EU sắp giáng đòn mạnh nhất vào Nga?

07:46, 03/09/2014
|

(VnMedia) - Các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đưa ra quyết định chính thức về gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong thứ Sáu tới (5/9), Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini tiết lộ đồng thời công khai kêu gọi EU giáng đòn “mạnh nhất có thể” nhằm vào Nga.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini


Bà Mogherini – người sẽ trở thành Cao ủy chính sách đối ngoại của EU sắp tới, cho hay Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu, hôm nay (3/9) sẽ trình một gói biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn nhằm vào Moscow vì cái mà họ cáo buộc là hành động "xâm lược quân sự" của Nga ở nước láng giềng Ukraine.
 
Đại sứ của các nước thành viên EU sẽ có cuộc họp vào ngày thứ Năm (4/9) và thứ Sáu (5/9). Quyết định cuối cùng về đòn trừng phạt mới đối với Nga sẽ được đưa ra vào ngày 5/9, bà Mogherini cho biết.
 
"Chúng ta cần phải đáp trả Nga bằng phương thức mạnh nhất có thể”, Ngoại trưởng Mogherini kêu gọi sau khi có bài phát biểu trước các nghị sĩ EU trong Quốc hội Châu Âu.
 
"Mọi việc đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Chúng tôi đang nói về một cuộc xâm lược và tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt là một phần của chiến lược chính trị”, bà Mogherini cho biết đồng thời miêu tả tình hình hiện nay là “thời kỳ chìm trong bóng tối hoàn toàn”.
 
Bà Mogherini từ chối tiết lộ về gói biện pháp trừng phạt mới mà EU đang nhăm nhe áp đặt với Nga nhưng khẳng định những biện pháp trừng phạt lần này sẽ nhằm vào 4 lĩnh vực then chốt của Nga, trong đó có quốc phòng, hàng hóa có thể dùng được cho cả mục đích quân sự và dân sự cũng như ngành tài chính.
 
3 quan chức có liên quan mật thiết đến các cuộc thảo luận về việc trừng phạt Nga hồi đầu tuần này đã tiết lộ rằng, những biện pháp trừng phạt mới của EU có thể bao gồm cả việc cấm các nước Châu Âu mua trái phiếu chính phủ Nga. Đòn trừng phạt này sẽ hạn chế khả năng tài chính của Moscow.
 
Trước đó, hồi cuối tuần vừa rồi, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cáo buộc tại một hội nghị thượng đỉnh rằng binh lính Nga đang can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở miền đông nam Ukraine và giới chức EU đã kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trừ khi Moscow chịu rút quân.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel – người dẫn đầu các nỗ lực nhằm thúc đẩy EU thông qua đòn phản ứng mạnh tay hơn nhằm vào Nga, hôm 1/9 tuyên bố, hành vi của Moscow ở Ukraine cần phải bị đáp trả thậm chí nếu các biện pháp trừng phạt có thể gây tổn thương nền kinh tế Đức vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
 
Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 31/8, giới lãnh đạo EU đã lựa chọn Ngoại trưởng Italia Mogherini là người phụ trách chính sách đối ngoại của liên minh, thay thế cho bà Catherine Ashton khi bà này rút lui vào tháng 10 tới. Bà Mogherini vốn trước đây được cho là có lập trường mềm mỏng với Nga. Tuy nhiên, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà này đã thể hiện một lập trường cứng rắn với Nga khi tuyên bố tình hình ở Ukraine thay đổi do sự can thiệp của Nga và rằng quan hệ Nga-EU đã không còn là đối tác.
 
"Quan hệ đối tác chiến lược đã kết thúc. Rõ ràng, nó đã không còn và đó là sự lựa chọn của Moscow.... Chúng ta có một vấn đề trên lãnh thổ Ukraine. Chúng ta rõ ràng đang có một cuộc xung đột”, bà Mogherini nói.
 
Trong khi một số quan chức EU thể hiện sự sẵn sàng “ra tay” quyết liệt với Nga bất chấp tổn thất nặng nề mà họ có nguy cơ phải gánh chịu thì một số nước thành viên khác của EU lại hoàn toàn không muốn theo đuổi chính sách trừng phạt Nga. Thủ tướng Slovakia mới đây đã tuyên bố phản đối kịch liệt việc EU tiếp tục tung ra các đòn trừng phạt vô ích nhằm vào Nga. Ông này cảnh báo sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia của Slovakia.
 
Nga sẵn sàng tung đòn đáp trả
 
Phản ứng trước việc EU nhăm nhe tung ra các đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga, Chủ tịch Thượng viện Nga – bà Russia Valentina Matviyenko hôm 1/9 tuyên bố, Moscow sẵn sàng đáp trả nếu EU tiếp tục leo thang trong chiến dịch trừng phạt.
 
Bà Matviyenko khẳng định, bất kỳ đòn trừng phạt nào cũng phản tác dụng và gây bất lợi cho cả hai bên. Cũng theo Chủ tịch Thượng viện Nga, cái đích cao nhất của các biện pháp trừng phạt Nga “không phải để tách Ukraine ra khỏi Nga và tách Nga ra khỏi Liên minh Châu Âu” mà là để “làm suy yếu Liên minh Châu Âu”.
 
“Mỹ đang tìm cách bảo vệ các lợi ích địa chính trị bằng bàn tay của người Châu Âu” bởi đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm tranh giành các thị trường cũng như các nguồn lực kinh tế và tài chính”, bà Matviyenko nhấn mạnh. Bà này cũng nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt đều nhạy cảm với bất kỳ nước nào. “Chúng cũng là vấn đề nhạy cảm với chúng tôi nhưng chúng không nghiêm trọng”.
 
Theo Chủ tịch Thượng viện Matviyenko, “Nga có năng lực và tiềm năng to lớn. Đây là lúc để chúng tôi tập hợp nhau lại và nhìn ra các điểm yếu của mình cũng như những lĩnh vực mà chúng tôi đang phụ thuộc nhiều vào các nước khác. Từ đó, chúng tôi sẽ có những bước đi thực tế để bảo vệ nền kinh tế và tránh những diễn biến tiêu cực xảy ra trong nước.
 
Bà Matviyenko cho rằng, các biện phát trừng phạt sẽ không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Nếu đó là nỗ lực nhằm gây áp lực lên Nga, chúng tôi đã chứng minh nhiều lần rằng đó không phải là cách để nói chuyện với Nga. Chúng tôi là nước có thể tự cung tự cấp. Chúng tôi là một nước vĩ đại có thể đóng vai trò lớn trên chính trường quốc tế, trong nền kinh tế và tài chính thế giới. Lịch sử đã chứng minh không thế lực nào có thể khuất phục được Nga”, bà Matviyenko nhấn mạnh.
 
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố cứng rắn rằng, bất kỳ đòn trừng phạt mới nào mà EU và Mỹ tung ra đều sẽ khiến Nga buộc phải có biện pháp bảo vệ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và công dân của mình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc