Tổng thống Putin có thể “chiếm Kiev trong 2 tuần nếu muốn”

20:07, 02/09/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã thẳng thừng tuyên bố: “Nếu muốn, tôi có thể chiếm Kiev chỉ trong hai tuần”. Phát biểu này được ông chủ điện Kremlin đưa ra như là lời phản bác mạnh mẽ nhất trước các cáo buộc của Kiev và phương Tây về việc Nga đang “xâm lược” nước láng giềng. Nó cũng được xem là lời cảnh báo sắc lạnh nhất trước tin NATO đang hối hả lập một lực lượng phản ứng nhanh hùng hậu nhằm chống lại Nga.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin luôn giữ một lập trường cứng rắn, kiên quyết trong vấn đề Ukraine bất chấp sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây


Tờ nhật báo uy tín La Repubblica của Italia đưa tin, trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu sắp mãn nhiệm – ông José Manuel Barroso gần đây, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng: “Nếu muốn, tôi có thể chiếm Kiev chỉ trong 2 tuần”.

 

Ông chủ điện Kremlin tiếp tục bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc cho rằng binh lính Nga đang có mặt trên lãnh thổ Ukraine .

 

Tuyên bố của Tổng thống Putin đã được ông Barroso nói lại với các đồng nghiệp của mình tại cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh Châu Âu (EU) hồi cuối tuần trước.

 

Phương Tây cho rằng, phát biểu của ông Putin về việc có thể “chiếm Kiev trong 2 tuần” là lời cảnh báo, đe dọa trước việc NATO thông báo kế hoạch thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh “mũi nhọn” lên tới 4.000 quân có thể triển khai khắp Đông Âu trong vòng 48 giờ đồng hồ để đối phó với “sự xâm lược” của Nga.

 

Phương Tây cũng tin rằng, phát biểu của ông Putin ám chỉ đến việc Nga có thể chiếm Kiev để trả đũa cho việc Liên minh Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga.

 

Tuy nhiên, nhiều người nhận định rằng, tuyên bố có thể chiếm Kiev trong 2 tuần của Tổng thống Putin chỉ là để bác bỏ những cáo buộc của Kiev và phương Tây về việc Nga đang “xâm lược” nước láng giềng.


Trong khi Kiev và phương Tây nhanh chóng bám vào phát biểu của Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso để củng cố cho cáo buộc về việc Nga muốn xâm lược Ukraine và lên án cái mà họ miêu tả là sự thách thức của ông chủ điện Kremlin thì một cố vấn chính sách đối ngoại của điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ông Barroso về việc trích dẫn câu nói của ông Putin không đúng ngữ cảnh.

 

Theo ông Yuri Ushakov, dù ông Putin có nói gì đi nữa nhưng nếu câu nói của ông ấy bị trích dẫn “ra ngoài ngữ cảnh thì nó sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác”. Vì thế, ông Ushakov cho rằng, hành động của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu là “không thích hợp” và thiếu tính ngoại giao.

 

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Phương Tây hậu thuẫn cho chính quyền Kiev và liên tục đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Ukraine . Dù Moscow bác bỏ mạnh mẽ mọi cáo buộc kiểu trên và bất chấp việc phương Tây không thể đưa ra được những bằng chứng xác đáng để chứng minh cho những cáo buộc đó, Mỹ và EU vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

 

Mới đây nhất, Kiev và phương Tây cùng đồng loạt lên tiếng cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí vào lãnh thổ Ukraine , “can thiệp quân sự trực tiếp” vào nước láng giềng. EU tuyên bố đang chuẩn bị sẵn sàng tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

 

Phản ứng trước diễn biến mới nói trên, Tổng thống Putin hôm qua (1/9) đã bày tỏ hy vọng Nga và phương Tây có thể trở lại mối quan hệ hợp tác bình thường như trước kia thay vì lao vào “cuộc chiến trừng phạt” gây tổn thất cho cả hai như hiện nay.


“Liên quan đến các biện pháp hạn chế hoạt động thương mại và kinh tế, cuối cùng những người áp dụng chính sách đó sẽ là nạn nhân phải hứng chịu tổn thất nhiều nhất”, ông Putin phát biểu tại cuộc họp ngày hôm qua về việc hỗ trợ cho các dự án đầu tư ở vùng Viễn Đông Nga.

 

“Tôi hy vọng lý lẽ sẽ thắng thế và chúng ta sẽ làm việc theo cách thức bình thường, hiện đại. Và chẳng ai trong chúng ta hay các đối tác của chúng ta phải chịu tổn thất từ những hành động trả đũa qua lại”, ông Putin nói thêm.

 

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nói rằng, ông tin là vẫn còn có khả năng để Nga và phương Tây quay trở lại “mối quan hệ hợp tác thực tế”. “Tuy nhiên, để có được điều đó, chúng ta cần phải từ bỏ chính sách vô ích về việc đưa ra những tối hậu thư, những lời đe dọa và các biện pháp trừng phạt”, ông Lavrov nhấn mạnh.

 

Ngoại trưởng Lavrov cũng nói thêm rằng, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, Mỹ và EU đơn giản đang đẩy Nga chuyển hướng hợp tác từ Tây sang Đông.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: “Không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Ukraine

 

Trước những diễn biến về tình hình căng thẳng ngày một leo thang trong cuộc đối đầu Đông-Tây cũng như sau khi chính phủ Kiev cảnh báo về một “cuộc chiến tranh vĩ đại” với Nga, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm nay (2/9) đã tuyên bố với giới lãnh đạo phương Tây rằng, “không có giải pháp quân sự” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Khi NATO đang chuẩn bị thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh mũi nhọn ở Đông Âu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước diễn biến tình hình ở Ukraine đồng thời cho biết ông muốn tránh không để tình hình leo thang một cách hỗn loạn và nguy hiểm.

 

"Tôi biết, Liên minh Châu Âu, Mỹ và hầu hết các nước phương Tây đang thảo luận một cách rất nghiêm túc về việc làm thế nào để xử lý vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là họ nên hiểu rõ rằng, sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Chúng ta cần phải mở ra một tiếnt rình đối thoại chính trị để tìm kiếm một giải pháp chính trị. Đó là cách thức bền vững hơn cả”, ông Ban Ki-moon đã nói như vậy với giới phóng viên trong chuyến thăm đến New Zealand .


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc