Đồng minh Mỹ sợ uy Nga, Obama tìm cách trấn an

13:01, 03/09/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thực hiện một chuyến công du đến "sân sau" của Nga lần thứ hai trong năm nay để trấn an các đồng minh của nước này về cam kết vững chắc của Washington đối với an ninh của họ. Tuy nhiên, mục đích của ông chủ Nhà Trắng đang bị che mờ trước cái mà các đồng minh của Mỹ tin là sự bất lực của cường quốc này trong việc ngăn chặn hành động “xâm lược” của Nga vào nước láng giềng Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ủng hộ Nga tiếp tục diễn ra ác liệt ở chiến trường miền đông khi Tổng thống Obama chuẩn bị bay đến Estonia để tham gia cuộc gặp mặt với lãnh đạo các nước Baltic và đến Wales để dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Chính phủ Kiev, NATO và các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga đang đưa quân, xe tăng và lực lượng pháo binh vào lãnh thổ Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai. Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
 
Trong khi Tổng thống Obama cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng Moscow có thể phải đối mặt thêm với các đòn trừng phạt về kinh tế thì ông này cũng tìm cách phớt lờ những lời kêu gọi về việc cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự cho đồng minh Kiev để chống lại cái gọi là hành động “xâm lược” của Nga.
 
Phản ứng của Tổng thống Obama đối với cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một nhân tố trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của ông và cách tiếp cận đó đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cả đối thủ và đồng minh của ông này. Những người này sợ rằng, Nhà Trắng đang quá ngập ngừng, do dự khi đối diện với các mối đe doạ toàn cầu.
 
Ông Eugene Rumer – một cựu sĩ quan tình báo Mỹ, cho rằng, sự bất lực của Mỹ và Châu Âu trong việc ngăn chặn hành động của Nga ở Ukraine đã gây ra nỗi sợ hãi cho các nước đồng minh của phương Tây ở gần biên giới Nga.
 
"Các nước đó cho rằng, phản ứng của phương Tây là chưa đủ và điều đó khiến họ thêm lo lắng”, ông Rumer – người đang điều hành chương trình Âu-Á và Nga ở Tổ chức Hoà bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho biết.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Kiev và phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Nga bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đồng thời khẳng định chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình biến loạn ở đất nước Ukraine hiện giờ.
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine và lập trường của Nga sẽ trở thành chủ đề chính trong hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra vào cuối tuần này. Tổng thống Obama sẽ tận dụng cơ hội này để ép các nước đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng và NATO được cho là sẽ nhất trí với kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung và Đông Âu cũng như thành lập một lực lượng phản ứng nhanh mũi nhọn để đối phó với Nga.
 
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các nước thành viên NATO gần biên giới Nga sẽ đặc biệt quan tâm đến mức độ can dự về quân sự của Mỹ vào khu vực. "Nếu có bất kỳ điều gì mà các nước Baltic tin tưởng ở trong liên minh NATO thì đó là một cam kết của Mỹ", ông Kathleen Hicks – một cựu quan chức Lầu Năm Góc Mỹ đang phụ trách chương trình an ninh quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho biết. "Vì thế, các nước Baltic sẽ gây sức ép mạnh mẽ để buộc Mỹ phải có dấu ấn rõ ràng trong đoàn quân của NATO" hiện diện ở khu vực.
 
Trong khi Ukraine không phải là một thành viên của NATO thì Tổng thống Petro Poroshenko sẽ dẫn đầu một đoàn quan chức đến tham dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này.
 
Trước khi đến Wales tham dự các cuộc họp của NATO, Tổng thống Obama sẽ có một cử chỉ mang tính biểu tượng thể hiện sự ủng hội đối với các nước Baltic bằng cách đến thăm Estonia. Giới chức Mỹ cho biết, ông Obama sẽ nhắc lại lời bảo đảm mà ông này đã từng đưa ra trong chuyến thăm Ba Lan hồi đầu năm nay. Khi đó, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố về cam kết của Mỹ đối với điều 5 trong Hiến chương NATO. Theo đó, một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh này.
 
Tổng thống Obama đã khởi hành từ thủ đô Washington trong ngày hôm qua (2/9) và dự kiến đến thủ đô Tallinn của Estonia vào buổi sáng ngày hôm nay (3/9). Ngoài cuộc gặp với lãnh đạo các nước Baltic, Tổng thống Obama cũng sẽ có cuộc nói chuyện với binh lính Mỹ được triển khai đến Estonia hồi đầu năm nay để tham gia các cuộc tập trận quân sự nhằm răn đe Nga.
 
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine chỉ là một trong những vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách mà Tổng thống Obama phải đối mặt trong chuyến công du kéo dài 3 ngày đến Châu Âu.
 
Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ có các cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO về mối đe doạ ngày càng tăng từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang “cắm sâu mọc rễ” ở Iraq và Syria. Mỹ đang phát động chiến dịch không kích nhằm vào mục tiêu của nhóm chiến binh Hồi giáo nói trên. Trong lúc này, Nhà Trắng cũng đang tìm kiếm những lời cam kết từ một số đồng minh về việc tham gia vào cuộc chiến nhằm đánh bại IS thông qua việc mở rộng chiến dịch không kích vào Iraq và Syria.
 
Tổng thống Obama và các lãnh đạo NATO cũng sẽ thảo luận về vai trò tương lai của họ ở Afghanistan, nơi nhiệm vụ chiến đấu của liên minh quân sự này sẽ kết thúc vào cuối năm nay.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc