Đừng mơ NATO sẽ cứu Kiev

14:56, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Wales được cho là sẽ tìm kiếm một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự sẵn sàng của liên minh này trong việc bảo vệ các nước thành viên, trong đó có những quốc gia Baltic. Tuy nhiên, chính phủ Kiev có lẽ sẽ phải thất vọng bởi dù họ có cầu cứu trong tuyệt vọng thì NATO sẽ không đến cứu họ.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh hoạ


Hội đồng An ninh Ukraine đã công bố một đoạn băng hình được cho là ghi lại hình ảnh một xe tăng của Nga ở thành phố đông nam Novoazovsk để củng cố thêm cho lời cáo buộc về việc “quân đội Nga đang có mặt trên đất Ukraine”. Kiev cáo buộc Nga đang “xâm lược” trực tiếp nước họ và đã công khai gửi lời cầu cứu đến NATO.
 
Trong bài phát biểu về chương trình nghị sự được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO được khai màn từ ngày hôm qua (4/9) ở Wales, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow tuyên bố, những động thái quân sự của Nga ở Ukraine đã làm tăng cường mối đoàn kết cũng như quyết tâm của liên minh này trong việc bảo vệ đường biên giới của khối. Mục tiêu này, theo ông Vershbow, sẽ được thể hiện trong “Kế hoạch Sẵn sàng Hành động” mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông báo trong tuần này, trong đó có việc thành lập một lực lượng “xung kích” nhỏ khoảng vài nghìn quân được triển khai cố định tại Đông Âu và có thể được tung ra để phản ứng với khủng hoảng chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ.
 
Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký NATO cũng khẳng định rất rõ ràng rằng, sự đoàn kết mà ông này nhắc tới không mở rộng cho Ukraine – quốc gia chưa phải là thành viên của NATO. Khi được hỏi liệu có “lằn ranh đỏ” nào được đặt ra và nếu quân của Tổng thống Putin vượt qua lằn ranh đó thì NATO có hành động hay không, ông Vershbow đã nói chắc nịch rằng Ukraine sẽ phải chiến đấu một mình.
 
“Tôi không thấy có bất cứ lằn ranh đỏ nào mà nếu vượt qua sẽ dẫn đến đến một sự can thiệp quân sự” vào Ukraine, ông Vershbow thẳng thắn cho biết tại một cuộc hội thảo về chủ đề “NATO sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Wales” do trường Đại học Cardiff tổ chức. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đến tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO lần này với tư cách là một quan sát viên.
 
“Ukraine hiểu rằng, họ không phải là nước được hưởng lợi từ Điều khoản 5 về sự đảm bảo đối với phòng thủ tập thể của NATO”, ông Vershbow đã nói với tờ The Globe and Mail như vậy. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thể hiện sự đoàn kết với Ukraine, gặp gỡ với Tổng thống Poroshenko. Chúng ta sẽ đưa ra một sự giúp đỡ nào đó cho Ukraine.... Đó có thể không phải là tất cả những gì mà tất cả mọi người muốn nhưng một lần nữa NATO không phải là lực lượng phản ứng duy nhất. Thông điệp quốc tế từ NATO, từ Liên minh Châu Âu (EU) và từ những diễn viên khác hy vọng sẽ tạo nên sự khác biệt”, Phó Tổng thư ký NATO phát biểu.
 
Tuần trước, Tổng thống Poroshenko đã đề nghị NATO xem xét kết nạp Ukraine làm thành viên mới nhưng đáp lại lời đề nghị tha thiết này là sự im lặng đến lạnh lùng từ liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Lý do là bản thân NATO thực sự muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
 
EU, Canada và Mỹ đã cùng nhất loạt tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga để đáp trả những hành động của Moscow ở Ukraine. Trong khi các biện pháp này đã gây tổn thất đến nền kinh tế Nga thì chúng lại chẳng thể nào làm thay đổi lập trường kiên quyết của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
 
NATO cáo buộc 100 xe tăng chiến đấu cùng với ít nhất 1.000 bộ binh Nga đã xâm nhập vào lãnh thổ Ukraine hồi tuần trước. Đoàn quân này được cho là đã tiến về thành phố cảng Mariupol bên bờ Biển Azov, tạo ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột và giúp lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine lật người tình thế trên hai chiến trường Donetsk và Luhansk sau khi bị bao vây suốt nhiều tuần.
 
Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, khẳng định sẽ không có sự can thiệp quân sự của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Theo Phó Tổng thư ký NATO – người từng là Đại sứ Mỹ tại thủ đô Moscow trong những năm đầu tiên ông Putin lên cầm quyền, cách tốt nhất cho Ukraine lúc này là tìm kiếm một giải pháp “công bằng” thông qua đàm phán, trong đó phải tính đến các lợi ích của Nga nhưng không vi phạm chủ quyền Ukraine.
 
Trong một bài phát biểu “đinh” khác tại cuộc hội thảo ở trường Đại học Cardiff, NATO được cảnh báo là cần phải chấp nhận thực tế rằng liên minh này không thể đạt được mục tiêu ở Ukraine và vì thế cần tránh đưa ra những lời hứa suông cho Tổng thống Poroshenko.
 
Ông Stephen Krasner – một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, liên minh NATO nên tập trung vào việc bảo vệ cho các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Đây là những quốc gia cựu Xô viết đã gia nhập NATO năm 2004. Tổng thống Putin từng tuyên bố có quyền bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở nước ngoài. Estonia và Latvia là những quốc gia có dân số nói tiếng Nga rất đông.
 
“Chúng ta không thể giả vờ rằng chúng ta sẽ bảo vệ Ukraine khi mà chúng ta không thể làm thế”, Giáo sư Krasner – người làm công tác giảng dạy ở trường Đại học Stanford University, cho biết. Tuy nhiên, ông này nói thêm, “có những lý do thực sự để chúng ta có thể chiến đấu ở các quốc gia Baltic”.
 
Ông Krasner kêu gọi triển khai binh lính NATO ở dọc biên giới của Estonia và Latvia với Nga với quân số đông hơn rất nhiều so với lực lượng phản ứng nhanh gồm 4.000 quân mà NATO dự định thành lập. Ông Krasner cho rằng, 4.000 là con số quá nhỏ so với lực lượng quân sự hùng hậu mà Nga đang triển khai ở dọc biên giới phía Tây. Có thời điểm cao trào trong cuộc khủng hoảng, Nga đã đưa tới 150.000 quân đến biên giới với Ukraine để tập trận “chớp nhoáng”.
 
Tuy nhiên, nếu NATO triển khai quân ở các nước Baltic thì liên minh quân sự này đã vi phạm Đạo luật Sáng lập Nga-NATO 1997 mà họ đã ký với Nga. Đây là điều khó có thể chấp nhận. Bản thân nhiều quốc gia thành viên NATO cũng phản đối điều này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc