(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (8/9) đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, liên minh này lại bất ngờ trì hoãn việc thực hiện gói lệnh trừng phạt trên với lý do là để ngỏ thêm thời gian đánh giá xem liệu lệnh ngừng bắn của Ukraine có được thực hiện nghiêm túc hay không.
Liên minh Châu Âu đã thông qua gói lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga |
Theo nguồn tin từ Reuters trước đó cho biết, EU hồi tuần trước đã đồng ý về nguyên tắc đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Theo đó, ngoài thêm 24 cá nhân bị trừng phạt lần này, EU còn đưa vào “danh sách đen” các công ty năng lượng Rosneft, Gazpromneft và Transneft cũng như các công ty nhà nước của Nga có doanh thủ hơn 27 tỉ USD hàng năm.
Tuy nhiên, gói biện pháp trừng phạt mới sẽ không bao gồm ngành khí đốt và cụ thể ở đây là tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom – nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Châu Âu.
Đúng ra, gói biện pháp trừng phạt mới sẽ phải có hiệu lực và được thực thi trong ngày hôm nay (9/9) nhưng EU đã quyết định lùi lại vài ngay sau khi một số chính phủ các nước thành viên đề nghị tạm ngừng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga để tạo cơ hội cho lệnh ngừng bắn mong manh đang được thực thi ở miền đông Ukraine.
"Việc đưa các biện pháp trừng phạt mới vào thực thi thông qua một thông báo trên Công báo sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn để một khoảng thời gian để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn cũng như kế hoạch hòa bình”, Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy cho biết trong một tuyên bố.
"Dựa vào tình hình diễn biến trên thực tế, EU sẵn sàng xem xét lại toàn bộ hoặc một phần việc thực thi các biện pháp trừng phạt”, ông Rompuy cho biết thêm sau khi các đại sứ EU có cuộc họp bất thường nhằm tranh luận thẳng thắn về vấn đề trừng phạt Nga. Một nhà ngoại giao EU cho biết, hiện vẫn chưa rõ khi nào thì các biện pháp mới được thực thi. Các đại sứ của EU có thể sẽ tiến hành bàn bạc về việc này vào ngày mai (10/9).
Một số nước thành viên EU đã phản đối việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối Nga và họ coi việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/9 đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là cơ hội để ngăn cản việc đưa ra gói lệnh trừng phạt mới, tránh những đòn trả đũa đau đớn của Nga, các nhà ngoại giao có liên quan tiết lộ.
Ám chỉ đến sự thiếu đoàn kết trong EU, nhà ngoại giao giấu tên trên cho hay, để đưa các biện pháp trừng phạt mới vào áp dụng đòi hỏi phải có sự ủng hộ “về chính trị” và các đại sứ sẽ phải đưa vấn đề này lên cấp cao hơn của chính phủ để cân nhắc, tính toán.
Mâu thuẫn tiếp tục bộc lộ
Nội bộ Liên minh Châu Âu luôn mâu thuẫn, chia rẽ với nhau trong vấn đề trừng phạt Nga với các nước như Ba Lan hay các nước Baltic luôn thúc giục EU áp dụng một lập trường cứng rắn trong khi Thủ tướng Hungary và Slovakia công khai phản đối việc trừng phạt Moscow.
Ngay tại cuộc họp ngày hôm qua (8/9), một số đại sứ của các nước thành viên EU đã muốn thảo luận về việc ngừng các biện pháp trừng phạt mới trong bối cảnh quân Kiev và lực lượng ly khai đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và lệnh này đang được thực thi khá suôn sẻ.
EU luôn miệng tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Nga ngừng gây bất ổn ở Ukraine. Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Cyprus và Slovakia nằm trong số các nước muốn tạm dừng trừng phạt Nga, một nhà ngoại giao EU tiết lộ.
Lệnh ngừng bắn ở Ukraine là một phần của kế hoạch hòa bình nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 5 tháng qua và cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người ở miền đông Ukraine. Lệnh ngừng bắn này phần lớn đã được thực thi trong ngày hôm qua mặc dù quân Kiev và lực lượng ly khai vẫn thỉnh thoảng đổ lỗi cho nhau về những tiếng súng lác đác trong ngày. Tình trạng này đã diễn ra vài ngày nay kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào 18h tối hôm 5/9.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu với các thành viên bảo thủ của Quốc hội trong một cuộc họp kín ở thủ đô Berlin rằng, các biện pháp trừng phạt mới là cần thiết bất chấp việc một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết. Phát biểu này của bà Merkel gây kinh ngạc bởi Đức vốn là nước không hề thích trừng phạt Nga bởi điều đó gây ảnh hưởng lớn đến chính nước Đức – đối tác thương mại hàng đầu của Nga.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đang gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang chĩa mũi dùi chỉ trích vào nhau vì tình hình ở Ukraine. Mỹ, phương Tây đang tìm mọi cách dồn ép Nga bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt. Moscow cũng đã tung ra những đòn trả đũa đầu tiên. Diễn biến này đang đẩy hai bên vào một cuộc chiến thương mại với những đòn trả đũa qua lại gây tổn thất nặng nề cho cả hai.
Tuy nhiên, bất chấp những đòn trừng phạt hà khắc của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), Nga kiên quyết không thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Moscow bác bỏ mọi lời cáo buộc của Kiev và phương Tây nhằm vào họ liên quan đến cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng đồng thời liên tiếp kêu gọi Kiev hãy ngừng ngay chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine và ngồi vào bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc