"Huyền thoại đánh chặn" của Nga rơi trong tập trận

17:08, 04/09/2014
|

(VnMedia) - Chiến đấu cơ MiG-31 “Foxhound” của Nga vừa bị rơi gần thành phố Armavir, thuộc vùng Krasnodar, miền nam nước Nga. Thông tin trên vừa được người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga – ông Igor Konashenkov đưa ra hôm nay (4/9).
 
Tuy nhiên, người phát ngôn này cho biết, rất may hai phi công của chiến đấu cơ này đều thoát nạn.
  
“Vào lúc 7h38 sáng ngày 4/9 (giờ Moscow) chiếc MiG-31 đã bị rơi tại địa điểm cách thành phố Armavir 25 km trong một cuộc tập trận”, ông Konashenkov cho hay. Người phát ngôn này cho biết, trước khi gặp nạn, phi công của máy bay đã thông báo có trục trặc ở thiết bị hạ cánh bên phải máy bay.

Ảnh minh họa

Ông nói thêm rằng: “Cả hai phi công của MiG-31 đã thoát hiểm an toàn và nhanh chóng được tìm thấy. Sau đó họ đã được đưa trở về căn cứ không quân chính bằng trực thăng”.
  
Cũng theo ông này, tính mạng của cả 2 phi công đều không bị đe dọa.
  
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Tư lệnh Không lực Nga – Thiếu Tướng Viktor Bondarev cũng cho biết, Nga sẽ khởi công phát triển một loại chiến đấu cơ đánh chắn để thay thế hạm đội gồm 122 chiếc MiG-31 trước năm 2028.
  
Đây là một mẫu máy bay đánh chặn cao cấp do Phòng thiết kế Mikoyan thiết kết và chế tạo. Nó được triển khai và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên chiến trường của Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.
 
Máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga. Nó được thiết kế và triển khai nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược, và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.
  
Loại tiêm kích này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như hệ thống điện tử, dữ liệu kỹ thuật số, ra-đa đa năng với hệ thống kiểm soát vũ khí cực mạnh.
  
MiG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại ra-đa mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
 
MiG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó vẫn là con át chủ bài của Không lực Nga. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc