(VnMedia) - Lực lượng ly khai ở thành trì lớn nhất Donetsk tuyên bố họ sắp sửa chiếm lại được khu vực sân bay quan trọng từ tay quân đội trung thành với Kiev sau khi chính quyền đã nắm giữ nơi này suốt hai tháng qua. Nếu để mất sân bay Donetsk thì đây sẽ thực sự là một thất bại ê chề, bẽ mặt cho quân đội Kiev.
Ảnh minh hoạ |
"95% sân bay Donetsk đã nằm trong sự kiểm soát của chúng tôi. Trên thực tế, chúng tôi đang chiếm giữ nó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn cần phải quét sạch một số binh lính còn lại ở chiến trường này”, ông Aleksandar Timofeyev – lãnh đạo của một trong những đơn vị chính của lực lượng ly khai ở Donetsk, cho biết. "Quân đội Ukraine đang rút lui. Họ đang lũ lượt tháo chạy. Những binh lính hiểu lý lẽ đã từ bỏ vũ khí và ra đi. Những người khác vẫn tìm cách cầm cự”.
Một nguồn tin từ lực lượng ly khai cho biết, lực lượng này đang tìm cách thực hiện một cuộc đột kích vào khu vực sân bay. “Cuộc đột kích này sẽ nhanh chóng kết thúc”.
Mất quyền kiểm soát sân bay ở Donetsk sẽ được xem là một cú đảo chiều gây bẽ mặt cho quân đội Kiev trên chiến trường sau khi họ đã chiếm giữ được nơi này trong chiến dịch tấn công mạnh mẽ hồi tháng 6.
Trước đó, quân đội Kiev cũng đã phải tháo chạy, bỏ lại sân bay ở một thành trì chính khác của lực lượng ly khai là Luhansk.
Lực lượng ly khai đang đạt được những bước tiến vững chắc trên chiến trường sau nhiều tuần ngấp nghé trên bờ vực của sự sụp đổ khi quân Kiev thắt chặt vòng vây xung quanh hai thành trì quan trọng và lớn nhất của họ - Donetsk và Luhansk.
Phát ngôn viên của quân đội Ukraine – ông Andriy Lysenko cho hay, quân chính phủ đã phá huỷ đường băng ở sân bay Luhansk trước khi rút khỏi đây hôm thứ Hai đầu tuần (1/9). Ông Lysenko cũng cho biết, chính phủ đang tăng cường bảo vệ cho Mariupol – một thành phố cảng có khoảng nửa triệu dân và cũng là thành phố lớn tiếp theo trên con đường tiến quân của lực lượng ly khai. Quân ly khai đã mở một mặt trận mới hồi tuần trước và đã bất ngờ chiếm giữ thành phố nhỏ Novoazovsk.
Trong một diễn biến gây khó hiểu khác, hãng tin Novorossia hôm nay (3/9) cho biết, lực lượng quân đội Ukraine và Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine bất ngờ ồ ạt rút quân khỏi khu vực lãnh thổ của nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk.
"Hiện tại, chúng tôi không thể giải thích ý nghĩa của hành động đó", hãng tin Novorossia dẫn lời từ cơ quan đầu não của lực lượng ly khai cho biết. "Có thể, các lực lượng an ninh quyết định tập trung vào việc bảo vệ hai khu vực Zaporozhye và Dnepropetrovsk; hoặc có thể họ muốn tập hợp, sắp xếp lại đội ngũ; hoặc có thể họ nghĩ rằng họ không còn hy vọng để tấn công vào nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk”.
"Theo nguồn tin trinh sát, các lực lượng an ninh đã rút khỏi tất cả các chốt chặn an ninh nằm dọc con đường Donetsk-Mariupol", nguồn tin trinh sát cho hay. "Trước đó, lực lượng ly khai đã đánh bật quân đội Ukraine ra khỏi Yelenovka. Binh lính Ukraine sau đó tháo chạy khỏi Volnovakha, cũng như Maryinka và Kurakovo, ở phía tây nam Donetsk. Một đoàn phương tiện, vũ khí hạng năng của quân đội Ukraine đã rút qua đường Kurakovo trong 12 giờ qua. Ở quận Starobeshevo, quân đội Ukraine bỏ lại Starobeshevo, Maryanovka, Novy Svet, Styly, Novokaterinovka, Shirokoye và Komsomolskoye".
Vũ trang cho Ukraine sẽ gây chiến tranh hạt nhân
Cả Kiev và phương Tây đều cho rằng, tình thế trên chiến trường miền đông Ukraine bất ngờ đảo ngược theo hướng cho lợi cho lực lượng ly khai là do sự hậu thuẫn của Nga.
Kiev và phương Tây cáo buộc Ukraine đang đưa vũ khí và binh lính vào nước láng giềng để hỗ trợ cho lực lượng ly khai. Thậm chí, Kiev còn tố cáo Nga đang “xâm lược trực tiếp” vào nước họ.
Trong bối cảnh như vậy, một số quan chức Mỹ và Châu Âu đang kêu gọi, thúc giục giới lãnh đạo các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev để giúp lực lượng này thay đổi thế trận trên chiến trường ở miền đông Ukraine.
Phản ứng trước diễn biến trên, ông Lech Walesa – người từng đoạt giải Noel Hoà bình, đã lên tiếng cảnh báo rằng,việc phương Tây giúp đỡ về mặt quân sự cho Ukraine có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân giữa Nga và NATO.
"Điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân”, ông Lech Walesa người Ba Lan, đã cho các phóng viên biết như vậy khi được hỏi liệu Liên minh Châu Âu (EU) có nên cung cấp vũ khí cho Kiev để giúp quân đội của họ chống lại lực lượng ly khai hay không.
"EU biết rất rõ rằng Nga có vũ khí hạt nhân. NATO cũng có vũ khí hạt nhân. Chúng ta có nhất thiết phải tiêu diệt nhau hay không?”, ông Walesa nói thêm.
"Đó là lý do tại sao EU liên tục nhắc đi nhắc lại rằng: Đừng có mà ngốc nghếch.... Đó là lý do tại sao chúng ta không nên can dự quá nhiều”, ông Walesa phát biểu tại một hội nghị kinh tế khu vực hàng năm ở Krynica, phía nam Ba Lan.
Liên minh Châu Âu hồi cuối tuần vừa rồi đã nhất trí sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu Moscow không chịu thay đổi lập trường và hành động ở Ukraine. Tân Cao uỷ chính sách đối ngoại EU – Ngoại trưởng Italia đã kêu gọi EU tung ra đòn đáp trả “mạnh nhất có thể” nhằm vào Nga. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng khi mà nội bộ EU đang mâu thuẫn nhau về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt gây tổn hại cho cả hai.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc