Nga phô diễn sức mạnh quân sự ở "điểm nóng" Bắc Cực

11:26, 18/09/2014
|

(VnMedia) - Hải quân Nga đang tiến hành hàng loạt cuộc tập trận hải quân và không quân ở khu vực Bắc Băng Dương, thuộc vùng biển bắc của nước này. Đây là động thái nằm trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực của Nga, nhằm khẳng định chủ quyền lợi ích trong khu vực của nước này.
 
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (17/9) cho biết, đội tàu chiến và tàu hỗ trợ của Hạm đội phương Bắc đã đến quần đảo Novosibirsk cùng với hơn 3.000 tấn hàng hóa khác nhau để tham gia cuộc tập trận.
 
Ngoài ra, hơn 20 xe quân sự và 200 binh sĩ, đại diện cho nhóm chiến lược của Hạm đội phương Bắc cũng đã được đưa đến quần đảo Novosibirsk. Trong khi đó, trực thăng Ka-52 đã chở một nhóm thủy quân lục chiến tới bờ biển phía tây đảo Kotelny.

Ảnh minh họa
Binh lính được triển khai tới Bắc Cực

Nhóm tàu chiến của Hạm đội phương Bắc đã thực hiện hải trình dài khoảng 2000 hải lý kể từ ngày khởi hành 6/9 đến nay với sự hỗ trợ của tàu phá băng hạt nhân khi đi qua các vùng biển băng giá.
 
Theo Phó Chỉ huy Hạm đội phương Bắc – Chuẩn Đô đốc Viktor Sokolov, mục đích của cuộc tập trận này là nhằm giúp cho lực lượng thủy quân lục chiến của hạm đội làm quen với khí hậu khắc nghiệt ở Bắc Cực – một khu vực đang trở thành “điểm nóng” tranh chấp giữa một số quốc gia trong khu vực.
  
Chuẩn Đô đốc Viktor Sokolov cho biết: “Sự hiện diện của chúng ta ở đây là nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích của Nga ở Bắc Cực và để tái khẳng định rằng Bắc Cực thuộc sở hữu lịch sử của Nga”.


Trong một diễn biến liên quan khác, trước đó, ngày 16/9, phát ngôn viên của  Quân khu miền Tây của Nga cũng cho biết, ít nhất 25 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thuộc quân khu này đã bắt đầu tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện bay chiến thuật tại Bắc Cực.
 
Người phát ngôn của Quân khu miền Tây – Đại tá Oleg Kochetkov nói: “Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, các máy bay sẽ cùng tham gia các hoạt động tuần tra trên không, đánh chặn mục tiêu trên không, tấn công mục tiêu dưới mặt đất và không kích và né tránh hỏa lực phòng không”.
 
Cũng theo ông Oleg Kochetkov, tất cả các nhiệm vụ trên đều sẽ được thực hiện cả ban ngày và cả ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau để nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của binh lính.
 
Ông Kochetkov cho biết, theo dự kiến, cuộc diễn tập này sẽ kéo dài đến hết tuần này.
 
Trong cuộc tập trận, các máy bay đánh chặn Mikoyan Mig-31 BM Foxhound sẽ tiến hành các nhiệm vụ tuần tra trên không dọc tuyến Đường biển phương Bắc, trong khi các máy bay Sukhoy Su-24 MR Fencer thì tiến hành các phi vụ trinh sát, phát hiện và định vị mục tiêu.

Băng dần tan, Bắc Cực "nổi sóng"
 
Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có "sổ đỏ". Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Ca-na-đa và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương. Tuyên bố chủ quyền quốc gia của các nước này có thể dựa vào những luận chứng khác nhau và họ sẵn sàng cho cuộc đấu bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ".

Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 do Liên hợp quốc (UNCLOS) thông qua, thì mỗi quốc gia có đường ra trực tiếp với biển được quyền tuyên bố lãnh hải của mình tính từ đường cơ sở có chiều rộng 12 hải lý (tương đương 22,22km). Khu vực tiếp theo là vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý (tương đương 370,4km), trong đó bao gồm vùng nước che phủ thềm lục địa, vùng tiếp nối kéo dài của lục địa có cùng cấu trúc địa chất với lục địa. Ngoài ra, nếu chứng minh được phần tiếp nối kéo dài của lục địa có cùng cấu trúc địa chất với lục địa thì vùng đặc quyền kinh tế còn có thể mở rộng đến 350 hải lý (khoảng 650km).

Bắc Cực gần đây lại càng trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trên, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.

Nga từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực thềm lục địa tại Bắc Cực và có kế hoạch sẽ bảo vệ tuyên bố của mình tại Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị thành lập một ủy ban mới chuyên thực hiện các chính sách của Moscow ở khu vực. 
 
Tổng thống Nga cũng ra lệnh thành lập một mạng lưới căn cứ hải quân thống nhất tại các vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga để tiếp đón các tàu chiến và tàu ngầm hiện đại làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích và đường biên giới của nước này tại khu vực.

Theo kế hoạch, quân đội Nga cũng sẽ tiến hành tái triển khai các căn cứ không quân bị bỏ hoang của nước này tại Bắc Cực.  

Trong khi đó, Canada cũng đã đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Biển kiến nghị về chủ quyền đối với thềm lục địa Bắc Cực kéo dài đến tận điểm cực Bắc. Ngày 26/8, Ngoại trưởng Canada John Baird cho rằng, nước này quan ngại về sự mở rộng quân sự của Nga tại Bắc Cực và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc