(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) đang thực sự “ngầm đòn đau” từ “cuộc chiến” các biện pháp trừng phạt thương mại với Nga. Đây là lời thừa nhận vừa được Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra cách đây vài ngày.
Ảnh minh họa |
Tổng thống Hollande hôm 18/9 đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, các đòn trừng phạt về kinh tế đang gây tổn hại đến cả Liên minh Châu Âu và Nga. Ông Hollande tuyên bố, những biện pháp trừng phạt này sẽ được hủy bỏ ngay một khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết.
"Các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu như một lệnh ngừng bắn thực sự và lâu dài được duy trì và nếu như cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết một cách hòa bình. Những biện pháp trừng phạt đó đã khiến cả Nga và Châu Âu phải trả giá. Chính sách này đã làm mất đi nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế”, Tổng thống Pháp Hollande đã thừa nhận như vậy.
Với phát biểu trên, có vẻ như Nhà lãnh đạo Pháp đang rất nóng lòng, mong mỏi đến thời điểm được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu luôn đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và vì thế, họ đã liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Bất chấp những lời bác bỏ mạnh mẽ của Nga về sự can dự vào tình hình khủng hoảng ở Ukraine cũng như bất chấp việc phương Tây không đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh cho các cáo buộc của họ nhằm vào Moscow, Mỹ và EU vẫn quyết liệt theo đuổi chính sách trừng phạt. Gói biện pháp trừng phạt mới nhất mà EU tung ra là hôm 12/9 vừa rồi. Những đòn trừng phạt lần này của phương Tây nhằm vào các ngân hàng lớn nhất của Nga, các công ty dầu mỏ và quốc phòng cùng một số cá nhân. Các công ty Nga cũng không được tiếp cận thị trường tài chính của Châu Âu trong khi thêm một loạt cá nhân Nga bị phong tỏa tài sản (nếu có) và bị cấm đi lại ở các nước thuộc EU.
Trước đó, Nga đã có đòn trả đũa đầu tiên bằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ Mỹ và Châu Âu trong vòng một năm.
Với gói lệnh trừng phạt mới của EU, Moscow cũng đã chuẩn bị nhưng chưa tung ra đòn trả đũa mới của họ. Đòn trả đũa này sẽ gây ảnh hưởng đến các ngành chế tạo máy, hóa dầu và ô tô của EU cũng như áp đặt việc giới hạn nhập khẩu ô tô cũ và các sản phẩm dệt may từ EU. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Moscow có thể áp dụng đòn trả đũa trên chỉ để bảo vệ các lợi ích của Nga.
EU trước sức ép từ đòn trừng phạt của EU
Ngay từ khi EU mới đang ấp ủ ý định trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều người trong giới chuyên gia và chính khách cấp cao đã cực lực lên tiếng phản đối chính sách đó. Những người này đã đưa ra lời cảnh báo về việc chính EU sẽ phải chịu ảnh hưởng phản tác dụng từ các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, đó là chưa kể đến tác động từ đòn trả đũa trực tiếp từ Nga.
Bản thân Nga cũng nhiều lần kêu gọi EU nghĩ lại và cũng đã đưa ra cảnh báo về tác động “gậy ông đập lưng ông” từ những biện pháp trừng phạt mà liên minh này áp đặt lên Nga.
Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga. Đức – cường quốc hàng đầu Châu Âu – sẽ là một trong những nước phải hứng hậu quả “gậy ông đập lưng ông” lớn nhất bởi Nga và Đức vốn có quan hệ kinh tế gắn bó. Năm 2013, Đức xuất khẩu 36 tỉ euro hàng hóa sang Nga.
Một nước lớn khác trong EU là Anh cũng không tránh khỏi việc phải chịu ảnh hưởng nặng nền từ chính sách trừng phạt Nga bởi nước này có mối quan hệ tài chính gắn bó mật thiết với Moscow. Biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính EU sẽ khiến London phải mất hàng trăm triệu bảng Anh.
