Mỹ lớn tiếng chỉ trích Nga "xâm lược châu Âu"

06:20, 26/09/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/) đã lớn tiếng chỉ trích cái gọi là “hành động xâm lược” của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Obama lại hạ giọng vuốt ve Nga bằng đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu Moscow ủng hộ kế hoạch hoà bình của Kiev.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Mỹ Barack Obama


Hành động “chìa tay” ra với Nga của Tổng thống Obama được đưa ra đúng một ngày sau khi lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine thẳng thừng bác bỏ những đề xuất mang tính nhượng bộ rất lớn của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Theo đó, ông Poroshenko đã đề nghị trao quy chế tự trị đặc biệt cho hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk. Sau khi phũ phàng từ chối đề nghị của Tổng thống Ukraine, lực lượng ly khai thông báo kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử của riêng họ vào ngày 2/11 tới.
 
Kế hoạch của ông Poroshenko vốn được coi là trọng tâm trong nỗ lực của Nhà lãnh đạo thân phương Tây ở Kiev nhằm dập tắt phong trào nổi dậy ở miền đông Ukraine sau khi phong trào này đã gây tổn thất nặng nề về sinh mạng con người, làm suy yếu trầm trọng nền kinh tế Ukraine cũng như gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Phát biểu trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở New York hiện nay, Tổng thống Obama ban đầu đã thể hiện sự cứng rắn bằng việc tuyên bố Nga đang ở bên phía sai lầm của lịch sử trong cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, một thoả thuận ngừng bắn đạt được hồi đầu tháng này đã mở ra một con đường hướng tới hoà bình.
 
"Hành động gây hấn, xâm lược của Nga ở Châu Âu đã nhắc chúng ta nhớ lại những ngày khi các nước lớn chà đạp lên các nước trong để theo đuổi tham vọng lãnh thổ. Chúng tôi sẽ bắt Nga phải trả giá vì hành động đó”, Tổng thống Obama đã lớn tiếng cảnh báo như vậy trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – nơi có sự tham dự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
 
Sau phát biểu hết sức mạnh bạo trên, ông Obama bắt đầu dịu giọng khi nói rằng, “nếu Moscow thay đổi tiến trình, chúng tôi sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và hoan nghênh vai trò của Nga trong việc giải quyết các thách thức chung”.
 
Phản ứng của Nga
 
Nhận xét về những tuyên bố trên của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, ông chủ Nhà Trắng đã thất bại trong việc phát đi thông điệp “phấn đấu vì hòa bình” trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khi tiếp tục cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đặt Nga vào vị trí thứ hai trong danh sách những mối đe dọa toàn cầu.
 
"Bài phát biểu của một người theo cách nói được cho là gìn giữ hòa bình theo quan điểm của tôi là dường như không thuyết phục nếu chúng ta so sánh với các dữ liệu thực tế hiện nay”, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nhận xét như vậy khi có cuộc gặp với giới báo chí bên lề phiên họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
 
"Chúng tôi đã bị xếp vào vị trí thứ hai trong danh sách các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Ví trí đầu tiên là sự lan tràn của virus Ebola. Vị trí thứ hai như Tổng thống Obama nói thì đó là ‘sự xâm lược của Nga ở Châu Âu’ và vị trí thứ ba là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác đang hoành hành ở Trung Đông, đặc biệt là ở những nước mà Mỹ thường can thiệp bất hợp pháp vào bất chấp luật pháp quốc tế”, ông Lavrov nói thêm.
 
"Ngược lại, chúng tôi luôn quan tâm đến việc dập tắt những ngọn lửa xung đột trên khắp thế giới thông qua một cuộc đối thoại công bằng dựa trên sự bình đẳng về quyền và sự tôn trọng lẫn nhau thay vì thông qua những lời cáo buộc đơn phương và đổ trách nhiệm lên một người nào khác”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
 
Theo lời ông Lavrov, bài phát biểu của Tổng thống Obama đã phơi bày “quan điểm của một nước có học thuyết an ninh quốc gia mà trong đó coi trọng việc sử dụng vũ lực một cách tự do”, bất chấp luật pháp quốc tế và các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
 
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, ông sẽ thảo luận các vấn đề trên với người đồng cấp Mỹ John Kerry trong cuộc gặp sau đó cùng ngày.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Kiev cùng với Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Với lý do này, Mỹ và phương Tây tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Các nước này đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an.

Moscow bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đồng thời khẳng định chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình biến loạn ở đất nước Ukraine hiện giờ. Nga tin rằng, phương Tây kích động tình hình Ukraine và lợi dụng nó để kiềm chế Nga, để có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực vốn là sân sau của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc