(VnMedia) - Nhật Bản và Ấn Độ hôm qua (1/9) đã nhất trí tăng cường mối quan hệ quốc phòng và hạt nhân trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba Châu Á đều đang dõi theo sự nổi lên của Trung Quốc với ánh mắt lo ngại. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không ngần ngại lên án chính sách “bành trướng” của một số quốc gia, ngầm ám chỉ đến nước láng giềng Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và người đồng cấp Nhật Bản Abe |
Trong một phát biểu được cho là hợp lòng chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu thẳng thừng trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Shinzo Abe ngày hôm qua rằng, tư tưởng “bành trướng” của thế kỷ 18 vẫn còn hiện hữu trong thế giới này – một số nước “xâm lấn lãnh thổ” của các nước khác, một số nước “xâm nhập vào vùng biển” và “chiếm giữ lãnh thổ của các nước khác”. Trong khi không hề đả động trực tiếp đến cái tên Trung Quốc, phát biểu của ông Modi về “sự xâm lấn lãnh thổ” và “sự xâm nhập vào các vùng biển” rõ ràng được cho là nhằm thẳng đến Trung Quốc. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với một loạt các nước láng giềng xung quanh. Cụ thể, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ở khu vực biên giới. Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh đang gây sóng gió trong khu vực khi liên tiếp có các hành động hung hăng, quyết liệt ở những khu vực lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp.
Thủ tướng Ấn Độ Modi đang có chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày đến Nhật Bản. Chuyến thăm này diễn ra dưới sự theo dõi đầy lo lắng và bồn chồn của Trung Quốc. Thủ tướng Abe – người có mối quan hệ tình cảm cá nhân gắn bó với người đồng cấp Modi, được cho là đang tìm cách “ve vãn” Ấn Độ - một cường quốc lớn của Châu Â, để làm đối trọng với nước láng giềng Trung Quốc. Bản thân, New Delhi cũng muốn bắt tay với Tokyo để “răn đe” Trung Quốc.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở thủ đô Tokyo ngày hôm qua, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi đã nhất trí nâng mối quan hệ Nhật-Ấn lên mức đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt. Thủ tướng Abe cam kết sẽ cho Ấn Độ vay 480 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng thời đầu tư 3,5 nghìn tỉ yên vào các lĩnh vực công và tư ở Ấn Độ trong vòng 5 năm tới.
“Tôi thường nói rằng, quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ có tiềm năng hơn bất kỳ mối quan hệ nào trên thế giới. Lần này, khi bắt tay với Thủ tướng Modi, tôi muốn đưa quan hệ này phát triển trên mọi lĩnh vực và nâng cấp nó lên mối quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt”, ông Abe đã phát biểu như vậy.
Điều đáng chú ý trong chuyến thăm của ông Modi dịp này là Nhật Bản và Ấn Độ đã thông nhất đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo Abe và Modi đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa tiến trình đàm phán về một thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân song phương. Cả ông Abe và ông Modi đều cho biết, Nhật Bản và Ấn Độ đã “đạt được tiến bộ đáng kể” trong tiến trình đàm phán.
Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi cũng đồng ý đẩy mạnh các cuộc đàm phán về việc bán thủy phi cơ cho Hải quân Ấn Độ. Nếu được ký kết, hợp đồng này có thể là hợp đồng bán vũ khí đầu tiên của Nhật Bản ra bên ngoài trong vòng gần 50 năm trở lại đây. Chính sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản là kết quả của phương pháp tiến cập cứng rắn hơn của Tokyo trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Về phần mình, Thủ tướng Modi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 đã đến Nhật Bản với mục đích là tận dụng mối quan hệ tình cảm cá nhân nồng ấm với Thủ tướng Abe để củng cố mối quan hệ an ninh và kinh tế giữa Ấn Độ với Nhật Bản.
"Chúng tôi có ý định thực hiện một cuộc đột phá mới, một hướng mới trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác quốc phòng, trong đó có việc phối hợp trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị quốc phòng, trong bối cảnh hai nước chia sẻ lợi ích chung về hòa bình, sự ổn định và an ninh hàng hải”, ông Modi phát biểu.
Ngoài ra, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tăng cường tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với nhau trên mức độ thường xuyên. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục tham gai vào các cuộc tập trận Mỹ-Ấn.
Theo Thủ tướng Modi, "thế kỷ 21 thuộc về Châu Á... nhưng thế kỷ 21 sẽ như thế nào phụ thuộc vào việc mối quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ và tiến bộ như thế nào”.
Trung Quốc thận trọng trước cảnh báo ngầm của Thủ tướng Ấn Độ
Trong khi báo chí Trung Quốc tỏ ra “tức tối”, khó chịu trước mối quan hệ nồng ấm giữa Nhật Bản và Ấn Độ, cáo buộc Thủ tướng Abe tìm cách chia rẽ quan hệ Trung-Ấn thì giới chức Trung Quốc lại phản ứng khá thận trọng trước phát biểu ám chỉ đến họ của Thủ tướng Modi tại Tokyo.
Đề cập đến nhận xét về xu hướng “bành trướng” của một số nước mà Thủ tướng Modi đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Abe, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thận trọng nói rằng ông không rõ là Thủ tướng Ấn Độ muốn ám chỉ đến điều gì đồng thời nhắc lại những phát biểu trước đó của ông Modi về việc Ấn Độ và Trung Quốc là hai đối tác chiến lược.
“Chúng tôi quan tâm đến những thông tin có liên quan về chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Nhật Bản. Các bạn vừa đề cập đến những phát biểu của ông ấy và tôi không biết ông ấy muốn ám chỉ đến điều gì. Tuy nhiên, tôi có thể trả lời câu hỏi bằng cách trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Modi gần đây. Ông ấy từng nói rằng, Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược vì sự phát triển chung. Mối quan hệ láng giềng tốt và hợp tác tốt là điều rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của toàn thế giới và nhân loại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Qin Gang đã nói như vậy tại một cuộc họp báo.
Giới phân tích tin rằng, Ấn Độ sẽ phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề an ninh, chủ quyền và những vụ xâm nhập của Trung Quốc vào biên giới của họ.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc