Mỹ-Hàn dồn tổng lực quân sự, đối phó với Triều Tiên

15:07, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (4/9), Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ thiết lập một đơn vị quân sự chung với Mỹ, có khả năng phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nếu nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn.
 
Đơn vị quân sự do một tướng Mỹ chỉ huy này sẽ được thành lập trong 6 tháng đầu năm tới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết,
 
Đơn vị quân đội do một thiếu tướng Mỹ đứng đầu này sẽ được thiết lập trong nửa đầu năm tới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đồng thời thêm rằng, đây là một phần trong công tác chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đề phòng bất kỳ một cuộc chiến nào nổ ra giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai.

Ảnh minh họa

"Đây sẽ là đơn vị tác chiến phối hợp đầu tiên nhằm tiến hành các chiến dịch thời chiến (giữa Mỹ và Hàn Quốc)", người phát ngôn của Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
 
Tuy nhiên, ông này không tiết lộ thông tin chi tiết về nhiệm vụ của đơn vị quân sự chung trên.
 
Ông cũng từ chối xác nhận thông tin mà hãng tin Yonhap đưa ra trước đó là nếu chiến tranh nổ ra, đơn vị sẽ có nhiệm vụ phá hủy các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.
 
Bộ Quốc phòng cho biết, đơn vị này sẽ có một văn phòng chung của Mỹ và Hàn Quốc tại Uijeongbu, phía bắc thủ đô Seoul, nơi Đơn vị bộ binh số 2 của Mỹ đang bảo vệ một khu vực có tầm quan trọng chiến lược để phòng vệ trước bất kỳ một cuộc tấn công nào của Triều Tiên.
 
Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tổng lực, đơn vị này sẽ tiếp nhận một lữ đoàn của Hàn Quốc và các lực lượng được trang bị trực thăng và các vũ khí tiên tiến khác của Mỹ.
 
“Đây sẽ là một biểu tượng của khối liên minh quân sự hùng mạnh giữa hai quốc gia đồng minh này”, một quan chức quân sự Hàn Quốc nhận định.
  
Vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một thỏa thuận hòa bình nên về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.
 
Hiện  có gần 30.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc trong khuôn khổ một hiệp ước quân sự song phương. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ chỉ huy cả 640.000 binh lính Hàn Quốc.
 
Việc chuyển giao quyền chỉ huy hoạt động thời chiến từ phía Mỹ sang phía Hàn Quốc được dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2015. Theo đó, Seoul sẽ được phép chỉ huy các binh sĩ của mình. Tuy nhiên, Hàn Quốc muốn trì hoãn sự chuyển giao này, viện dẫn mối đe dọa gia tăng do sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
 
Trước đó, hồi tháng 6, phía Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa dẫn đường chiến thuật có độ chính xác cao, và vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng lại tiếp tục tiến hành hành loạt vụ thử tên lửa và rocket khác. Động thái này, khiến mối lo ngại của Hàn Quốc càng gia tăng.
 
Về phía mình, Hàn Quốc và Mỹ cũng tổ chức một cuộc tập trận quân sự thường niên chung hồi tháng 8, bất chấp những lời đe dọa đanh thép từ phía Triều Tiên rằng, hai nước đồng minh sẽ phải hứng chịu một cuộc tấn công đáp trả “không thương tiếc”.
 
Đây là lần đầu tiên tình huống một cuộc tấn công hạt nhân giả định được đưa vào kịch bản của cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ-Hàn Quốc.

Cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc, cùng với những động thái thử tên lửa của Triều Tiên khiến mối quan hệ giữa hai miền lại một lần nữa rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt".

Mỹ sẽ yểm trợ Hàn Quốc bằng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD
 
Trong một diễn biến liên quan khác, hồi đầu tuần qua, tờ Korea Times của Hàn Quốc đưa tin, Mỹ đã đặt Hàn Quốc ở vị trí đầu danh sách các nước mà Mỹ có thể sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD).
 
Hệ thống lá chắn tên lửa này vốn được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và Trung Quốc.
 
'Tờ báo cho biết Mỹ đã hoàn thành khảo sát địa điểm và xem xét mức độ ảnh hưởng của kế hoạch này hồi đầu năm nay. Quyết định cuối cùng sẽ sớm được đưa ra', một nguồn tin cho biết.
 
Một số nguồn tin cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này tại hội nghị an ninh thường niên ở Washington vào tháng 10 tới.
 
Các chuyên gia quan sát cho biết, chuyến thăm gần đây tới Hàn Quốc của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work chính là để thảo luận về kế hoạch này. 
  
Trung Quốc và Nga nhiều lần bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối kế hoạch của Mỹ do lo ngại nó có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình khu vực và kích động một cuộc chạy đua vũ trang.
 
Trước đó, hồi giữa tháng 8, trong chuyến công du Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Park Geun-hye nên tránh tham gia vào kế hoạch này và nên có “bước đi cẩn trọng”.
 
Hàn Quốc cho rằng việc triển khai THAAD trên lãnh thổ nước này sẽ giúp tăng cường an ninh của họ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
 
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng nói rằng, nước này sẽ chỉ đồng ý cho Mỹ lắp đặt THAAD trên lãnh thổ, với điều kiện là phía Mỹ chịu hoàn toàn chi phí - bởi giá thành quá cao của THAAD.
 
Hiện chưa rõ Mỹ muốn lắp bao nhiêu trạm THAAD tại Hàn Quốc.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc