Mỹ, EU sẵn sàng “ra đòn chí tử” với Nga

16:36, 11/09/2014
|

(VnMedia) - Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có kế hoạch ngăn chặn hàng tỉ USD nguồn đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu mỏ ở Nga của các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như Exxon Mobil Corp và BP Plc, nguồn tin từ chính phủ Mỹ tiết lộ.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh hoạ


Theo kế hoạch trừng phạt dự kiến mà Mỹ và EU định tung ra vì cáo buộc cho rằng Nga xâm lược Ukraine, các công ty của Mỹ và Châu Âu sẽ bị cấm hợp tác với Nga trong hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu mỏ ở trên lãnh thổ Bắc Cực hay những vùng biển sâu, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
 
Những đòn trừng phạt mới sẽ mở rộng hơn ra nữa các biện pháp trừng phạt mà Mỹ tuyên bố hồi tháng 7 và cấm Mỹ, EU hợp tác trong tất cả các dịch vụ và công nghệ năng lượng ở những giếng dầu đặc biệt. Các biện pháp trừng phạt trước đây chỉ cấm một số công nghệ ở những giếng dầu này.
 
Nga, cùng với Mỹ và Ả-rập Xê-út, là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và cũng là nhà cung cấp năng lượng chính của Châu Âu. Tuy nhiên, các giềng dầu thông thường của Nga đang sụt giảm và vì thế, nước này phải di chuyển đến các nguồn khác ở Siberia và Bắc Cực để tiếp tục khai thác dầu mỏ.
 
Hồi năm 2011, Exxon đã ký kết một thoả thuận trị giá 3,2 tỉ USD với công ty Rosneft Oil Co của Nga để thăm dò, khai thác dầu mỏ ở Bắc Cực. Tập đoàn đa quốc gia Exxon có trụ sở ở Texas được xem là một trong số ít những công ty có khả năng khoan khai thác ở những vùng nước sâu, khó khăn.
 
Một khi EU thực hiện lệnh trừng phạt mới về việc cấm chia sẻ dịch vụ và công nghệ năng lượng, Mỹ sẽ nhanh chóng theo sau bằng các biện pháp tương tự, trong đó có việc cấm xuất khẩu thiết bị và chuyên gia cho hoạt động thăm dò, khai thác chuyên biệt mà Nga chưa được trang bị trong ngành thăm dò dầu mỏ.
 
Những biện pháp trừng phạt mới, nếu được áp dụng, sẽ gây hại cho viễn cảnh tương lai của nước Nga bởi đó là những mỏ dầu trọng tâm mà Nga muốn khai thác trong vòng 5 đến 10 năm tới. Tuy nhiên, việc áp dụng gói lệnh biện pháp trừng phạt mới sẽ không tránh khỏi đòn trả đũa từ Nga và đòn trả đũa đó chắc chắn sẽ không nhẹ hơn đòn trừng phạt mà Mỹ và EU tung ra.
 
Bất chấp việc đòn trừng phạt có thể gây phản tác dụng, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua vẫn lên tiếng thúc giục Liên minh Châu Âu nên thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên Nga đồng thời nói thêm rằng những biện pháp này luôn có thể tạm thời được dừng lại nếu có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch hoà bình ở Ukraine.
 
Hiện tại, giới chức EU vẫn đang trì hoãn quyết định thực thi các biện pháp trừng phạt nói trên. EU được cho là sẽ tiến hành một cuộc họp trong ngày hôm nay (11/9) để đưa ra quyết định chính thức về vấn đề trên.
 
Trước đó, hồi đầu tuần, Thủ tướng Dmitry Medvedev vừa tung ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành năng lượng và tài chính của Nga có thể gây ra đòn đáp trả bất tương xứng từ Moscow, ví dụ như đóng cửa không phận.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Vedomosti hôm 8/9, Thủ tướng Medvedev đã nói: “Chính họ (phương Tây) là những người phải tự hỏi chính mình rằng liệu có nên đưa ra các biện pháp trừng phạt mới hay không. Tuy nhiên, nếu có những biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng hay áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm vào ngành tài chính, chúng tôi sẽ đáp trả một cách không tương xứng, ví dụ như những giới hạn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chúng tôi hành động trên cơ sở mối quan hệ thân thiện với các đối tác và đó là lý do tại sao bầu trời của Nga được mở cho các chuyến bay. Nhưng nếu chúng tôi bị hạn chế, chúng tôi sẽ phải đáp trả”.
 
Đòn trả đũa của Nga sẽ khiến nhiều hãng hàng không Châu Âu lao đao
 
Câu hỏi được đặt ra lúc này là nếu Nga đóng của không phận với Mỹ và EU thì mọi chuyện ra sao.
 
Cũng giống như đòn trả đũa khác của Nga được đưa ra trước đây, đòn trả đũa lần này sẽ chủ yếu gây ảnh hưởng đến các hãng hàng không của Châu Âu đang cung cấp dịch vụ chuyến bay trực tiếp đến Châu Á. Sự cần thiết phải “đi qua lãnh thổ của chúng tôi... có thể khiến nhiều hãng hàng không đang gặp khó khăn phải rơi vào tình trạng phá sản”, ông Medvedev cảnh báo.
 
Cảnh báo của Thủ tướng Nga không phải không có cơ sở. Việc cấm các chuyến bay của các hãng hàng không phương Tây bay qua không phận Nga có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho họ trong bối cảnh Nga là nước lớn nhất thế giới với khu vực đất đai rộng lớn nằm giữa Đông Á và Châu Âu.
 
Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, việc Mỹ và EU tiếp tục tìm cách áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong bối cảnh tiến trình thực hiện lệnh ngừng bắn và kế hoạch hoà bình ở Ukraine diễn ra khá tích cực sẽ gây tác động tiêu cực đến tình hình. Chưa kể, bản thân nhiều nước trong nội bộ Liên minh Châu Âu không hề muốn theo đuổi chính sách trừng phạt, khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga với EU.
 
Tổng thống Thuỵ Sỹ Didier Burkhalter cũng là Chủ tịch hiện tại của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hôm qua cũng lên tiếng cho rằng, EU nên hoãn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nói rằng lệnh ngừng bắn là “một cơ hội thực sự”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc