Mỹ sẵn sàng bỏ rơi Ukraine?

18:47, 10/09/2014
|

(VnMedia) - Bài phát biểu mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Estonia được cho là một bước leo thang đáng kể trong cuộc đối đầu với Nga. Tổng thống Obama đã cam kết rằng Mỹ và các nước thành viên NATO khác sẽ chiến đấu để bảo vệ bất kỳ thành viên nào bị xâm lược, trong đó có Estonia . Các quốc gia Đông Âu đang lo ngại về Nga coi cam kết của ông Obama hết sức có ý nghĩa bởi họ tin rằng, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra lời đe doạ đáng sợ nhất để răn đe cái gọi là “sự xâm lược” của Nga – đó là một cuộc chiến quân sự với Mỹ.

 

Ảnh minh họa


Tổng thống Obama trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Estonia


Tuy nhiên, có một thông điệp khác được đưa ra trong bài phát biểu của Tổng thống Obama – một thông điệp được che giấu trong phần phụ của bài phát biểu nhưng lại được nghe thấy rất rõ ràng, đặc biệt là đối với người Ukraine: đó là, Mỹ và NATO sẽ không bảo vệ Ukraine trước cái gọi là một “cuộc xâm lược” từ Nga nếu có. Mỹ không phải là chính xác muốn bỏ rơi Ukraine – họ vẫn muốn giúp – nhưng sẽ không làm bất kỳ điều gì đủ mạnh để ngăn chặn Nga. Tổng thống Obama đã vẽ ra một lằn ranh đỏ cho Nga nhưng Ukraine nằm ngoài lằn ranh này.

 

Nhà Trắng không lạ gì thủ đô Kiev bởi Phó Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4 vừa có chuyến thăm đến đây để thể hiện sự ủng hộ cho họ sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea . Vì thế, Tổng thống Obama đáng ra phải đến Kiev để đưa ra bài phát biểu với những cam kết bảo vệ đồng minh như ở Estonia nhưng ông đã không làm vậy. Đó là điều khiến dư luận chú ý.

 

Sự kiện Tổng thống Obama lựa chọn đến một quốc gia NATO để phát đi thông điệp nhấn mạnh về việc Mỹ sẽ bảo vệ các thành viên NATO khác ở thời điểm mà Mỹ và phương Tây đang ra sức cáo buộc Nga xâm lược một nước Ukraine không phải là thành viên của NATO, đã cho thấy rõ một điều, Mỹ sẽ không bắn trả xe tăng Nga ở Ukraine, hay ở bất kỳ nước nào đó không phải là thành viên của NATO như Moldova hay Gruzia.

 

Điều này không có nghĩa là Mỹ và Châu Âu thờ ơ với cảnh ngộ của Ukraine . Họ đã phối hợp với nhau để liên tiếp tục ra các đòn trừng phạt nặng nề nhằm vào Nga. Phương Tây và Mỹ cũng tìm cách cô lập Nga về chính trị như loại Nga ra khỏi nhóm G-8. Tuy nhiên, những đòn của phương Tây chẳng khiến Nga nao núng. Moscow vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường của họ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Mỹ không thể làm gì khác.

 

Thực ra, Mỹ cũng đã có một số bước đi cứng rắn hơn ở Ukraine nhưng những bước đi đó chẳng đáng kể. Trong bài phát biểu của mình ở Estonia, Tổng thống Obama cũng đã kêu gọi đưa ra “những cam kết cụ thể” để giúp Ukraine hiện đại hoá quân đội nhưng người ta không rõ ý của ông này là gì. Và thậm chí nếu Ukraine có được trang bị vũ khí đến “tận chân răng” thì nước này vẫn sẽ thua trong bất kỳ cuộc chiến mở nào với Nga – cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới. Vì vậy, việc củng cố sức mạnh quân sự cho Ukraine là một sự giúp đỡ mang tính biểu tượng là chính.

 

Mỹ cũng đã phái 200 binh lính đến tham gia vào cuộc tập trận quân sự của NATO ở khu vực. Mới nghe, người ta nghĩ rằng cuộc tập trận này là nhằm răn đe Nga không được tiến thêm trong tình hình Ukraine theo kiểu Tổng thống Putin sẽ không dám tấn công gần lực lượng NATO và gây nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên, hoá ra là cuộc tập trận của NATO lại diễn ra ở đầu bên kia của Ukraine, cách vùng chiến sự đến hơn 1.000km và gần với biên giới Ba Lan.

 

Tổng thống Obama đã đặt ra một lằn ranh đỏ rõ ràng cho quân đội Nga: đó là các quốc gia thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, những nước nằm trong lằn ranh đỏ có thể dựa vào sự ủng hộ về mặt quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, những nước bên ngoài lằn ranh đỏ, trong đó có một số quốc gia Đông Âu như Ukraine, Gruzia hay như các nước Trung Á như Kazakhstan phải tự dựa vào chính mình là chính.

 

Với thông điệp mà ông Obama đưa ra trong chuyến thăm ở Estonia , Ukraine rõ ràng không nên chờ đợi gì nhiều vào Mỹ và phương Tây. Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Kiev nhận được thông điệp có phần “phũ phàng” như vậy mặc dù giới chức phương Tây trong thời gian qua đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho họ thông qua những lời phát biểu đầy mạnh mẽ và cả những đòn trừng phạt nhằm vào Nga.

 

Trước đó, Ukraine đã thể hiện mong muốn được gia nhập vào NATO. Tuy nhiên, câu trả lời mà Kiev nhận được là sự im lặng của liên minh này. Một số thành viên NATO thẳng thắn hơn thì tuyên bố hiện tại liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chưa bàn đến việc kết nạp thêm thành viên Ukraine .

 

Với những diễn biễn như trên, chính quyền Kiev cần phải thừa nhận một sự thực có phần lạnh lùng và phũ phàng rằng, họ sẽ phải tự đứng trên đôi chân của chính mình và vì thế họ cần có những quyết sách đúng đắn, tránh để các nước kích động, lôi kéo.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Kiev và phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Với lý do này, Mỹ và phương tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Moscow bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đồng thời khẳng định chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình biến loạn ở đất nước Ukraine hiện giờ. Nga tin rằng, phương Tây kích động tình hình Ukraine và lợi dụng nó để kiềm chế Nga, để có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực vốn là sân sau của Nga.


Vân Linh - (theo Vox)

Ý kiến bạn đọc