(VnMedia) - Hàng trăm người biểu tình thuộc phe nhóm cực đoan hôm qua (17/9) đã bao vây dinh thự của Tổng thống Ukraine và ném lựu đạn khói. Lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu cực đoan đã đe doạ sẽ bắt Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko phải chịu chung số phận bi thảm như người tiền nhiệm Yanukovich. Đây là những phản ứng giận dữ của các thành phần cực đoan ở Ukraine sau khi Quốc hội nước này lặng lẽ thông qua dự luật cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông.
Hình ảnh cuộc biểu tình |
Khoảng 300 người biểu tình đeo mặt nạ điên cuồng hò hét những khẩu hiệu mang tính chủ nghĩa dân tộc khi họ tìm cách phá vỡ hàng rào của cảnh sát xung quanh dinh thự của Tổng thống. Những người biểu tình mang theo các lá cờ đỏ và đen của nhóm Cánh Hữu cực đoan. Đám đông cuồng nộ yêu cầu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải phủ quyết một dự luật vừa được Quốc hội thông qua trước đó, trong ngày 16/9.
Dự luật mới cho phép cấp quy chế đặc biệt cho hai khu vực miền đông Luhansk và Donetsk cũng như ban lệnh ân xá rộng khắp cho các chiến binh ly khai tham gia vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine vừa qua.
Theo quy chế đặc biệt được cấp cho Luhansk và Donetsk, hai khu vực này sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới và họ được phép sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức của mình.
Việc Tổng thống Poroshenko đưa ra dự luật cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông nam Ukraine và ban lệnh ân xá rộng rãi được xem là bước nhượng bộ lớn của ông này trong nỗ lực nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua và đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Sở dĩ Nhà lãnh đạo Ukraine phải có những bước nhượng bộ lớn như vậy là vì quân đội Kiev sau những chiến thắng ban đầu đã vấp phải hàng loạt thất bại liên tiếp trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bước đi nhượng bộ của Tổng thống Poroshenko đã không nhận được sự ủng hộ của những thành phần cứng rắn, diều hâu trong nội bộ của ông này. Ông Dmitry Yarosh - lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu cực đoan – một trong những nhóm góp phần lớn trong cuộc lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi đầu năm nay, đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích dự luật mới của chính quyền Kiev, miêu tả đó là một dự luật “chống lại quốc gia”.
“Nếu ông Poroshenko không hiểu điều đó, chúng tôi sẽ phải có một tổng thống mới và một tổng tư lệnh mới ở Ukraine. Nếu bất kỳ ai nghi ngờ về khả năng đó, anh ta có thể viết thư cho ông Yanukovich. Ông ta có thể xác minh rằng những điều không thể vẫn có thể xảy ra”, ông Yarosh đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh như vậy cho Nhà lãnh đạo đương nhiệm của Ukraine.
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã bị truất quyền hồi tháng 2 đầu năm trong làn sóng biểu tình rầm rộ mà ở đó nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đóng một vai trò then chốt.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu Yarosh và những người ủng hộ ông này lên tiếng đe doạ Tổng thống Poroshenko về các chính sách của ông. Hồi tháng 8, nhóm Cánh Hữu từng đòi Tổng thống Poroshenko cách chức một số sĩ quan cấp cao trong Bộ Nội vụ với cáo buộc những quan chức này ngược đãi các thành viên của họ. Lời đe doạ của nhóm Cánh Hữu được rút lại một ngày sau đó khi nhóm này cho biết cảnh sát đã thả người của họ bị bắt giữ trước đây vì cáo buộc buôn lậu vũ khí từ vùng chiến sự ở miền đông Ukraine.
Cuộc biểu tình ngày hôm qua không phải là hành động bạo lực đầu tiên ở Kiev trong những ngày gần đây. Hôm 16/9, một nhóm cực đoan khác cũng đã biểu tình và gây bạo lực ở thủ đô để phản đối một loạt dự luật mà Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) thông qua. Những người theo chủ nghĩa cực đoan này đã đốt lốp xe và thậm chí còn đụng độ với Lực lượng Bảo vệ Quốc gia ở ngay trước toà nhà Quốc hội.
Chuyên gia luật pháp quốc tế Alexander Mercouris tin rằng, các thành phần cực đoan ở Ukraine sẽ còn tiếp tục quấy phá nhằm ngăn chặn nỗ lực của Tổng thống Poroshenko trong việc tái thiết lại hoà bình ở miền đông Ukraine. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự leo thang của cuộc khủng hoảng chính trị ở bên trong đất nước Ukraine. Đối với những người này, bất kỳ kiểu tự trị nào cho các khu vực miền đông đều làm hỏng tư tưởng của họ về một đất nước Ukraine tập trung, thống nhất về dân tộc và chỉ nói ngôn ngữ Ukraine”, ông Mercouris đã nhận định như vậy.
Nga khen ngợi dự luật cấp quy chế đặc biệt cho miền đông Ukraine
Trong khi đó, Nga đã lên tiếng khen ngợi dự luật của chính phủ Kiev về việc trao quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông nam Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moscow hôm qua dã miêu tả dự luật mới của Kiev là “một bước đi đúng hướng”.
Lời nhận xét trên được xem là một tín hiệu gửi đến cho Ukraine, trong đó thể hiện mong muốn của Moscow là Kiev và lực lượng ly khai miền đông tiếp tục con đường đàm phán.
Moscow cũng cảnh báo rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Kiev nhằm rút lại dự luật cấp quy chế đặc biệt cho miền đông Ukraine đều có thể gây nguy cơ khiến xung đột bùng phát trở lại.
"Chúng tôi hy vọng rằng, tất cả những điều khoản được đưa ra trong dự luật đều sẽ được thực thi một cách có trách nhiệm. Rõ ràng, nỗ lực của các nhóm chính trị nổi tiếng ở Ukraine là huỷ bỏ dự luật hoặc thay đổi bản chất của nó nhằm đốt lên những căng thẳng, xung đột ở miền đông nam Ukraine cũng như phá hoại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và giới chính khách có lương tri ở Ukraine nhằm bình thường hoá tình hình”, Bộ Ngoại giao Nga đã phát biểu như vậy.
Ý kiến bạn đọc