Đối với Pháp, hậu quả nhãn tiền có thể là đánh mất hợp đồng vũ khí khủng với Nga và điều này hoàn toàn không cho lợi cho Tổng thống Hollande.
Ngoài những nước lớn như Anh, Pháp, Đức, một loạt các thành viên khác của EU đã liên tục kêu gọi ngừng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Một số thậm chí phản đối gay gắt chính sách này. Nội bộ EU mâu thuẫn trong vấn đề trừng phạt Nga.
Những ảnh hưởng được nói ở trên là sự phản tác dụng từ chính các đòn trừng phạt của EU nhằm vào Nga. Trong khi đó, lúc này, một số nước thành viên EU đang phải kêu cứu trước đòn trả đũa của Nga.
Lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ các nước đang áp đặt biện pháp trừng phạt lên Nga đang khiến những người nông dân Châu Âu chao đảo.
Khi Nga lần đầu thông báo về đòn trả đũa đầu tiên của mình hồi tháng 8, giới chính khách và một số người dân Châu Âu còn mỉa mai bằng việc tung lên Twitter những bức ảnh chế nhạo. Tuy nhiên, giờ đây những người nông dân Châu Âu mới thực sự “ngấm đòn”. Năm ngoái, Ba Lan xuất nông sản trị giá 670 triệu bảng Anh sang Nga, trong đó có 1/4 là sản phẩm táo. Hiện tại, những cây táo ở Ba Lan đang trĩu trịt quả mà không biết xuất đi đâu. Thực trạng này đẩy một số người trồng táo đến bờ vực của sự phá sản. "Chúng tôi đang cầu nguyện để tình trạng này được cải thiện bởi nếu không, chúng tôi đang đối mặt với thảm họa thực sự”, một người nông dân buồn rầu cho biết.
Giá táo cũng đã giảm mạnh, điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân không thể thu hồi lại đủ chi phí sản xuất mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, bức tranh toàn diện nhất về tổn thất mà người nông dân Châu Âu phải gánh chịu sẽ hiện ra rõ ràng hơn vào cuối tháng này khi đến vụ mùa thu hoạch.
Những người nông dân trồng rau quả ở Châu Âu là những nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu hậu quả từ đòn trả đũa của Nga. Có đến 1/3 sản phẩm rau quả của Châu Âu được bán sang cho Nga. Về mặt lý thuyết, người nông dân Châu Âu có thể tìm sang các thị trường khác. Tuy nhiên, trên thực tế, rau quả sẽ bị thối trước khi bất kỳ hợp đồng nào được ký kết.
EU đang tính chuyện cấp tài chính cho những người nông dân để cứu giúp họ trong thời gian khó khăn này. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, dù có đổ ra 125 triệu euro như dự tính, con số này cũng chẳng đủ để giúp người nông dân. Vì thế, tốt hơn, EU nên tái lập lại mối quan hệ thương mại bình thường với Nga càng sớm càng tốt.
Giới chuyên gia phân tích và chính khách Châu Âu đã nhiều lần nhắc nhở rằng, EU không thể theo chân Mỹ để trừng phạt Nga bởi họ ở hai chỗ đứng hoàn toàn khác nhau trong mối quan hệ với Nga. Trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không phụ thuộc vào nhau nhiều và giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước không lớn thì quan hệ giữa EU và Nga hoàn toàn khác hẳn. EU và Nga phụ thuộc rất lớn vào nhau. Giá trị trao đổi thương mại song phương giữa hai bên gấp hơn 10 lần so với Mỹ. Hơn nữa, các nước thành viên EU lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga. Ước tính, Liên minh Châu Âu phụ thuộc đến hơn 30% khí đốt và dầu mỏ của Nga trong khi khu vực này vẫn chưa có được mấy thành công trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Trừng phạt kinh tế Nga cũng chẳng khác nào giáng đòn xuống nền kinh tế đang không mấy sáng sủa của Liên minh Châu Âu. Giới lãnh đạo phương Tây thừa hiểu nếu để nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng bởi việc trừng phạt vào Nga thì chính họ sẽ bị người dân của mình trừng phạt.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc