(VnMedia) - Moscow đã chuẩn bị sẵn một gói biện pháp trả đũa mới với phương Tây, trong đó bao gồm những hạn chế về nhập khẩu các sản phẩm dệt may và ô tô. Tuy nhiên, Nga vẫn hy vọng không phải dùng đến các “đòn đánh” này, một quan chức cấp cao của điện Kremlin hôm qua (11/9) đã tiết lộ như vậy.
Tổng thống Putin |
“Có một loạt sản phẩm phi nông nghiệp mà các đối tác của chúng ta, trước hết là toàn bộ Châu Âu, phải phụ thuộc vào chúng ta", trợ lý tổng thống Nga – ông Andrei Belousov cho hãng tin RIA Novosti biết bên lề diễn đàn kinh tế Samara.
Ông Belousov đã kể ra một số mặt hàng. "Ví dụ như xe hơi nhập khẩu, chủ yếu là xe ô tô cũ, hay các loại sản phẩm dệt may. Đây là những mặt hàng mà chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất. Không phải tất cả nhưng có một số loại nhất định”, trợ lý tổng thống Nga cho hay.
"Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã chuẩn bị sẵn một danh sách các hàng hoá như vậy nhưng tôi hy vọng lẽ phải sẽ thắng thế và chúng ta sẽ không phải áp dụng các biện pháp trả đũa đó”, ông Belousov nói thêm.
Moscow trước đó đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thịt, hải sản, hoa quả và các chế phẩm từ sữa từ Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Australia và Na-uy. Lệnh cấm kéo dài một năm này được xem là đòn trả đũa đầu tiên của Nga trước việc Mỹ và phương Tây liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đòn trả đũa của Nga đã thực sự gây ảnh hưởng đến các nước EU.
Nga và EU vốn có mối quan hệ kinh tế, thương mại phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Do vậy, việc hai nước tung đòn trừng phạt qua lại với nhau sẽ gây tổn thương lớn cho cả hai bên. Bất chấp thực tế này, EU hôm nay (12/9) lại tiếp tục tung ra gói biện pháp trừng phạt mới với Nga vẫn vì lý do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trừng phạt Nga – sai lầm chiến lược của EU?
Phản ứng trước đòn trừng phạt mới của EU, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua (11/9) đã cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tin tức Rossiya 24 TV rằng, việc EU tiếp tục trừng phạt Nga là một sai lầm chiến lược, là sự tính toàn hoàn toàn sai.
“Những biện pháp trừng phạt của họ sẽ chẳng làm ảnh hưởng mấy đến ngành công nghiệp quốc phòng. Họ đang tìm cách trừng phạt toàn bộ một quốc gia bởi những đòn trừng phạt đó nhằm vào ngành tài chính, ngành sản xuất, và ngành dầu mỏ, khí đốt. Đó là các biện pháp trừng phạt nhằm phá hoại cuộc sống của dân thường Nga”, Phó Thủ tướng Rogozin gay gắt chỉ trích”.
“Họ (những người vạch ra các biện pháp trừng phạt) muốn khuấy động sự bất mãn trong dân chúng Nga đối với các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin và sự sáp nhập của Crimea vào Nga, cũng như gây mối bất hoà với chính những người thân, đồng bào của chúng ta”, ông Rogozin phát biểu.
“Họ nghĩ họ có thể làm đau chúng ta bằng cách này bởi biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành sản xuất quốc phòng là nỗ lực nhằm làm suy yếu chúng ta về mặt sức mạnh và tôi cho rằng đó là một sai lầm chiến lược của phương Tây”, Phó Thủ tướng Nga tuyên bố.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho rằng, với việc tung ra gói lệnh trừng phạt mới, EU “không muốn chứng kiến hay không sẵn sàng chứng kiến” các nỗ lực của Nga trong việc kiến tạo hoà bình ở Ukraine. Bất chấp chính sách “không có tính xây dựng” của Brussels, Nga vẫn cam kết giúp thúc đẩy kế hoạch hoà bình ở nước láng giềng Ukraine.
“Chúng tôi lấy làm tiếc khi Liên minh Châu Âu áp đặt vòng trừng phạt mới. Chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự bất bình cũng như sự phản đối đối với các biện pháp trừng phạt của EU”, phát ngôn viên Peskov khẳng định.
Quyết định của EU là “hoàn toàn không thể hiểu nổi và cũng chẳng thể giải thích nổi”, đặc biệt là khi mà Nga đang có những nỗ lực nhằm giải quyết hoà bình cuộc xung đột giữa Kiev và các khu vực miền đông Ukraine, ông Peskov nói thêm.
Phát ngôn viên Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, EU hoặc không muốn hoặc “không sẵn sàng muốn chứng kiến tình hình thực sự ở Donbass hiện nay. Họ không muốn biết cũng không muốn hiểu về những bước đi mà các bên đang tiến hành để tiến tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.
Moscow lấy làm tiếc khi EU vẫn “thích nói bằng ngôn ngữ trừng phạt” hơn là “đóng góp vào tiến trình giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình”.
“Đồng thời, chúng tôi cũng không thể hiểu nổi hành động của EU khi bằng cách này hay cách khác thì các đòn trừng phạt của họ cũng khiến chính các công ty và người dân đóng thuế của Châu Âu phải trả giá. Đây là điều thực sự đang xảy ra”, ông Peskov nhấn mạnh thêm.
Mặc dù tức giận trước những đòn trừng phạt mới của EU nhưng Moscow vẫn cam kết sẽ nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
“Bất chấp lập trường thiếu tính xây dựng của Brussels (EU), Nga sẽ tiếp tục làm mọi điều có thể trong quyền hạn và năng lực của mình để ủng hộ cho việc thực thi kế haochj hoà bình hiện nay cũng như ổn định tình hình ở miền đông nam Ukraine nói chung”, ông Peskov cam kết.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc