Nhật, Ấn thắm thiết, Trung Quốc “giận sôi”

19:55, 01/09/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đang cho thấy một mối quan hệ Nhật-Ấn nồng ấm, thắm thiết bằng sự đồng điệu về tâm hồn, bằng cái ôm siết chặt và một chuyến thăm đến thành phố cổ Kyoto. Diễn biến này đang khiến Trung Quốc “giận sôi”, tố Tokyo tìm cách chia rẽ quan hệ Trung-Ấn.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Ấn Độ (bên trái) và người đồng cấp Nhật Bản trong chuyến thăm ngôi đền cổ Toji


Trước khi Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Abe hồi tuần trước đã thể hiện sự mong ngóng khi viết trên Twitter rằng: “Tôi háo hức chờ đợi chuyến thăm của ngài đến Kyoto trong cuối tuần này” sau khi tuyên bố “Ấn Độ có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”.

 

Về phần mình, Thủ tướng Modi cũng bày tỏ, ông “thực sự phấn khích khi được gặp” Thủ tướng Abe, nhấn mạnh “mối quan hệ nồng ấm” với người đồng cấp Nhật Bản. Ông Modi là một trong chỉ 3 người được Thủ tướng Abe quan tâm theo dõi trên Twitter.

 

Những trao đổi trên Twitter là màn dạo đầu có một cái ôm siết chặt hôm 30/8 khi Thủ tướng Modi cùng đoàn doanh nghiệp cấp cao và cực kỳ có ảnh hưởng ở Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản nhằm đưa mối quan hệ nở rộ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

 

Buổi lễ tiếp đón ngày 30/8 diễn ra ở Nhà khách Quốc gia Kyoto đáng chú ý vì hai lý do. Thủ tướng Abe thường tiếp đón các vị quan khách nước ngoài ở thủ đô Tokyo và việc ông đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ ở bên ngoài thủ đô Tokyo là một điều bất thường. Chuyến đi đặc biệt đến thủ đô cổ Kyoto của Nhật Bản được hãng tin Kyodo miêu tả là một “sự đón chào hết sức đặc biệt” mà ông Abe dành cho ông Modi.

 

Và bằng cách vòng tay ra sau để ôm siết chặt Thủ tướng Modi, ông Abe đã cho thấy một sự khác biệt rõ ràng với cái bắt tay chặt mà ông dành để đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 4.

 

Thủ tướng Abe đã đưa người đồng cấp Ấn Độ Modi đến thăm một ngôi đền cổ một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo này có một bữa ăn tối riêng. Ông Abe và ông Modi đã đến thăm một ngôi đền Phật giáo Toji 1.200 tuổi – một di sản thế giới trong buổi sáng ngày hôm qua (31/8). Hai ông đã cùng cầu nguyện trước những bước tượng cổ.

 

Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi còn đi dạo với nhau với sự tháp tùng của một nhà tu hành. Phật giáo vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ và đã được đưa vào Nhật Bản qua Trung Quốc và Triều Tiên từ thế kỷ thứ 6.

 

Tiếp đó, cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có cuộc gặp với nhà nghiên cứu tế bào gốc đoạt giải Nobel Shinya Yamanaka. Ông này là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào iPS ở trường Đại học Kyoto . Nhà khoa học đoạt giải Nobel đã báo cáo Thủ tướng Ấn Độ về nghiên cứu mới nhất của ông.

 

Ông Modi hôm qua đã đến Sân bay Quốc tế Kansai ở gần thành phố phía tây Osaka trên một chuyến bay đặc biệt vào buổi đêm. Ông sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức với Thủ tướng Abe ở Tokyo trong ngày hôm nay (1/9) cũng như gặp gỡ với lãnh đạo các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, mục đích cao nhất của hai nước Nhật Bản và Ấn Độ trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi lần này đã tìm cách kiềm chế các hoạt động đang gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ đã nói với giới báo chí Nhật Bản trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước rằng, hai nước có thể sẽ “nâng cấp” quan hệ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ có thể sẽ nhất trí thiết lập cơ chế tư vấn an ninh “2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Tokyo đã thiết lập cơ chế này với Mỹ , Australia , Nga và Pháp.

 

Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản có rất nhiều điểm chung và đó là lý do hai ông có mối quan hệ thân thiết đặc biệt như vậy. Như ông Ruchir Sharma, người đứng đầu các thị trường đang nổi ở tổ chức Quản lý Đầu tư Morgan Stanley cho biết, cả ông Abe và ông Modi đều là “những người bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc và là những nhà cải cách ủng hộ các doanh nghiệp. Hai nhà lãnh đạo này đều cam kết khôi phục lòng tự hào dân tộc bằng cách vực dậy các nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước họ”.

 

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng Modi khi chọn Nhật Bản là chuyến công du đầu tiên bên ngoài khu vực Nam Á kể từ sau khi ông này được bầu lên trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 không phải là chỉ dựa trên tình cảm cá nhân với Thủ tướng Abe. Quyết định đó dựa trên những tính toán kỹ càng về việc Nhật Bản và Ấn Độ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung cũng như quan ngại chung, đó là phục hồi nền kinh tế hai nước và đối phó với “sự bành trướng” của Trung Quốc.

 

“Mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng định hình nền địa chính trị của Châu Á nhiều như sự nổi lên của Trung Quốc hay chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ”, ông Brahma Chellaney - một giáo sư về nghiên cứu chiến lược ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của New Delhi, đã nhận định như vậy.

 

Phản ứng trước chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Nhật Bản, tờ China Daily của Trung Quốc cáo buộc, ông Abe đang “chia rẽ” mối quan hệ giữa Trung-Ấn. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo, mối quan hệ Nhật-Ấn sẽ phải đối mặt với “sự bất ổn rất lớn” xét trong bối cảnh sự nổi lên của nhóm BRICS và mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

 

"Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã htieets lập một ngân hàng phát triển riêng, đưa mối quan hệ hợp tác Trung-Ấn vào một giai đoạn lịch sử mới”, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đã viết như vậy trong bài viết về chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Nhật Bản.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc