IS bị tấn công dồn dập bằng tên lửa tối tân

06:20, 24/09/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Iraq đã lần đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa chỉ đường diệt tăng do Nga chế tạo Kornet để tấn công các chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo đó, hệ thống tên lửa này đã phá hủy được 5 xe bọc thép của lực lượng này ở tỉnh miền trung Diyala, được coi là cứ địa của IS ở Iraq. Thông tin trên được kênh truyền hình Alsumaria đưa ra hôm qua (22/9).
 
“Hệ thống tên lửa chống tăng của Nga đã lần đầu tiên được quân đội Iraq sử dụng tại tỉnh Diyala (cách thành phố Baqubah 50km về phía đông), khiến 5 xe bọc thép cùng các tay súng IS bị tiêu diệt”, một đại diện giấu tên của lực lượng an ninh Iraq cho biết.

Ảnh minh họa
Hệ thống tên lửa diệt tăng Kornet

Theo ông này, 3 trung đoàn của quân đội Iraq đã được huấn luyện để sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng Kornet. “Tên lửa Kornet của Nga đã chứng thực được độ chính xác rất cao trong việc phá hủy các mục tiêu”, người phát ngôn của lực lượng an ninh Iraq cho biết.
 
Cũng theo kênh truyền hình Alsumaria, hệ thống tên lửa chỉ đường chống tăng Kornet đã được chính phủ Iraq đặt hàng từ Nga nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại các tổ chức vũ trang cực đoan. Kornet được cho là một trong những loại tên lửa diệt tăng mạnh nhất thế giới.
 
Trong một diễn biến liên quan khác, hôm qua Mỹ cũng đưa ra tuyên bố bác bỏ một đề xuất của Iran về việc nước này sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống IS để đối lấy sự linh hoạt hơn của Mỹ đối với chương trình làm giàu uranium của Iran.
 
Trước đó, hãng tin Reuters trích dẫn lời các quan chức cấp cao của Iran cho biết, Tehran sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các đồng minh để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo, song đi kèm với đó là điều kiện liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
 
Một quan chức giấu tên nói rằng: "Iran là một quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và có thể giúp đỡ chống lại các phần tử khủng bố IS... nhưng đây là con đường hai chiều. Bạn đưa ra điều gì đó thì mới mong được nhận lại."
 
Tuy nhiên, đáp trả lại đề xuất của Iran, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định đây là 2 vấn đề “hoàn toàn tách biệt”, không liên quan tới nhau. 
 
Ông Josh Earnest nói: “Các cuộc đàm phán giữa P5+1 và Iran là nhằm giải quyết những lo ngại của cộng đồng thế giới về chương trình hạt nhân của Iran. Vấn đề này hoàn toàn tách biệt với việc Iran tham gia vào nỗ lực quốc tế để chống Nhà nước Hồi giáo”.
 
Người phát ngôn của Nhà Trắng khẳng định: “Iran hiểu được mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tại Iraq, nhưng  Mỹ sẽ không có bất kỳ phối hợp quân sự nào, cũng  như chia sẻ thông tin tình báo với Iran. Mỹ sẽ không trao đổi vấn đề hạt nhân vì cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo”.
 
Mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo lớn tới mức nào?
 
Nhà nước Hồi giáo (IS) còn được biết đến với tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria hay Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông. Đây là một nhóm chiến binh Jihad, có nguồn gốc từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), được thành lập từ những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq và cam kết trung thành với al-Qaeda trên cơ sở hợp nhất một số nhóm, chủ yếu là các tay súng người Sunni, bất đồng với chính quyền Baghdad.
 
Tàn bạo, thiện chiến, được tổ chức tốt và có nền tài chính dồi dào, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nhanh chóng trở thành tổ chức vũ trang cực đoan nguy hiểm nhất trên thế giới và mối đe dọa lớn nhất tới Mỹ trong thời gian gần đây..
 
Tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của mình bao gồm Iraq và Syria, với dự tính tuyên bố lãnh thổ trong tương lai trên cả khu vực Levant—gồm cả Lebanon, Israel, Jordan, Cyprus và Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này bao gồm và được hỗ trợ bởi một loạt các nhóm nổi dậy, trong đó có tổ chức tiền thân của nó, Hội đồng Mujahideen Shura, Al-Qaeda ở Iraq (AQI), Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba, Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah, Jeish al-Taiifa al-Mansoura.
 
Tuy nhiên, không giống như tổ chức khủng bố al-Qaeda, IS  tập trung vào việc chiếm đất ở Iraq và Syria chứ không tấn công vào các mục tiêu phương Tây. Nhưng với những động thái gần đây, người ta lo ngại rằng IS sẽ trở thành một tổ chức khủng bố nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn so với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Chúng theo đuổi mục tiêu thành lập chính quyền Hồi giáo, kiểm soát người dân tại các vùng đất mà mình quản lý bằng luật Hồi giáo Sharia hà khắc.
 
Sự lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo đe dọa sẽ càng làm cho cuộc xung đột sắc tộc tại Iraq trở nên căng thẳng và đẫm máu hơn, đồng thời kích động các nhân tố cực đoan.
 
Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) ngày 19/8 đưa ra con số dự đoán, IS hiện có lực lượng 50.000 tay súng ở Syria, trong đó có 20.000 người không phải dân Syria, và trong vòng tháng 7/2014 đã chiêu mộ thêm 6.000 tay súng.
 
Nhưng sự nguy hiểm của Nhà nước Hồi giáo còn vượt xa ngoài biên giới Iraq và đe dọa sẽ làm đảo lộn bản đồ địa chính trị Trung Đông. Với một đội quân tinh nhuệ gồm các chiến binh Arab và nước ngoài, tổ chức này hiện đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria, mở rộng hoạt động tại Lebanon và đe dọa sẽ nhắm vào các mục tiêu phương Tây. Sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo rõ ràng đang đặt không chỉ Trung Đông mà cả thế giới trước những thách thức mới về an ninh.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc