Mỹ cay đắng với đánh giá sai lầm về IS

11:45, 30/09/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Barack Obama mới đây thừa nhận, giới tình báo Mỹ đã đánh giá thấp sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. 
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn diễn ra hôm Chủ nhật (28/9), Tổng thống Obama thừa nhận rằng, tình báo Mỹ đã đánh giá thấp về Nhà nước Hồi giáo tự xưng và đây là lý do giải thích tại sao Washington dường như rơi vào trạng thái sững sờ, choáng váng khi lực lượng chiến binh của nhóm IS thực hiện những cuộc tấn công đáng sợ trên khắp miền bắc Iraq hồi tháng 6 và tuyên bố tiến thẳng về thủ đô Baghdad.
 
Nhóm IS đã hoạt động bí mật khi các lực lượng Mỹ đang tập trung vào mục tiêu “xoá sổ” tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda ở Iraq với sự trợ giúp của các bộ tộc địa phương trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập kỷ của Mỹ ở chiến trường này, ông Obama cho biết trong chương trình “60 phút” của đài truyền hình CBS.
 
"Tuy nhiên, trong những năm qua, khi Syria rơi vào một cuộc nội chiến với nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn không được kiểm soát, nhóm IS đã tận dụng cơ hội này để củng cố lực lượng và nổi lên”, Tổng thống Mỹ cho hay.
 
Sau đó, trong một phát biểu được đưa ra ngày hôm qua (29/9), thư ký báo chí của Nhà Trắng – ông Josh Earnest đã nói, Tổng thống Obama không chối bỏ trách nhiệm về việc lực lượng tình báo Mỹ đánh giá thấp mối đe doạ từ IS.
 
"Tổng thống Mỹ là Tổng tư lệnh quân đội. Và ông ấy vẫn thường xuyên nói về việc mình phải chịu trách nhiệm như thế nào về những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở trên khắp toàn cầu”, ông Earnest cho hay.
 
Thư ký báo chí Earnest giải thích rằng, Tổng thống Mỹ vẫn dựa vào lời khuyên và sự tư vấn từ giới lãnh đạo tình báo, ngoại giao, quân sự đồng thời vẫn đặt sự tin tưởng hoàn toàn vào các thông tin tình báo mà ông ấy nhận được từ các nhóm an ninh Mỹ cũng như giới chức cấp cao của các nhóm này.
 
Kể từ năm 2012, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trước đó được biết đến với các tên nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL), đã chiến đấu chống lại chính phủ Syria. Tháng 6 năm 2014, IS bắt đầu phát động một cuộc tấn công kinh hoàng trên khắp miền bắc và miền tây Iraq đồng thời tuyên bố thành lập một nhà nước trên những vùng lãnh thổ mà chúng chiếm được ở giữa Iraq và Syria.
 
IS tiếp tục tuyên bố sẽ tiến thẳng đến thủ đô Baghdad. Trong tình thế cấp bách, Mỹ quyết định phát động trở lại chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Iraq. Đáp lại, IS đã đưa ra thông điệp ớn lạnh và ghê rợn cho nước Mỹ cùng các đồng minh phương Tây bằng 4 vụ chặt đầu công khai, tàn bạo. Nhận thấy mối đe doạ đáng sợ chưa từng có từ IS, Mỹ cùng các cường quốc phương Tây hối hả lập liên minh để quyết xoá sổ cho bằng được nhóm khủng bố đang reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới này.
 
Mỹ đang huy động được hàng chục nước tham gia vào cuộc chiến chống lại IS. Thổ Nhĩ Kỳ sau một thời gian chần chừ, do dự cũng đã bắt đầu triển khai xe tăng đến các cứ điểm trên biên giới Syria, đối diện với thành phố biên giới Syria đang bị bao vây. Thành phố này là nơi nhóm IS đang ra sức bắn phá và những vụ tên rơi, đạn lạc đã xảy ra trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Đêm hôm qua, các đợt không kích do Mỹ dẫn đầu đã đánh trúng vào một nhà máy khí đốt của nhóm IS ở phía đông Syria. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm phá vỡ một trong những nguồn thu nhập chính của lực lượng chiến binh khủng bố IS.
 
Tuy nhiên, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, máy bay của Mỹ và liên quan cũng đã tấn công nhầm vào một kho lương thực ở phía bắc Syria, gây thương vong cho nhiều dân thường. Thông tin này chưa được kiểm chứng.
 
Chiến dịch không kích của liên minh hùng hậu do Mỹ dẫn đầu cho đến thời điểm hiện tại vẫn thất bại trong việc chặn đứng bước tiến quân của lực lượng chiến binh IS ở thành phố Kobani, phía bắc Syria. Thành phố này là của người Kurd và nó nằm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Một quan chức địa phương ở Kobani cho biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục bao vây thành phố từ 3 hướng đông, tây và nam. Lực lượng chiến binh này đang cách ngoài rìa thành phố khoảng 10km. "Từ sáng, đã có những tiếng đạn pháo bắn vào thành phố Kobani và có khoảng 20 quả rocket", ông Idris Nassan – một quan chức địa phương, cho biết qua điện thoại.
 
Liệu Mỹ có đưa bộ binh vào Iraq và Syria?
 
Ngay từ khi Mỹ bắt đầu phát động chiến dịch không kích vào các mục tiêu IS ở Iraq và Syria, giới chuyên gia và các nhà phân tích đã nhận định rằng, Mỹ cần phải đưa quân vào hai chiến trường trên mới mong có thể diệt tận gốc IS.
 
Tuy nhiên, đến nay, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn thẳng thắn bác bỏ mọi khả năng đưa quân vào Iraq hay Syria.
 
Mới đây, tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ - Tướng Martin Dempsey đã tuyên bố rằng, lực lượng bộ binh là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại nhóm IS ở Iraq và Syria.
 
“Nếu các bạn hỏi tôi về việc liệu tôi có luôn đưa ra lời khuyên quân sự tốt nhất ở mọi thời điểm hay không, câu trả lời là chắc chắn. Nếu các bạn cho rằng tôi ở một thời điểm nào đó có thể khuyến nghị về việc chúng ta cần một lực lượng bộ binh lớn để chống lại IS, câu trả lời cũng là chắc chắn đúng như vậy”, ông Dempsey khẳng định.
 
Tuy nhiên, vị tướng Mỹ nhấn mạnh, lực lượng bộ binh không nhất thiết phải đến từ Mỹ. Ông Dempsey cho rằng, lực lượng bộ binh Iraq và người Kurd cùng với lực lượng nổi dậy “ôn hoà” ở Syria có thể thực hiện được nhiệm vụ chống IS, nhấn mạnh đến việc tập hợp, củng cố lực lượng trên phần lớn là thuộc trách nhiệm của các chính phủ địa phương.
 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ cũng nhấn mạnh đến công tác đào tạo và trang bị vũ khí cho “phe nổi dậy ôn hoà” ở Syria.
 
“Chúng tôi ước tính rằng, cần khoảng từ 12.000 đến 15.000 quân để chiếm lại những lãnh thổ đã mất ở phía đông Syria” từ tay IS, ông Dempsey nói đồng thời cho biết thêm rằng công tác đào tạo sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc