(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (10/9) đã nói rằng, phần lớn quân Nga đã rút ra khỏi lãnh thổ Ukraine và rằng động thái này giúp tăng cơ hội cho một lệnh ngừng bắn lâu dài ở miền đông nam.
Tổng thống Poroshenko |
“Dựa vào những thông mới nhất mà tôi nhận được từ các cơ quan tình báo của chúng tôi, 70% binh lính Nga đã quay trở về, rút khỏi khu vực biên giới” của Ukraine, Tổng thống Poroshenko cho biết đồng thời nói thêm rằng, “điều này làm gia tăng hy vọng cho chúng tôi về việc các sáng kiến hoà bình sẽ có triển vọng tốt đẹp”.
Tuy nhiên, ông Poroshenko nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn vẫn rất mong manh, cáo buộc lực lượng ly khai được Nga hẫu thuẫn đang tìm cách khiêu khích quân đội Ukraine.
Moscow phủ nhận việc nước này triển khai quân và vũ khí trong lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Kiev cùng với các đồng minh phương Tây trong suốt thời gian qua luôn cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí đến biên giới và vào trong lãnh thổ Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc “xâm lược” nước láng giềng.
Ngay sau khi Tổng thống Poroshenko thông báo về cái gọi là “một cuộc rút quân” của Nga, Mỹ đã lên tiếng miêu tả đó là “một bước nhỏ tốt đẹp đầu tiên”.
Washington không thể biết điều gì sẽ là diễn biến có ý nghĩa lớn trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết đồng thời nói thêm rằng: “Nếu thông tin là chính xác thì điều này vẫn còn xa mới là đủ nhưng cũng là bước đi tốt đẹp nhỏ đầu tiên".
Bà Harf cũng nói thêm rằng: "Tất nhiên, thậm chí nếu chúng ta cuối cùng có thể xác nhận được thông báo của ông Poroshenko về việc rút quân của Nga thì vẫn còn những binh lính Nga ở lại trên lãnh thổ Ukraine. Rõ ràng, bất kỳ bước đi nào nhằm làm dịu tình hình đều là những bước đi tốt đẹp nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm”.
Trong một phát biểu riêng rẽ khác tại Quỹ Marshall Đức ở thủ đô Washington - bà Victoria Nuland - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Âu và Âu-Á, thận trọng cho biết, “vẫn còn một con đường dài cần phải đi”.
"Tất cả các lực lượng nước ngoài cần phải được rút khỏi Ukraine, tất cả các phương tiện nước ngoài cũng cần phải được rút ra khỏi Ukraine, biên giới phải được bảo đảm", bà Nuland nói thêm.
Phát biểu mở đầu tại một cuộc họp nội các được truyền hình trực tiếp trên khắp cả nước, Tổng thống Poroshenko cũng thông báo kế hoạch thúc đẩy một dự luật cho phép củng cố hơn nữa lệnh ngừng bắn vốn mong manh đang được thực hiện từ thứ Sáu tuẩn trước (5/9) ở đông nam Ukraine.
Ông Poroshenko dường như đang nỗ lực tìm cách tạo một động lực xung quanh tiến trình hoà bình mặc dù kết quả cuối cùng của tiến trình này vẫn còn là chủ đề của những cuộc đàm phán vô cùng gay gắt và nóng bỏng. Ví dụ, dự luật mà Tổng thống Ukraine đang bàn đến là nguyên nhân gây ra nhiều cách hiểu rất khác nhau.
“Toàn vẹn lãnh thổ”
Tổng thống Poroshenko khi lên cầm quyền hồi tháng 5 đã tuyên bố sẽ nghiền nát lực lượng ly khai và sẽ bảo đảm sự đoàn kết cho đất nước Ukraine. Tuy nhiên, sau khi những nỗ lực nhằm dập tắt phong trào nổi dậy ở miền đông Ukraine bằng một chiến dịch quân sự quyết liệt và không nương tay thất bại, Tổng thống Poroshenko bắt đầu có lập trường dịu nhẹ hơn và đã có những thoả hiệp, nhượng bộ nhất định. Ông Poroshenko mới đây đã hứa hẹn sẽ đệ trình một dự luật trong đó trao quyền tự trị lớn hơn cho khu vực miền đông nam Ukraine. Lời hứa hẹn này có thể sẽ vấp phải sự phản ứng của những thành phần chính trị cứng rắn ở Ukraine.
Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, lời cam kết trên của ông không đồng nghĩa với việc các khu vực lãnh thổ nằm trong tay phe nổi dậy sẽ thoát hẳn ra khỏi tầm kiểm soát và ảnh hưởng của Kiev.
"Ukraine sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong các vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ", ông Poroshenko nói.
Tuy nhiên, tình hình có vẻ “căng” khi nhân vật quyền lực số 2 trong giới lãnh đạo lực lượng ly khai ở Donetsk tuyên bố, miền đông Ukraine - khu công nghiệp then chốt của đất nước, sẽ kiên quyết tìm kiếm một sự độc lập đối với chính quyền Kiev. "Chúng tôi sẽ không xem xét coi mình là một phần của Ukraine nữa”, ông Andrei Purgin đã nói như vậy.
Lệnh ngừng bắn đã được ký kết và được thực thi sau 5 tháng diễn ra các cuộc giao tranh, đụng độ ác liệt giữa quân đội trung thành với Kiev và lực lượng ly khai. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.700 người và khiến ít nhất một nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Lệnh ngừng bắn về cơ bản đang được thực hiện một cách khá nghiêm túc, đem lại hy vọng về khả năng tìm kiếm được một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng qua ở đất nước Ukraine.
Tuy nhiên, hy vọng trên thực ra vẫn rất mong manh khi lác đác vẫn xảy ra những vụ nổ súng và hai bên ra sức đổ lỗi cho nhau về tình hình này. Ngoài ra, chính quyền Kiev và lực lượng ly khai vẫn đang khác xa nhau trong những vấn đề then chốt có tính quyết định, đặc biệt là về quyền tự trị và độc lập. Lực lượng ly khai người dân miền đông rõ ràng khó mà có thể tin tưởng Kiev trở lại sau những diễn biến trong thời gian vừa qua.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc