NATO "mượn" Ukraine để cô lập Nga?

21:11, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (4/9), Ukraine đã bày tỏ hy vọng về lệnh ngừng bắn với phe ly khai trong hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi  khối liên minh quân sự này kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đối phó với Nga cũng như các mối đe dọa từ các Quốc gia Hồi giáo.
 
Tổng thổng Ukraine – ông Petro Poroshenko đã nói với các lãnh đạo NATO, trong đó  có Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, ông rất mong chờ thỏa thuận sẽ được ký kết hôm nay (5/9) về kế hoạch hòa bình Ukraine.
 
Lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk và Lugansk thuộc miền đông Ukraine cũng cho biết, họ sẵn sàng ban bố lệnh ngừng bắn nếu kế hoạch hòa bình do Điện Kremlin đề xuất được ký kết, tuy nhiên, phản ứng từ Newport, Wales vẫn vô cùng thận trọng.

Ảnh minh họa
Tổng Thư ký NATO - ông Anders Fogh Rasmussen

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO - Anders Fogh Rasmussen cho rằng "sự can thiệp của Nga" ở Ukraina là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron trong một tuyên bố chung cũng lên tiếng chỉ trích "Moscow  phá hủy các quy tắc, đe dọa và phá hoại quốc gia có chủ quyền", đồng thời đưa ra cam kết hỗ trợ "quyền quyết định tương lai dân chủ" của Kiev.

Bởi vậy, theo ông Anders Fogh Rasmussen cho  biết, cuộc xung đột Ukraine có thể được giải quyết bằng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn và mở rộng hơn nhằm vào Nga.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bên lề Hội nghị, ông Rasmussen nói rằng “Chúng tôi tin cách tốt nhất phía trước là tìm một giải pháp chính trị. Và để tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị như vậy, tôi cho rằng cộng đồng quốc tế phải có biện pháp đáp trả nếu Nga can thiệp sâu hơn vào tình hình Ukraine. Việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu hơn, rộng hơn, cứng rắn hơn chắc chắn sẽ làm tổn thương nền kinh tế cũng như cô lập Nga hơn nữa”.

Cùng với đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lên kế hoạch trừng phạt kinh tế đối với Nga do tình hình căng thẳng tại Ukraine.

Theo đó, Mỹ và EU sẽ nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào hôm 5/9, "trừ khi Nga giảm leo thang tình hình tại Ukraine". 
 
Trước đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes cũng cho biết, Nhà Trắng đã hoàn tất kế hoạch triển khai các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
 
Được biết, lệnh trừng phạt mới có thể nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, các ngân hàng quốc doanh và cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước đây, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU thường nhằm vào các ngân hàng và Rosneft, công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga.

Trong khi đó, Anh cũng  cũng đang chuẩn bị tài liệu trừng phạt với nội dung cấm tất cả các công ty dầu mỏ và quốc phfong của Nga gây quỹ tại thị trường vốn châu Âu.

NATO bàn kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine
 
Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng Thư ký NATO  - ông Anders Fogh Rasmussen cũng cho biết, tại hội nghị NATO đã phác thảo "một loạt biện pháp toàn diện và thích đáng" nhằm giúp đỡ Ukraine. 
 
Dù khẳng định sẽ không can thiệp quân sự nhưng NATO dự kiến sẽ phê duyệt gói hỗ trợ trị giá khoảng 15,8 triệu USD để cải thiện khả năng quân sự của Ukraine trong các lĩnh vực bao gồm dịch vụ hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và phòng vệ không gian mạng.
 
Cũng theo giới chức NATO, khối liên minh quân sự này sẽ không cung cấp vũ khí cho quân chính phủ như phía Ukraina mong chờ, tuy nhiên, cũng nhấn mạnh rằng, các nước đồng minh có thể làm điều đó nếu họ muốn. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo NATO đã công khai mục đích sử dụng diễn đàn lần này để củng cố lập trường và sức mạnh nhằm gia tăng sức ép và cô lập Nga, do tình hình căng thẳng tại Ukraine. NATO tiếp tục cáo buộc Nga can dự trực tiếp vào miền đông Ukraine khiến căng thẳng kéo dài.
 
Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 60 nhà lãnh đạo thế giới và nguyên thủ quốc gia đến từ 28 nước thành viên của NATO. Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Anh kể từ khi cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tiếp đón các nhà lãnh đạo NATO ở thủ đô London năm 1990.
 
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine, nguy cơ bất ổn do sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông và Bắc Phi, kế hoạch rút quân NATO khỏi Afghanistan vào cuối năm nay là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị trong năm nay.
 
Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai, hôm nay (5/9), các nhà lãnh đạo NATO sẽ tiếp tục thảo luận khả năng phản ứng trước nguy cơ an ninh khu vực và thách thức tương lai. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục bàn thảo về ngân sách quốc phòng, công tác huấn luyện và trang bị quân sự cho khối. Ngoài ra, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao cũng sẽ có các cuộc gặp bên lề thảo luận về khả năng gia nhập liên minh của các quốc gia mới.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc