc lại lớn tiếng cảnh báo ở Biển Đông

14:20, 09/09/2014
|

(VnMedia) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (8/9) lại lớn tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ về việc can thiệp vào tình hình tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. 
 

Ảnh minh họa


Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi trong cuộc gặp với người đồng cấp Australia Julie Bishop (bên trái)


Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Australia Julie Bishop ở Sydney, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã nói rằng, nước ông không muốn các nước bên ngoài tranh chấp thể hiện sự quan ngại về tình hình. Ngoại trưởng Wang cũng tuyên bố, “những nước như vậy nên đóng một vai trò tích cực thay vì gây thêm rắc rối ở Biển Đông”.
 
Dù không trực tiếp đả động đến cái tên Mỹ nhưng những phát biểu trên của ông Wang được cho là nhằm đến siêu cường số 1 thế giới.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng nói thêm rằng, Bắc Kinh và các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể tự mình giải quyết tranh chấp và duy trì tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp và sôi động nhất thế giới.
 
Trong khi đó, cố vấn an ninh hàng đầu của Nhà Trắng – bà Susan Rice đang có mặt ở Trung Quốc để thảo luận về những thách thức gần đây trong quan hệ song phương như vụ chạm trán giữa máy bay của lực lượng không quân hai nước gần đây ở Biển Đông.
 
Hồi tháng trước, Lầu Năm Góc thông báo, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã nhiều lần tiếp cận sát với máy bay của Hải quân Mỹ, có lúc ở khoảng cách chỉ khoảng 9m. Vụ việc này xảy ra ở khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 220km. Đảo Hải Nam là nơi có các sân bay hải quân và một căn cứ tàu ngầm cực kỳ nhạy cảm của Trung Quốc.
 
Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên, tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục đáp trả các chuyến bay do thám của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
 
Căng thẳng đang leo thang ở Đông Nam Á khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tranh giành chủ quyền đến 90% Biển Đông. Hồi tháng 5, Trung Quốc từng đưa một giàn khoan khổng lồ vào hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Mới đây, Trung Quốc còn ngang nhiên mở tuyến đường du lịch đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế. Philippines đang kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế để bác bỏ đường 9 đoạn phi lý nhằm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
 
Trong bối cảnh diễn ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt giữa các nước ở Biển Đông, Mỹ đã tham gia tích cực vào việc phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc đồng thời củng cố mối quan hệ liên minh quân sự với một số đồng minh như Philippines.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Sau Mỹ, Tổng thống Philippines nhờ đến Châu Âu
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Châu Âu cho nỗ lực của nước này trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc trong chuyến công du kéo dài một tuần đến các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm Pháp và Đức. Đây là thông tin do một quan chức của Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua (8/9) cho biết.
 
Tổng thống Aquino cũng sẽ đưa ra đề xuất nhằm ngăn Trung Quốc có thêm các động thái làm leo thang căng thẳng ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, trợ lý Ngoại trưởng Philippines – bà Zeneida Collinson cho hay.
 
"Trong tất cả các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Châu Âu, bắt đầu là với Tây Ban Nha, chúng tôi sẽ tìm kiếm sự ủng hộ cho lập trường của Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông, bà Collinson cho các phóng viên biết.
 
"Sẽ rất quan trọng khi Tổng thống của chúng tôi có cơ hội trực tiếp thông báo cho các nhà lãnh đạo thế giới về những gì đang xảy ra ở.... Biển Đông”, khi ông ấy đến thăm các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức từ ngày 13 đến 20/9 tới, nữ trợ lý của Ngoại trưởng Philippines cho hay.
 
Những sự ủng hộ như thể có thể diễn ra “ngầm” và không nhất thiết phải được đưa vào một tài liệuu chính thức, bà Collionson nói thêm.
 
Mặc dù Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông với nhiều nước láng giềng xung quanh nhưng cuộc đối đầu với Philippines được xem là căng thẳng nhất, quyết liệt nhất.
 
Trong khi quân đội được trang bị nghèo nàn của Philippines không phải là đối thủ của Trung Quốc nhưng nước này đang nhờ đến các biện pháp ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Manila đã chính thức kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết từ chối tham gia vào tiến trình pháp lý này.
 
Theo bà Collinson, Châu Âu trước đó đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với việc Philippines tìm kiếm “một giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông”. Trong các cuộc gặp với một loạt nhà lãnh đạo Châu Âu, Tổng thống Aquino sẽ đưa ra “kế hoạch hành động 3 điểm” nhằm kêu gọi Trung Quốc và các nước khác ngừng ngay việc tung ra những hành động khiêu khích ở Biển Đông.
 
Trong khi ở Pháp, Tổng thống Aquino sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls. Hai bên sẽ thảo luận về việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng, bà Collinson cho biết thêm.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc