Nga xem thường “đòn trừng phạt” của Pháp

09:53, 22/09/2014
|

(VnMedia) - Moscow đã tỏ ra xem thường đòn trừng phạt của Pháp về việc tạm hoãn cung cấp siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin hôm qua (21/9) đã tuyên bố đầy cứng rắn rằng, Nga có thể hoạt động mà không cần đến siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp.
 

Ảnh minh họa


Người dân Pháp biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Hollande


Phát biểu trong chương trình Tối Chủ nhật (Sunday Evening), ông Rogozin đã nói: “Năm ngoái, vào ngày 16/11, chúng tôi đã chuyển giao cho các đồng nghiệp Ấn Độ chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Vikramaditya. Con tàu này vốn là tàu tuần dương mang tên lửa Đô đốc Gorshkov. Như vậy, sau khi hoàn thành hợp đồng đó và thu được một số tiền lớn, chúng tôi đã chứng minh cho người dân và giới lãnh đạo Nga rằng Nga có thể tự đóng những con tàu kiểu đó”.
 
Một tàu sân bay tối tân là đỉnh cao của ngành đóng tàu. “Đối với một tàu đổ bộ, thiết kế của nó đơn giản hơn nhiều. Tất nhiên, chúng tôi có thể làm được điều đó”, ông Rogozin cho hay, ám chỉ đến việc đóng một chiếc tàu sân bay.
 
Phó Thủ tướng Nga cho rằng, các siêu tàu lớp Mistral được thiết kế cho khí hậu ở Địa Trung Hải. “Những con tàu đó thực ra không hoàn toàn phù hợp với chúng tôi xét về các yêu cầu liên quan đến vấn đề khí hậu. Ít nhất, chúng sẽ không thể được triển khai ở các biển phía bắc”, ông Rogozin khẳng định.
 
Vị Phó Thủ tướng Nga cũng chỉ trích về những phát biểu của Pháp cho rằng, hợp đồng tàu chiến lớn Mistral có thể bị huỷ bỏ và con tàu đó có thể được bán cho một bên khác. Theo ông Rogozin, hành động bán lại siêu tàu chiến lớp Mistral cho một bên khác là vi phạm pháp luật bởi 1/3 bộ phận trên con tàu đó do Nga chế tạo. “Phần đuôi của tàu lớp Mistral được chế tạo tại xưởng đóng tàu Baltic ở St. Petersburg. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn giữ con tàu lại. Chúng tôi sẽ phải xé phần đuôi con tàu và đưa nó trở về để lắp vào các con tàu khác”, ông Rogozin nhấn mạnh.
 
“Với lý do nói trên, không thể có chuyện Pháp chuyển giao nửa con tàu cho bất kỳ ai. Thứ hai là, chúng tôi đã trả tiền cho Pháp và vì thế Pháp sẽ phải trả lại kèm theo khoản phạt huỷ hợp đồng. Thứ ba là Pháp không chỉ gặp nguy cơ về tài chính mà vị thế của nước này với tư cách là một nhà cung cấp đáng tin cậy trong Tổ chức Thương mại Thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Rogozin nói thêm.
 
Hợp đồng mua hai tàu lớp Mistral trị giá 1,12 tỉ euro (1,6 tỉ USD) đã được tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga – Rosoboronexport ký với tập đoàn DCNS của Pháp hồi tháng 6 năm 2011. Chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 11 này trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015.
 
Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó được Tổng thống Pháp khi đó ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Pháp cũng trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Hợp đồng này đã tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 người ở các xưởng đóng tàu của Pháp. Trong suốt thời gian qua, Pháp đã bất chấp mọi lời kêu gọi cũng như sức ép mạnh mẽ từ các đồng minh Mỹ và phương Tây để quyết liệt theo đuổi hợp đồng vũ khí với Nga. Tổng thống Pháp Francois Hollande từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước vì điều này.
 
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 9, ông Hollande bất ngờ tuyên bố tạm ngừng chuyển giao tàu lớp Mistral cho Nga để trừng phạt Moscow về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ảnh hưởng của quyết định trên đối với Nga chưa thấy đâu nhưng nó đã nhanh chóng tác động đến Pháp và đến chính cả Tổng thống Holland. Một cuộc biểu tình đã nổ ra ngay tại quê hương của xưởng đóng tàu đang chịu trách nhiệm đóng 2 con tàu cho Nga. Một người biểu tình đã chỉ trích: "Tổng thống và chính phủ Pháp là con rối bị chỉ đạo bởi Washington và NATO. Tổng thống này đã trở thành tay sai của ông Obama, Cameron và bà Merkel. Pháp là một nước lớn – kiêu hãnh và độc lập, vì thế, Pháp phải tự quyết định về tương lai đất nước".
 
Trước tình thế trên, Pháp cho biết, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có chuyển giao chiếc tàu lớp Mistral cho Nga vào cuối tháng 10.
 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc