NATO dàn hàng ngàn quân "mai phục" Nga

06:41, 06/09/2014
|

(VnMedia) - Với mục đích được tuyên bố là nhằm chống lại “một cuộc xâm lược” của Nga, lãnh đạo các nước thành viên NATO hôm qua (5/9) đã thông qua kế hoạch dàn hàng ngàn quân ở Đông Âu để có thể nhanh chóng triển khai nếu một nước thành viên liên minh trong khu vực bị tấn công.

 

Ảnh minh họa


Binh lính NATO


Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, lực lượng phản ứng nhanh mới được thành lập nói trên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ đối với những “kẻ xâm lược tiềm năng”, cụ thể cái tên được nhắc đến ở đây là Nga.

 

"Nếu bất kỳ ai thậm chí chỉ cần nghĩ đến việc tấn công một đồng minh của chúng tôi, họ sẽ phải đối mặt với toàn bộ liên minh”, ông Rasmussen tuyên bố đầy cứng rắn khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra 2 ngày ở Wales gần bế mạc.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã trở thành những vấn đề cấp bách nhất, nóng nhất trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này. Trong khi Ukraine không phải là một phần của NATO nhưng liên minh này vẫn ra sức thể hiện sự ủng hộ cho Kiev và cáo buộc Nga đang can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, khiến các quốc gia thành viên của NATO ở Trung và Đông Âu lo ngại.

 

Tổng thư ký NATO Rasmussen tuyên bố lực lượng phản ứng nhanh sẽ giúp NATO “có sự hiện diện liên tục” ở Đông Âu trên cơ sở luân phiên quân từ các nước đóng góp. Hiện chưa có quyết định cuối cùng nào về việc lực lượng phản ứng nhanh mới của NATO sẽ đóng ở đâu nhưng Tổng thư ký Rasmussen tiết lộ, Ba Lan, Rumani và các nước Baltic đều đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc đón nhận lực lượng này đến đóng tại lãnh thổ của họ.

 

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, nước ông sẵn sàng đóng góp tới 3.500 quân cho lực lượng phản ứng nhanh. Ông Cameron cho hay, đại bản doanh của lực lượng này có thể ở Ba Lan với các đơn vị tuyến đầu sẽ được triển khai trên lãnh thổ các quốc gia thành viên NATO ở đầu cực đông. NATO cũng sẽ triển khai trước các vũ khí và thiết bị quân sự ở những nơi này để có thể sẵn sàng bất kỳ lúc nào. “Chúng ta phải có khả năng hành động nhanh chóng hơn”, Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh.

 

Trong một dấu hiệu khác thể hiện cam kết của NATO trong việc bảo vệ các nước thành viên Đông Âu, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tuyên bố, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO vào năm 2016 sẽ được tổ chức ở Warsaw, Ba Lan. Thủ đô của Ba Lan là “nơi mà Hiệp ước Warsaw được tạo ra và được bãi bỏ”, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski phát biểu, ám chỉ đến việc liên minh NATO từng được thành lập với mục đích ban đầu là để chống lại Liên Xô.

 

NATO không bàn chuyện kết nạp Ukraine

 

Theo một quan chức NATO hôm qua tiết lộ, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và Ukraine không thảo luận về khả năng kết nạp thêm thành viên là quốc gia Đông Âu này.

 

“Liên quan đến việc kết nạp thành viên, không, vấn đề đó đã không được đưa ra và không được thảo luận”, vị quan chức giấu tên của NATO cho biết.

 

Trước đó, hồi giữa tuần, chính phủ Kiev đã thông qua một dự luật cho phép Ukraine thay đổi quy chế “không liên minh” của nước này và bắt đầu các nỗ lực nhằm gia nhập liên minh NATO. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố, Kiev muốn nhận được quy chế đặc biệt giữa Ukraine và NATO.

 

Lập trường của Kiev trong việc gia nhập NATO đã dao động trong suốt nhiều năm qua. Dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, Ukraine là một quốc gia không liên kết trong khi người tiền nhiệm của ông này – cựu Tổng thống Viktor Yushchenko lại tìm mọi cách phấn đấu để Ukraine có thể được kết nạp vào NATO. Tuy nhiên vào năm 2008, NATO từ chối đơn xin gia nhập liên minh này của chính quyền Kiev .

 

Các quy định của NATO không cho phép những nước có tranh chấp lãnh thổ trở thành thành viên của liên minh. Hiện tại, Ukraine đang từ chối thừa nhận vụ sáp nhập Crimea vào Nga.

 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ngày 4 và 5/9, Nga từng cảnh báo NATO không được kết nạp nước láng giềng Ukraine vào liên minh quân sự này.

 

Phản ứng trước lời cảnh báo trên, NATO đã thể hiện một lập trường cứng rắn khi tuyên bố không nước thứ ba nào có quyền phủ quyết chính sách mở rộng của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đồng thời thông qua những biện pháp mới của Gruzia nhằm tiến tới việc gia nhập NATO.

 

"Không nước thứ ba nào có quyền phủ quyết chính sách mở rộng của NATO. Cánh cửa của NATO vẫn mở rộng. Mỗi nước sẽ được xem xét dựa trên các giá trị của họ”, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết tại một cuộc họp báo trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh NATO (5/9).

 

Liên minh quân sự gồm 28 thành viên đã nhất trí với gói biện pháp nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Gruzia đồng thời thúc đẩy tiến trình chuẩn bị của nước cựu Xô-viết trong con đường gia nhập NATO, ông Rasmussen cho hay. Nga và Gruzia từng có một cuộc chiến tranh ngắn ngủi năm 2008.

 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Obama cũng có cuộc gặp với những người đồng cấp để tập hợp sự ủng hộ cho sứ mệnh đối đầu với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria bằng sức mạnh quân sự, nỗ lực ngoại giao và các biện pháp trừng phạt về kinh tế.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc