Lá chắn tên lửa NATO không phải là "đối thủ" của Nga

11:09, 04/09/2014
|

(VnMedia) - Đề xuất các lãnh đạo các quốc gia Baltic và Ba Lan trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO về việc kêu gọi khối này nhắm mục tiêu của các hệ thống tên lửa đạn đạo của khối này vào Nga là không thực tế vì hệ thống này không có khả năng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga. Thông tin trên vừa được đại diện của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) đưa ra hôm nay (4/9).
 
Thiếu Tướng Kenneth Todorov – Phó Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ  hôm nay(4/9) đã nói với hãng tin RIA Novosti rằng: “Về mặt kỹ thuật, nó thực sự không có khả năng đối phó với mối đe dọa từ Nga. Nó không được thiết kế với mục tiêu đó, nó cũng không  có khả năng đó". 

 Ảnh minh họa

 Mỹ và NATO luôn khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở châu Âu chỉ nhằm vào các quốc gia "khó bảo" ở Trung Đông như Iran

“Hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi hoàn toàn không có khả năng đối phó với lực lượng phòng thủ chiến lược của Nga”, Giám đốc truyền thông của MDA – ông Rick Lehner khẳng định.
 
Khi được hỏi thẳng về việc liệu đề xuất nhắm mục tiêu tên lửa của NATO vào Nga của Ba Lan và các nước Baltic có khả thi về mặt kỹ thuật hay không, ông Lehner đã khẳng định là không.
 
“Hệ thống của chúng tôi thực tế là nhằm vào Trung Đông, bởi vậy đó mới thực sự là chức năng của nó. Chúng tôi đang nói về 48 tên lửa đánh chặn giữa Ba Lan và Romani…Nga đang sở hữu tới hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, bởi vậy chúng không phải là mối đe dọa đối với họ”, ông Lehner nhấn mạnh.
 
Trước đó, ngày 26/8 , tờ báo Der Spiegel của Đức đưa tin, lãnh đạo các quốc gia Baltic như Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia trước thềm hội nghị thượng đinh NATO ở Wales đã đề xuất kêu gọi NATO hãy lấy Nga làm mục tiêu của hệ thống lá chắn tên lửa của khối này tại châu Âu.
 
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều phản pháo không tốt vì điều đó sẽ đi ngược với những cam kết mà Mỹ đang cố gắng thuyết phục Nga rằng, hệ thống lá chắn tên lửa của họ hoàn toàn không nhằm vào Nga mà hướng tới các mục tiêu là các quốc gia “khó bảo” ở Trung Đông.
 
“Tôi không nghĩ rằng hệ thống này được thiết kế để đối phó với Nga, mặc dù hệ thống này rất có uy lực”, Phó Giám đốc MDA nhận định, đồng thời khẳng định rằng, năng lực phòng thủ của Nga thừa khả năng “chôn vùi” hệ thống lá chắn tên lửa này.
 
“Chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng hệ thống tên lửa sẽ được triển khai tại Romania và Ba Lan này được thiết kể để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cũng như cam kết về chính sách mà Tổng thống cũng như Quốc hội của chúng tôi đặt ra”, ông nói thêm.
 
Các quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ tham dự một hội nghị thượng định tại Wales trong tuần này để thảo luận về các biện pháp đối phó của khối này với Nga, quốc gia mà NATO cáo buộc đang can thiệp quá sâu vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
NATO hiện đang tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu, sau khi cuộc khủng hoảng chính trị biến thành xung đột phe phái ở Ukraine bùng nổ hồi đầu năm nay. Cụ thể, NATO đã điều thêm các tàu chiến của mình tới vùng Biển Đen và đẩy mảnh các hoạt động tuần tra không phận ở các quốc gia Baltic.
 
Trong khi đó, về phía mình, NATO cũng lên án các hành động của NATO, cáo buộc họ đang khiến cho khủng hoảng và bất ổn khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Obama khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Baltic
 
Mặc dù vậy, NATO vẫn luôn khẳng định cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh của khối, đặc biệt là các quốc gia Baltic.
 
Hôm qua (3/9), trong chuyến công du tới Estonia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an các quốc gia đồng minh Baltic đang lo ngại họ có thể là “mục tiêu kế tiếp của Nga”.
 
Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Estonia – ông Toomas Hendrik, Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định, Mỹ sẽ bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong NATO, đồng thời cho biết Washington sẽ gửi thêm các đơn vị không quân và máy bay chiến đấu đến vùng Baltic. Theo ông, căn cứ không quân Amari ở Estonia là địa điểm lý tưởng để triển khai lực lượng bổ sung này.
 
Sau chuyến công du tới Estonia, Tổng thống Mỹ sẽ đến Wales để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi các nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận việc thông qua kế hoạch cho đồn trú ít nhất 4.000 binh lính và thiết bị quân sự ở Đông Âu để đối phó với điều mà họ gọi là “sự xâm lược Ukraine của Nga”.
 
Ngoài ra, Mỹ còn đang đưa xe tăng và 600 binh sĩ đến các nước Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung khác vào tháng 10.
 
Việc 4 tàu chiến của NATO - gồm tàu khu trục USS Ross (Mỹ), tàu Commandant Birot (Pháp), tàu khu trục HMCS Toronto (Canada) và tàu khu trục Almirante Juan de Borbon (Tây Ban Nha) - sẽ tiến vào Biển Đen trước ngày 7/9 cũng là một trong những động thái nhằm khẳng định cam kết này. 
 
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Rapid Trident ở miền Tây Ukraine từ ngày 16 đến 26/9 với sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ. Đây được xem là cam kết ủng hộ mà NATO dành cho Ukraine, một nước không phải là thành viên.


Về phía mình, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cũng thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận tên lửa chiến lược quy mô lớn tại khu vực Altai với hơn 4.000 binh sĩ và 400 thiết bị quân sự ngay trong tháng này. Đây được coi là một động thái phản pháo trước hàng loạt kế hoạch tăng cường quân sự của NATO trong khu vực.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc