“Nhún” trước Ấn Độ, Trung Quốc ồ ạt rút quân

19:07, 20/09/2014
|

(VnMedia) - Binh lính Trung Quốc đang bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới với Ấn Độ khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm hiếm hoi đến New Delhi, một số nguồn tin hôm qua (19/9) tiết lộ. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình bị phủ bóng đen bởi cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới tranh chấp giữa quân lính hai nước. Không rõ liệu hành động rút quân mới nhất của Trung Quốc có phải là “sự nhún mình” của Bắc Kinh sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân đến thủ đô New Delhi để tìm cách “ve vãn” nước láng giềng Ấn Độ.
 

Ảnh minh họa


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) trong chuyến thăm Ấn Độ


Báo chí thế giới tuần này đã tốn không ít giấy mực về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến nước láng giềng Ấn Độ. Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ dùng tiềm lực kinh tế dồi dào của Trung Quốc để lôi kéo Ấn Độ sau khi New Delhi vừa có những cam kết hợp tác gắn bó với Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, ngay trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, một sự việc đã xảy ra, đó là cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. New Delhi tố cáo quân lính Trung Quốc lại xâm nhập vào biên giới của họ và Ấn Độ ngay lập tức tuyên bố sẽ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình. Vụ việc trên đã phủ bóng đen lên chuyến thăm mà giới chức Trung Quốc đặt kỳ vọng rất lớn vào việc tái cài đặt lại quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này sau khi Ấn Độ có chính phủ mới.
 
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân lên đất Ấn Độ hôm thứ Tư (17/9), báo chí địa phương rộ lên tin 1.000 binh lính Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào khu vực tranh chấp ở vùng miền núi phía bắc Ladakh, châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới nhất giữa quân đội hai nước.
 
Giới phân tích cho rằng, vụ xâm nhập mới nhất của binh lính Trung Quốc vào khu vực biên giới tranh chấp có thể là hành động được sắp xếp đúng thời điểm nhằm để cảnh cáo phát biểu trước đó của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó ông này phát đi thông điệp về việc sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với “sự bành trướng” của Trung Quốc.
 
Ngày hôm qua, một nghị sĩ Ấn Độ cho biết, binh lính Trung Quốc bắt đầu rút đi. Thông tin này sau đó đã được xác nhận bởi hãng tin Press Trust của Ấn Độ. “Các binh lính Trung Quốc đã bắt đầu quay trở về”, nghị sĩ giấu tên của Ấn Độ khẳng định.
 
"Binh lính Ấn Độ cũng rút đi nhưng họ vẫn cảnh giác”, vị nghị sĩ trên cho biết thêm.
 
Một nguồn tin từ lực lượng bán quân sự Ấn Độ cho hay, tình hình đã “dịu đi” ở khu vực Chumar mặc dù một số binh lính Trung Quốc vẫn còn đang có mặt ở khu vực Demchok, phía nam Ladakh.
 
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã bị phủ bóng đen bởi những nghi kỵ, hoài nghi lẫn nhau về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Himalaya – nơi hai nước từng có một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ cáo buộc, Trung Quốc đang tăng cường xâm nhập bất hợp pháp vào biên giới của họ. Theo New Delhi, trong hai năm qua, số lần Trung Quốc xâm phạm biên giới Ấn Độ tăng vọt và điều đó chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng trở nên quyết tâm hơn trong tham vọng lấn chiếm lãnh thổ của Ấn Độ. Cụ thể, số lần Trung Quốc bị tố xâm nhập biên giới của Ấn Độ từ đầu năm đến tháng 8 vừa rồi đã lên tới 334 lần. Trung Quốc tất nhiên luôn bác bỏ cáo buộc trên bởi Bắc Kinh đang đòi chủ quyền một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở khu vực biên giới.
 
Những vụ xâm nhập của binh lính Trung Quốc vào khu vực biên giới với tranh chấp ở Ấn Độ diễn ra mỗi lúc một thường xuyên hơn và vì thế nó khiến cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á trở nên khó yên ấm hơn.
 
Giới phân tích tin rằng, nếu không giải quyết được vấn đề biên giới, Trung Quốc khó lòng “ve vãn” được Ấn Độ như mong muốn của họ. Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua, hai nhà lãnh đạo Trung, Ấn đã cam kết tìm kiếm “một giải pháp công bằng, thích hợp, có thể chấp nhận được với cả hai” để giải quyết vấn đề biên giới được coi như “khối nhọt ung mủ” trong mối quan hệ Trung-Ấn này.
 
"Trong lúc chờ đợi giải pháp cuối cùng cho tranh chấp ở khu vực biên giới, hai bên sẽ nỗ lực để duy trì hòa bình và sự yên tĩnh ở nơi điểm nóng này”, hai nhà lãnh đạo Trung, Ấn cho hay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, hai nhà lãnh đạo Trung, Ấn đã “đạt được một sự đồng thuận quan trọng trong việc xử lý đúng đắn các vấn đề biên giới.
 
Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục trấn an Ấn Độ
 
Trong một dấu hiệu khác cho thấy quyết tâm ”ve vãn” Ấn Độ của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục trấn an New Delhi bằng tuyên bố Trung Quốc không phải là nước hiếu chiến, thích chiến tranh đồng thời tung ra lời hứa hẹn đầu tư 20 tỉ USD trong 5 năm tới cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ.
 
"Một quốc gia hiếu chiến, thích chiến tranh dù lớn thế nào rồi cuối cùng cũng sẽ bị diệt vong”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói như vậy trong bài phát biểu tại Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc tin rằng, các nước láng giềng là chìa khóa cho sự thịnh vượng và phát triển của nước này.
 
Ông Tập Cận Bình cam kết sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình, giải quyết các mối quan ngại ở Châu Á về những đòi hỏi, tranh chấp chủ quyền ngày càng hung hăng, quyết liệt của nước này trong khu vực, trong đó có Biển Đông – một tuyến đường biển vô cùng quan trọng với thế giới.
 
Ngoài những lời cam kết trên, Trung Quốc còn cam kết sẽ đầu tư 20 tỉ USD trong vòng 5 năm tới cho việc xây dựng các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng, trong đó có công nghệ đường sắt, cho Ấn Độ.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình còn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về việc tăng giá trị thương mại song phương Trung-Ấn lên mức 150 tỉ USD trong vòng 5 năm tới mặc dù hiện nay con số này chỉ ở mức cực kỳ khiêm tốn là 400 triệu USD.
 
Bất chấp những diễn biến tích cực trên, giới phân tích tin rằng, quan hệ Trung-Ấn khó có thể cất cánh khi bản thân hai nước còn quá hoài nghi về nhau. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn tồn tại một loạt vấn đề: một cuộc tranh chấp biên giới cực kỳ khó giải quyết; một cuộc ganh đua, cạnh tranh vị thế nóng bỏng trong khu vực, và cả sự thâm hụt thương mại to lớn mà Ấn Độ đang phải gánh chịu trong quan hệ với Trung Quốc.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc