(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhận được sự ủng hộ của Dhaka cho nỗ lực của Tokyo trong việc tìm kiếm một chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khi ông này bắt đầu chuyến công du đến Bangladesh và Sri Lanka nhằm tìm cách đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tuyên bố Dhaka sẽ rút lại đơn ứng cử để ủng hộ cho Tokyo vì việc nước này đã “liên tục dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho tiến trình phát triển của Bangladesh".
Thông báo trên của bà Hasina được đưa ra sau khi bà này có cuộc họp thượng đỉnh chính thức với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhà lãnh đạo Abe đang có chuyến công du kéo dài 3 ngày đến Nam Á để củng cố các mối quan hệ về an ninh và kinh tế với khu vực.
Dhaka đang vận động tranh cử một chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an trong nhiều năm nay nhưng giới chức địa phương cho biết, cam kết của Nhật Bản trong việc đầu tư vào một số dự án cơ sở hạ tầng then chốt của Bangladesh đã khiến họ thay đổi quyết định.
Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Bangladesh trong vòng 14 năm trở lại đây. Ngày hôm qua (7/9), ông Abe đã rời Bangladesh đến thăm Sri Lanka. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Sri Lanka trong vòng 24 năm trở lại đây. Tại quốc gia Nam Á, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse.
Chuyến công du Nam Á của ông Abe diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo trong tuần trước nữa. Trong chuyến thăm này, hai nước Ấn Độ và Nhật Bản đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ song phương giữa họ lên “một cấp độ mới”. Tokyo và New Delhi vốn đang có mối quan hệ khó khăn và gai góc với cường quốc số 1 Châu Á - Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên trước khi rời thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe đã gọi các nước Bangladesh và Sri Lanka "là những nước có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên sân khấu chính trị và kinh tế của thế giới”.
Ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Hasina đã ký một tuyên bố chung, trong đó Nhật Bản tái cam kết ủng hộ một số dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Bangladesh. Trong khi đó, Dhaka thông báo sẽ thành lập một khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
“Dấu mốc trong các mối quan hệ”
Bangladesh đã miêu tả chuyến thăm của Thủ tướng Abe là một “dấu mốc” trong các mối quan hệ đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ nhận được nguồn đầu tư từ Nhật Bản cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có một cây cầu đường sắt và một đường ngầm dưới sông Brahmaputra.
Thủ tướng Abe được hộ tống bởi hàng chục giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu, đã phát biểu tại diễn đàn các doanh nhân Nhật Bản và Bangladesh rằng, mối quan hệ giữa hai nước đã bước vào “một cấp độ mới” và rằng cả hai nước “sẽ giúp đỡ lẫn nhau như anh chị em”.
Thủ tướng Abe cam kết sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cho sáng kiến Vành đai Phát triển Công nghiệp Vịnh Bengal để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở quốc gia Nam Á nghèo khổ này. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng kêu gọi Dhaka tiếp tục “cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư” ở Bangladesh.
"Tôi một lần nữa cam kết rằng, Nhật Bản sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế với khoản đầu tư khoảng 6 tỉ USD trong vòng từ 4 đến 5 năm tới, bao gồm 1,2 tỉ USD đã được cung cấp trước đó”, ông Abe nói.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói thêm rằng, Tokyo “biết ơn sâu sắc” về quyết định của Bangladesh trong việc ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Bangladesh đã đến thăm Nhật Bản hồi tháng 5 khi Tokyo thông báo khoản viện trợ 6 tỉ USD cho Dhaka. Thoả thuận viện trợ này là một cú huých cho bà Hasina, vài tháng sau khi bà này vừa giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Dhaka hồi tháng trước đã thông báo, Nhật Bản sẽ cho nước này vay khoảng 4 tỉ USD cho một dự án nhà máy năng lượng than đá. Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Bangladesh và cũng là điểm đến xuất khẩu tăng trưởng nhanh của quốc gia Nam Á.
Cơ quan viện trợ nhà nước Nhật Bản đang rất quan tâm đến dự án xây dựng một cảng nước sâu ở phía nam Bangladesh. Đây là dự án mà Dhaka từng đặt vấn đề với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm đến Sri Lanka, Thủ tướng Abe và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse đã nhất trí sẽ thiết lập mối quan hệ hàng hải mạnh mẽ hơn, thắt chặt hơn trong một nỗ lực rõ ràng là nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong khu vực.
Ông Abe thông báo sẽ cung cấp các tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Sri Lanka đồng thời thiết lập một cuộc đối thoại chung về “các vấn đề hàng hải và đại dương”.
"Hai nước chúng ta với tư cách là hai quốc gia hàng hải đều thừa nhận tầm quan trong của việc bảo đảm mối quan hệ hợp tác và an ninh hàng hải. Tôi rất vui mừng trước mối quan hệ tương tác chặt chẽ giữa giới chức quốc phòng hai nước trong lĩnh vực này”, Tổng thống Rajapakse phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Abe.
Ông Rajapakse cũng đề nghị Nhật Bản đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng cầu cảng trên quốc đảo này. Trung Quốc hiện đang thống trí lĩnh vực xây cầu cảng ở Sri Lanka với dự án xây dựng một cảng nước sâu trị giá lên tới 500 triệu USD ở Colombo hồi năm ngoái.
Trung Quốc đang ra sức tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương với Sri Lanka là một nước nằm ở giữa trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc cũng xây dựng một cảng khác ở phía nam Sri Lanka, gây ra nỗi quan ngại về việc Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một vòng ảnh hưởng xung quanh Ấn Độ - cường quốc cũng là đối thủ chính của họ ở khu vực.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc