(VnMedia) - Moscow sẽ cắt đứt con đường tiếp cận của Ukraine vào thị trường Nga – một thị trường mang tính sống còn đối với nền kinh tế Ukraine, nếu như Kiev thực thi bất kỳ phần nào trong thoả thuận thương mại với Liên minh Châu Âu (EU).
Tổng thống Putin |
Lời cảnh báo thẳng thừng và lạnh lùng trên vừa được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong một bức thư gửi trực tiếp cho người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. Nội dung bức thư một lần nữa cho thấy lập trường hết sức cứng rắn của Moscow đối với một thoả thuận thương mại vốn là trung tâm của cuộc đối đầu Đông-Tây hiện nay.
Trong bức thư gửi đến Tổng thống Poroshenko được tiết lộ ngày hôm qua (23/9), ông chủ điện Kremlin đã cảnh báo rằng, thậm chí chỉ cần Kiev có động thái thay đổi hệ thống pháp chế quốc gia để chuẩn bị cho việc thực thi thoả thuận thương mại tự do Ukraine-EU thì điều đó cũng đã đủ để Moscow ngay lập tức tung ra đòn trả đũa.
"Chúng tôi vẫn tin rằng, chỉ có những sự điều chỉnh mang tính hệ thống trong Thoả thuận Hợp tác Ukraine-EU theo hướng có tính đến toàn bộ những nguy cơ gây ra cho mối quan hệ kinh tế Nga-Ukraine cũng như toàn bộ nền kinh tế Nga, thì mới có thể cho phép duy trì được mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang tồn tại hiện nay giữa hai nước Liên bang Nga và Ukraine”, ông Putin đã viết như vậy trong bức thư đề ngày 17/9.
Nhà lãnh đạo Putin không tiết lộ chi tiết về những đòn trả đũa mà Moscow có thể tung ra nhưng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tuần trước từng cho biết, ông này đã ký lệnh hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà xuất khẩu Ukraine vào thị trường Nga. Tuy nhiên, những biện pháp này hiện vẫn chưa được đưa vào áp dụng.
Tăng đáng kể thuế quan của Nga cũng có thể đồng nghĩa với việc mỗi năm Ukraine mất khoảng 3 tỉ euro ở thị trường Nga. Hiện tại, Ukraine đang xuất khẩu sang Nga các mặt hàng chủ yếu là sắt thép, than đá, các chất hoá học và lúa mỳ.
Thoả thuận hợp tác giữa Ukraine và Liên minh Châu Âu vốn là trung tâm của một cuộc đối đầu và cuộc đối đầu này đã leo thang, phát triển thành một “cuộc chiến giằng co” giữa Brussels và điện Kremlin vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nga và EU đang lao vào một cuộc chiến trừng phạt trên mặt trận kinh tế, thương mại.
Sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych vì lý do ông này bác bỏ thoả thuận hợp tác với EU, Quốc hội Ukraine mới đây đã ký thoả thuận hợp tác về thương mại và chính trị mang tính lịch sử với EU. Bước đi này chính thức đánh dấu sự lựa chọn của Kiev, theo đó quốc gia Đông Âu đã ngả về phương Tây và rời xa nước láng giềng Nga.
Tuy nhiên, trong bước nhượng bộ vào phút cuối cùng trước Nga, Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định tạm hoãn việc thực thi thoả thuận thương mại tự do với Ukraine cho đến ngày 31/12/2015. Brussels hy vọng rằng, khoảng thời gian này là đủ để có thể trấn an nỗi quan ngại của Moscow về thoả thuận thương mại tự do Ukraine-EU. Đây là một thoả thuận pháp lý không dễ dàng bị thay đổi, điều chỉnh.
Tuy nhiên, bức thư của Tổng thống Putin cho thấy, điện Kremlin vẫn coi việc trì hoãn thực hiện thoả thuận thương mại tự do Ukraine-EU trong vòng 15 tháng là một sự đình chỉ hoàn toàn tiến trình này cho đến khi những yêu cầu thay đổi của Nga đối với bản thoả thuận trên được đáp ứng.
"Việc thực thi những điều khoản trong thoả thuận sẽ được coi là hành vi vi phạm cam kết hoãn thực thi thoả thuận đã được đưa ra và điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến những đòn trả đũa nhanh chóng và tương xứng từ Nga”, ông Putin cảnh cáo.
Tổng thống Putin muốn tiến hành các cuộc đàm phán 3 bên để sửa đổi thoả thuận của Liên minh Châu Âu với Kiev.
Moscow thực sự quan ngại trước viễn cảnh việc thực thi Hiệp ước Hợp tác giữa Ukraine và EU sẽ gây ra những nguy cơ kinh tế to lớn cho cả Nga và Ukraine. Cụ thể, Moscow sợ rằng, một khi Ukraine thực hiện thoả thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, điều đó đồng nghĩa với việc một luồng hàng miễn thuế từ Châu Âu sẽ tràn vào thị trường Ukraine và Nga. Điều này buộc Moscow phải có hành động bảo vệ thị trường của mình.
Nga được cho là đang ở thế thượng phong trong cuộc đối đầu liên quan đến vấn đề thương mại tự do bởi việc nước này áp dụng các biện pháp giới hạn khả năng tiếp cận thị trường Nga sẽ gây ra đau đớn trực tiếp và ngay lập tức đến nền kinh tế của Ukraine. 1/4 xuất khẩu của Ukraine có điểm đến là hướng đông và con số tương tự là vào hướng ngược lại – nghĩa là 28 nước thành viên EU. Điều quan trọng hơn là Ukraine sẽ chưa thể được hưởng lợi ích từ thương mại tự do với Châu Âu trong vòng 1 thập kỷ tới bởi thoả thuận được ký kết đã để một khoảng thời gian tối đa 10 năm cho “giai đoạn chuyển tiếp”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc