Nga “ghi sổ” thái độ thù địch của Tổng thống Ukraine

15:51, 22/09/2014
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga – ông Sergey Ryabkov hôm qua (21/9) tuyên bố, Moscow đã “ghi sổ” mọi dấu hiệu thù địch, trong đó có những dấu hiệu nhằm thẳng vào Nga, của Tổng thống Petro Poroshenko khi ông này có chuyến thăm đến Washington hồi tuần trước.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (bên trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama


“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi có những thành phần tương đối có ảnh hưởng đang tìm cách đi ngược lại với xu thế ổn định hoá tình hình theo một cách rất quyết liệt”, ông Ryabkov đã nói như vậy.
 
“Nếu chúng ta xem xét các thoả thuận đạt được tại thủ đô Minsk của Nhóm Tiếp xúc (về tình hình Ukraine) và so sánh những thoả thuận đó với những tuyên bố được nghe thấy từ Washington khi Tổng thống Poroshenko đến đó thì một độc giả công bằng, vô tư sẽ không cảm thấy gì ngoài sự bối rối, khó hiểu”, nhà ngoại giao hàng đầu Nga bày tỏ.
 
Theo lời Thứ trưởng Ryabkov, “thật lạ kỳ khi những xu hướng tích cực không thể phủ nhận lại đang bị phớt lờ hoàn toàn bởi rất nhiều các chính khách cấp cao và những nhà lãnh đạo có trách nhiệm. Điều đó được thể hiện qua một loạt tuyên bố được đưa ra ở Washington về cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi Tổng thống Poroshenko đến đó”.
 
Những diễn biến trên khiến chúng tôi ngày càng tin rằng, cái gọi là phe chiến tranh không chỉ mạnh ở thủ đô Kiev, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.
 
“Có những kẻ đang giả nhân giả nghĩa kêu gọi bình thường hoá quan hệ nhưng thực tế lại đang cản trở tiến trình này. Đây là miêu tả của tôi về một số dấu hiệu mà chúng ta nghe thấy được từ Washington khi Tổng thống Ukraine có chuyến thăm đến Mỹ”, ông Ryabkov cho biết thêm.
 
Những phát biểu mang tính "thù địch" của Tổng thống Poroshenko
 
Trước đó, trong chuyến công du đến Mỹ gây chú ý hồi tuần trước, Tổng thống Poroshenko đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu này, ông Poroshenko đã đưa ra nhiều chỉ trích nhằm vào Nga đồng thời kêu gọi Mỹ và NATO giúp Ukraine chống lại Nga.
 
Nhà lãnh đạo mới của Ukraine đã cảm ơn Mỹ về việc đã thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Ukraine nhưng cảnh báo rằng những thử thách lớn hơn đang ở phía trước và rằng cuộc chiến của nước ông nhằm chống lại “cuộc xâm lược” của Nga cũng là chính “cuộc chiến của nước Mỹ”.
 
Ông Poroshenko đã miêu tả “những vụ xâm nhập vào lãnh thổ Ukraine của phía Nga là một trong những bước thụt lùi tồi tệ nhất cho tiến trình dân chủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây”. Tổng thống Poroshenko kêu gọi các nước cung cấp sự trợ giúp thêm nữa và trao quy chế an ninh đặc biệt của NATO cho Ukraine.
 
“Các nền dân chủ phải giúp đỡ lẫn nhau. Họ phải thể hiện sự đoàn kết trong cuộc đối đầu với sự gây hấn, xâm lược và thù địch. Nếu không họ sẽ bị tiêu diệt dần”, ông Poroshenko đã nói như vậy.
 
Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc Nga vẫn giữ “tư tưởng đế quốc” và “hồi tưởng về Liên Xô”, ám chỉ đến việc Crimea tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga cũng như cáo buộc của Kiev về việc Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông.
 
"Tôi kêu gọi các bạn không để Ukraine đứng một mình khi phải đối mặt với sự xâm lược đó”, ông Poroshenko phát biểu, đồng thời nhắc lại những sự kiện ở hai khu vực ly khai của Gruzia - Abkhazia và Nam Ossetia năm 2008 cũng như cuộc xung đột quân sự năm 1992 ở Moldova, dẫn đến việc Transnistria đơn phương tuyên bố độc lập.
 
Tổng thống Poroshenko sau đó đã đưa ra một so sánh bất ngờ với Israel. "Cũng giống như Israel, Ukraine có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình và sẽ làm như vậy với tất cả lòng dũng cảm trong trái tim và sự nhiệt huyết trong tâm hồn”.
 
Những phát biểu trên của ông Poroshenko đã nhận được sự cổ vũ lớn từ giới nghị sĩ Mỹ. Tiếc rằng, khi ông này tha thiết cầu xin Mỹ giúp đỡ bằng cách cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev thì giới lãnh đạo Mỹ đã lạnh lùng quay lưng.
 
"Chăn, kính nhìn trong đêm là những thứ quan trọng nhưng người ta không thể chiến thắng chiến tranh bằng những tấm chăn. Các bạn không thể duy trì hòa bình bằng những tấm chăn. Ukraine đang cần gấp thêm nhiều thiết bị quân sự, cả loại gây sát thương và không gây sát thương", Tổng thống Poroshenko đã nói như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời của Tổng thống Barack Obama là, Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ nước nào không phải là thành viên của NATO. Mỹ cũng phớt lờ lời đề nghị cấp quy chế an ninh đặc biệt của NATO cho Kiev.
 
Mặc dù vậy, để an ủi đồng minh Kiev, Mỹ cũng cung cấp hàng chục triệu USD viện trợ cho Ukraine.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình Ukraine ngày hôm qua, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố rằng, Kiev nhận được “tất cả những gì cần thiết” liên quan đến thiết bị quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây.
 
Đề cập đến kết quả chuyến công du đến Mỹ hồi tuần trước, Nhà lãnh đạo Poroshenko cho hay, Kiev đã được hưởng “vị thế cao nhất” trong hợp tác quốc phòng với Mỹ trong số những nước chưa phải là thành viên của NATO.
 
“Chúng tôi có súng máy, xe tăng, hệ thống phóng tên lửa, tên lửa và tất cả những gì cần thiết để giúp những vũ khí trên phát huy sức mạnh. Chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi cần – thiết bị tình báo, các hệ thống radar, thiết bị do thám và các thiết bị khác giúp cho những vũ khí của chúng tôi hiện đại hơn và có thể hoạt động hiểu quả gấp nhiều chục lần”, Tổng thống Poroshenko tự tin nói.
 
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói thêm rằng, không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác đã cung cấp sự giúp đỡ về thiết bị quân sự cho Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc