Hầu hết người Pháp muốn Tổng thống từ chức sớm

12:05, 12/09/2014
|

(VnMedia) - Hơn 60% cử tri Pháp muốn Tổng thống Francois Hollande của họ rời nhiệm sở trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2017. Đây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận mới do công ty Ifop của tạp chí Le Figaro thực hiện và vừa được công bố trong ngày hôm qua (11/9).
 

Ảnh minh họa


Tổng thống Pháp Hollande


"Theo Ifop, 62% người Pháp muốn ông Francois Hollande rời điện Elysee (dinh thự chính thức của Tổng thống nước Cộng hoà Pháp) trước nhiệm kỳ của ông này. Đây là lựa chọn mà người Pháp thích hơn là việc giải tán Quốc hội (Hạ viện Pháp) hay thay thế Thủ tướng của đất nước”, tạp chí Le Figaro đưa tin.
 
Trước đó, hồi tháng 9, Tổng thống Hollande đã thông báo rằng, ông sẽ không từ chức trước cuối nhiệm kỳ của mình. "Không có cuộc trưng cầu dân ý nào... có thể phá vỡ sự uỷ thác mà người dân đã trao cho Tổng thống của nước Cộng hoà Pháp”, ông Hollande nhấn mạnh.
 
Cách đây một tuần, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Hollande đang sụt giảm thê thảm, chỉ còn 19%. Đây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do công ty CSA tiến hành. Trong khi đó, một cuộc thăm dò khác do TNS-Sofres thực hiện còn cho kết quả bi thảm hơn khi chỉ có 13% người dân Pháp ủng hộ ông Hollande.
 
Một phần của nguyên nhân người dân Pháp mất tín nhiệm với Tổng thống Hollande có thể xuất phát từ vụ ông quyết định tạm hoãn cung cấp chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Hợp đồng bán tàu chiến lớp Mistral đem lại cho Nga rất nhiều lợi ích kinh tế, tạo thêm việc làm cho 1.000 người trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang rơi vào tình trạng trì trệ với tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao.
 
Người dân Pháp từng hưởng ứng Tổng thống Hollande khi ông này quyết định bất chấp mọi sức ép dồn dập từ Mỹ và phương Tây để kiên quyết theo đuổi hợp đồng với Nga. Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Hollande lại bất ngờ thông báo quyết định hoãn hợp đồng nói trên, khiến hàng trăm người có liên quan trực tiếp đến hợp đồng đóng tàu chiến cho Nga đổ ra đường biểu tình. Không chỉ bị mất đi nhiều lợi ích kinh tế, việc Pháp huỷ hợp đồng với Nga còn có thể khiến Paris phải trả khoản bồi thường thậm chí còn lớn hơn cả chi phi đóng siêu tàu chiến lớp Mistral.
 
Rõ ràng, Tổng thống Pháp đã tự làm khó cho mình khi đưa ra một quyết định gây tranh cãi như trên. Mặc dù vậy, theo thông báo từ Paris, quyết định cuối cùng về hợp đồng cung cấp tàu chiến lớp Mistral cho Nga sẽ được Pháp xem xét lại trước thời điểm con tàu đầu tiên dự kiến được bàn giao.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc