(VnMedia) - Lực lượng của Nga triển khai gần khu vực biên giới phía đông của Ukraine hiện “đáng sợ” hơn bao giờ hết và được vũ trang với nhiều loại vũ khí phòng không và pháo hiện đại. Thông tin trên vừa được Lầu Năm Góc đưa ra hôm qua (4/9).
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc – Thiếu tá Steven Warren cho biết: “Lực lượng mà chúng tôi thấy đang được dàn trận tại khu vực biên giới này có sức mạnh khác thường và đáng sợ hơn bất cứ lực lượng nào chúng tôi từng thấy cho tới thời điểm này”.
Binh lính Nga được triển khai tới biên giới Ukraine
Đạo quân của Nga hiện có mật độ pháo binh, rocket, các hệ thống phòng không cao hơn cùng với lực lượng kỹ sư và binh lính tinh nhuệ có khả năng yếm trợ đắc lực cho các lực lượng tác chiến.
“Đây là một lực lượng vũ trang có uy lực mà chúng tôi đang vô cùng quan ngại”, ông Warren nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, tổng lượng binh lính Nga được triển khai tới biên giới của Ukraine không tăng mà vẫn chỉ khoảng 10.000 quân.
Bình luận của ông được đưa ra giữa lúc đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, tập trung bàn thảo các giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó có các biện pháp yểm trợ cho quân đội Kiev.
NATO nhiều lần cáo buộc Moscow đang điều hàng trăm binh lính tới Ukraine, gọi đây là một mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh tới nay.
NATO coi việc Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua là một động thái vi phạm Đạo luật Cơ bản Nga-NATO 1997.
Theo những điều luật này, không thể có sự hiện diện quân sự thường trực của các nước khác tại lãnh thổ của các nước Đông Âu.
NATO-Ukraine thành lập 4 quỹ tin cậy để hiện đại hóa quân đội Ukraine
Mỹ và NATO luôn khẳng định sự ủng hộ và cam kết bảo vệ Ukraine trước mối đe dọa từ Nga. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ đã viện trợ phi quân sự khoảng 70 triệu USD cho lực lượng an ninh Ukraine. Tuy nhiên, Washington và NATO cũng khẳng định sẽ không đưa quân và vũ khí tới yểm trợ cho Kiev.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, mặc dù khẳng định sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine nhưng NATO dự kiến sẽ phê duyệt gói hỗ trợ trị giá khoảng 15,8 triệu USD để cải thiện khả năng quân sự của Ukraine trong các lĩnh vực bao gồm dịch vụ hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và phòng vệ không gian mạng.
Bên cạnh đó, khối NATO cam kết sẽ tiếp tục giữ vai trò tham vấn giúp Kiev cải cách lĩnh vực quốc phòng. Ông Rasmussen khẳng định NATO tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukriane.
Trước đó, NATO và Ukraine đã thành lập 4 quỹ tin cậy để cải cách tài chính và hiện đại hóa các lực lượng quân sự Ukraine. Theo đó, bốn quỹ tin cậy sẽ được sử dụng nhằm mục đích cải cách, hiện đại hóa kho vận, kiểm soát chiến đấu, phòng thủ an ninh mạng, hiện đại hóa quân y và phục hồi chức năng cho những quân nhân bị thương.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo NATO đã công khai mục đích sử dụng diễn đàn lần này để củng cố lập trường và sức mạnh nhằm gia tăng sức ép và cô lập Nga, do tình hình căng thẳng tại Ukraine.
Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 60 nhà lãnh đạo thế giới và nguyên thủ quốc gia đến từ 28 nước thành viên của NATO. Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Anh kể từ khi cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tiếp đón các nhà lãnh đạo NATO ở thủ đô London năm 1990.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine, nguy cơ bất ổn do sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông và Bắc Phi, kế hoạch rút quân NATO khỏi Afghanistan vào cuối năm nay là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị trong năm nay.
Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai, hôm nay (5/9), các nhà lãnh đạo NATO sẽ tiếp tục thảo luận khả năng phản ứng trước nguy cơ an ninh khu vực và thách thức tương lai. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục bàn thảo về ngân sách quốc phòng, công tác huấn luyện và trang bị quân sự cho khối. Ngoài ra, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao cũng sẽ có các cuộc gặp bên lề thảo luận về khả năng gia nhập liên minh của các quốc gia mới.
Ý kiến bạn đọc