Thương vụ vũ khí mới của Nhật sẽ "chọc giận" Trung Quốc?

20:00, 02/09/2014
|

(VnMedia) - Nhật Bản và Australia đang tiến tới một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD, theo đó, Tokyo sẽ cung cấp cho Canberra một hạm đội tàu ngầm tàng hình. Động thái này được cho là có thể “chọc giận” Trung Quốc. Thông tin trên vừa được hãng tin Reuters đưa ra hôm qua (1/9).
 
Tuy nhiên, 3 nguồn tin thân cận với vòng đàm phán về thương vụ mua bán vũ khí này cho biết, phải mất vài tháng nữa thì thỏa thuận này mới chính thức được thông qua, tuy nhiên, vụ mua bán chưa có tiền lệ các tàu ngầm dựa trên tàu ngầm lớp Soryu của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đang được xem là phương án khả quan nhất.

Ảnh minh họa

Một thỏa thuận như vậy có thể là tín hiệu cho thấy một sự “bành trướng” lớn trong nỗ lực của Thủ tướng Abe về một nền quân đội năng động hơn sau nhiều thập niên hòa bình. Trung Quốc thường xuyên cáo buộc ông Abe muốn làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật.
 
Australia bày tỏ mong muốn mua các tàu ngầm diesel chạy êm từ Nhật Bản kể từ khi Canberra từ bỏ một cam kết chế tạo các tàu ngầm ở trong nước của chính phủ nước này.
 
Nguồn tin cho rằng, đó là lựa chọn tốt nhất lúc này.
 
Trước đó, hồi tháng 7, ông Abe và người đồng cấp Australia - Tony Abbott đã nhất trí “tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh”, trong đó có việc chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự.

Các cuộc thương thảo giữa hai bên từ đó tiến triển nhanh chóng từ việc chuyển giao công nghệ tới việc chế tạo tàu ngầm hoàn chính tại Nhật Bản với mục đích thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins đã lỗi thời của Australia bằng 12 tàu ngầm của Nhật Bản dựa trên phiên bản tàu ngầm 4000 tấn Soryu được cho là tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới vào những năm 2030.
 
Một trong số ba nguồn tin trên cho biết: “Các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Australia đang được đẩy nhanh tiến độ”.
 
Đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một thỏa thuận đạt được trước tháng 1 năm tới sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Nhạt Bản sẽ ít bị kiềm chế hơn bởi Hiến pháp hòa bình.

Năm nay, ông Abe đã nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí, cho phép quân đội sử dụng quyền phòng vệ và tăng chi tiêu quốc phòng.

Thỏa thuận đột phá chưa có tiền lệ
 
Việc Nhật Bản xuất khẩu một hạm đội tàu ngầm sẽ đánh dấu lần đầu tiên ít nhất kể từ sau Thế chiến Thứ II Nhật Bản bán một loại vũ khí hoàn chỉnh ra nước ngoài. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên Australia thông qua việc chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài.
 
Các đơn đặt hàng lớn cho các tập đoàn chế tạo vũ khí của Nhật Bản sẽ giúp giảm các chi phí đầu tư vũ khí quân sự cho Tokyo, một gánh nợ lớn nhất cho quốc gia công nghiệp này.
 
Đối với Canberra, thương vụ này giúp hộ giảm các khoản chi phí và rủ ro khi tự phát triển tàu ngầm trong nước sau khi tàu ngầm lớp Collins tự chế của nước này bị “cho về vườn” vì quá nhiều tiếng ồn và dễ bị phát hiện. Người ta cho rằng, chi phí bảo trí và nâng cấp loại tàu ngầm này có thể ngang ngửa việc mua tàu ngầm mới.
 
Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Australia – David Johnson cho biết, thiết kế và kế hoạch chế tạo cụ thể cho loại tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Australia chưa được “ngã ngũ” vì chính phủ Australia phải đưa ra quyết định một cách thận trọng dựa vào các quy định của Sách Trắng Quốc phòng.
 
Về phía Nhật Bản, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nước này – ông Hirofumi Takeda từ chối bình luận về thông tin trên, chỉ nói rằng “Nhật Bản và Australia đang đàm phán về việc chuyển giao công nghệ và vũ khí nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
 
Chi phí là một vấn đề đối với Canberra. Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston cho biết với hãng tin Reuters hồi tháng 6 rằng ông “rất lo ngại” về ước tính chi phí lên tới 37,3 tỷ USD đối với phương án tự chế tạo trong nước.
 
12 tàu ngầm Soryu, có giá 500 triệu USD mỗi chiếc, cộng với bảo trì và tân trang, sẽ giúp Úc tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nước này vật lộn với chính sách khắc khổ.
 
Chính phủ của Thủ tướng Abbott dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về loại và số lượng tàu ngầm muốn mua trong báo cáo quốc phòng tổng thể vào đầu năm tới.
 
Hải quân Úc hiện có 6 tàu ngầm lớp Collins gồm: Collins, Ranking, Farnkomb, Waller, Deschenes và Sheehan. Loại tàu ngầm quy ước này được đóng mới dựa trên kỹ thuật tàu ngầm Type 417 Vesteretland của Thụy Điển. Tàu có lượng giãn nước 3,400 tấn, chạy với vận tốc đến 21 hải lý/h và tầm hoạt động 11,000 hải lý, trang bị 6 ống phóng lôi 533 mm với cơ số đạn 22 quả ngư lôi hoặc hoả tiển tuần thám Sub-Harpoon.
 
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, tàu ngầm lớp Collins thường xuyên gặp trục trặc. Loại tàu ngầm lớp Collins được trang bị 3 động cơ diesel, 3 máy phát điện và 3 máy bơm thủy lực. Mỗi loại động cơ đều có đặc điểm kỹ thuật riêng. Ngoài ra tàu ngầm này còn có độ ồn của động cơ quá lớn và sự thiếu tin cậy của hệ thống máy tính chỉ huy trung tâm.
 
Ngoài ra, khi hoạt động, động cơ cũng tạo sự sự rung lắc trên mức cho phép và sự thiếu ổn định của bộ phận. Những vấn đề trên làm giảm hiệu năng và khả năng hoạt động của tàu ngầm. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Úc đang cố kéo dài “tuổi thọ” của các tàu ngầm lớp Collin cho đến lúc có thể thay thế bằng một đội tàu ngầm mới.


Đan Khanh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc