Tổng thống Ukraine quyết “dứt tình” với Nga?

15:21, 16/09/2014
|

(VnMedia) - Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) sẽ chính thức phê chuẩn hiệp định hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) vào 1h chiều nay theo giờ địa phương (tức 5h chiều theo giờ Hà Nội), cùng lúc với phiên họp của Quốc hội Châu Âu. Đây là tuyên bố vừa được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra ngày hôm nay (16/9).
 

Ảnh minh họa


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko


“Ngày hôm nay, vào lúc 1h chiều theo giờ Kiev, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) tại Quốc hội - Verkhovna Rada, đồng thời với Quốc hội Châu Âu”, ông Poroshenko đã viết như vậy trên trang Twitter cá nhân.
 
Hiệp định Hợp tác Ukraine–EU là thoả thuận bao hàm các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai bên. Các điều khoản chính trị của Hiệp định Hợp tác Ukraine-EU đã được ký kết từ hồi tháng 3, sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ lâm thời được dựng lên ở Kiev.
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau đó đã ký phần kinh tế của hiệp định nói trên hồi tháng 6.
 
Các nghị sĩ của Quốc hội Ukraine và Quốc hội Châu Âu dự kiến sẽ tiến hành ký kết bản Hiệp ước Hợp tác về chính trị và kinh tế dài 1.200 trang trong một cuộc họp trực tuyến giữa hai bên được dự kiến khai mạc vào đầu giờ chiều nay theo giờ Kiev.
 
Tuy nhiên, Ukraine và EU chưa thể “ăn mừng” cái gọi là “giây phút lịch sử” nói trên khi hai bên quyết định nhượng bộ trước sức ép quyết liệt và mạnh mẽ của Nga bằng việc hoãn thực hiện một thoả thuận thương mại tự do cho đến năm 2016. Trong cuộc họp ba bên giữa Nga, Ukraine và EU hồi tuần trước ở Brussels, Moscow đã bày tỏ sự quan ngại trước viễn cảnh việc thực thi Hiệp ước Hợp tác giữa Ukraine và EU sẽ gây ra những nguy cơ kinh tế to lớn cho cả Nga và Ukraine. Cụ thể, Moscow cảnh báo Kiev rằng việc nước này ký một thoả thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu có thể dẫn đến một luồng hàng miễn thuế từ Châu Âu tràn vào thị trường Ukraine, buộc Nga phải có hành động bảo vệ thị trường của mình.
 
Quyết định của Ukraine và EU khi đưa ra một nhượng bộ lớn trong việc hoãn thực hiện thoả thuận thương mại tự do đã ít nhiều khiến Nga an tâm hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenko lại phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người có quan điểm cứng rắn ở Kiev. Một số người thậm chí cảnh báo rằng, quyết định trên có thể châm ngòi cho tình trạng tái diễn các cuộc biểu tình EuroMaidan đẫm máu từng lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych trước đó.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng ở Ukraine hiện giờ ban đầu được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của cựu Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
 
Nga đẩy Ukraine vào tình trạng buộc phải nhượng bộ
 
Trong khi một số thành phần cứng rắn ở Kiev phản đối quyết định nhượng bộ của Tổng thống Poroshenko và EU trước Nga, thì hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí cho rằng, đó là một bước đi cần thiết.
 
Moscow đã doạ sẽ đáp trả bằng việc cấm hầu hết các sản phẩm của Ukraine nếu thoả thuận thương mại tự do giữa nước này với EU có hiệu lực vào tháng 11 năm nay như dự kiến ban đầu. Nếu Nga thực sự làm như vậy thì nền kinh tế của Ukraine chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Kịch bản rất xấu này đã đẩy Kiev vào tình thế không còn lựa chọn nào khác, và đó chính là lý do mang tính quyết định khiến Kiev buộc phải hoãn kế hoạch thực thi thoả thuận thương mại tự do và EU.
 
Nga đã tuyên bố sẽ tôn trọng mọi thoả thuận với EU và Kiev nhưng sẽ áp dụng “các biện pháp bảo hộ” nếu thoả thuận thương mại tự do Ukraine-EU có hiệu lực sớm.
 
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nhanh chóng thông báo rằng Moscow “cam kết sẽ không áp dụng các biện pháp bảo hộ” cho đến cuối năm 2015.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng gửi kèm theo một cảnh báo rằng, Nga sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng “sẽ không có tình trạng EU và Ukraine bí mật ngấm ngầm thực hiện các quy định thương mại tự do”.
 
Giới phân tích tin rằng, Nga luôn ở thế thượng phong trong cuộc đối đầu liên quan đến vấn đề thương mại tự do bởi việc nước này áp dụng các biện pháp giới hạn thương mại sẽ gây ra đau đớn trực tiếp và ngay lập tức đến nền kinh tế của Ukraine. 1/4 xuất khẩu của Ukraine có điểm đến là hướng đông và con số tương tự là vào hướng ngược lại – nghĩa là 28 nước thành viên EU.
 
Điều quan trọng hơn là Ukraine sẽ chưa thể được hưởng lợi ích từ thương mại tự do với Châu Âu trong vòng 1 thập kỷ bởi thoả thuận được ký kết đã để một khoảng thời gian tối đa 10 năm cho “giai đoạn chuyển tiếp”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc