(VnMedia) - Hôm qua (9/9), Nga tuyên bố rõ ràng rằng, nước này không muốn Ukraine trở thành thành viên của NATO, mô tả động thái này sẽ là “thách thức chưa từng có của an ninh châu Âu”.
“Một Ukraine trong NATO sẽ là một thách thức chưa từng có đối với an ninh châu Âu, thách thức lớn nhất kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ”, ông Vladimir Chizhov, đặc phái viên Nga tại Liên minh châu Âu nhận định.
Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, Kiev đã bày tỏ ý định muốn tái khởi động vòng đàm phán gia nhập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã bị đình chỉ từ năm 2010 dưới thời của Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
Ảnh minh họa
Còn về phía mình, NATO cho biết, họ đang để “cánh cửa ngỏ” cho Ukraine trở thành thành viên của khối này với điều kiện Ukraine phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định mà khối đặt ra.
Bất chấp sự phản đối của Nga, NATO đã kết nạp các quốc gia thuộc Liên xô cũ trở thành thành viên của mình, trong đó có 3 quốc gia Baltic là Latvia, Lithuania,và Estonia.
Moscow đang vấp phải sự phản pháo mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây sau sự kiện Crimea ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga. Mỹ và phương Tây còn cáo buộc Nga đang can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột giữa quân ly khai và phe chính phủ ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ tất cả các cáo buộc trên.
Cũng trong hôm qua (9/9), đặc phái viên Nga cũng nhắc lại lời cảnh báo đối với EU trước việc cơ quan này áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Thông điệp của chúng tôi gửi đến EU đó là: Đừng phá hoại tiến trình hòa bình của Ukraine bằng việc ủng hộ một bên tham chiến ở Ukraine. Chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt chưa bao giờ là một công cụ hữu hiệu”, ông Chizhov khẳng định.
Ông Chizhow cũng nhận định thêm rằng: “Các biện pháp đơn phương của EU nhằm chống lại Nga là sai lầm, bất công bằng và đi chệch hướng dựa trên quan điểm cho rằng Nga là một phần của cuộc xung đột. Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm vậy”.
Đe dọa trừng phạt tới tấp giáng vào Nga
Trong một diễn biến liên quan khác, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (9/9) cho biết, nước này đã sẵn sàng mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế với Nga trước cáo buộc về vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Mỹ đang hoàn tất các biện pháp tăng cường và mở rộng lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf cho hay.
“Chúng tôi đang hoàn tất các gói trừng phạt, nhưng chúng sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế trong vài ngày tới”, bà Harf nói thêm.
Trước đó, EU cũng vừa thông qua một loạt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, nhưng hoãn thời gian thi hành trong vài ngày tới để mở cơ hội cho đàm phán.
Lệnh trừng phạt mới bao gồm mở rộng danh sách trừng phạt doanh nghiệp Nga bị cấm huy động vốn từ thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong đó có 3 tập đoàn quốc gia là Gazpromneft, Transneft và Rosneft.
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp quốc phòng như Oboronprom, United Aircraft và Uralvagonzavod.
EU cũng mở rộng cấm xuất khẩu công nghệ cho khách hàng Nga và áp lệnh cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản với 24 cá nhân quốc tịch Nga, trong đó gồm cá nhân có quan hệ với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine cũng như các quan chức, tài phiệt Nga.
Tuy nhiên, hiệu lực thi hành những lệnh trừng phạt trên được hoãn đến vài ngày tới để chờ những diễn biến ở Ukraine.
Chủ tịch EU Van Rompuy cho biết: “Tùy vào tình hình ở Ukraine, EU sẵn sàng xét lại toàn bộ lệnh trừng phạt đã thông qua”.
Tuần trước, các quan chức EU tuyên bố để ngỏ phương án dỡ lệnh trừng phạt nếu Nga hỗ trợ tìm kiếm, thực thi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Không chỉ có Mỹ và Eu, Canada cũng đã lên tiếng đe dọa sẽ thắt chặt lệnh trừng phạt với Nga trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn ở phía đông Ukraine không tiếp tục được tuân thủ.
Sau cuộc gặp với đại diện cấp cao phụ trách vấn đề đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton tại Ottawa, Ngoại trưởng Canada John Baird nói rằng: "Rõ ràng chúng tôi muốn thấy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Và đây là cơ hội để đưa ra một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, nếu nhiều hành động khiêu khích và khía cạnh tiêu cực xuất hiện, chúng tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga”.
Tháng trước, Canada đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới và ban lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức cấp cao của Nga, nhiều nhà chính trị Ukraine cùng các tổ chức có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga đã trả đũa Canada bằng cách áp đặt lệnh cấm vận chủ yếu nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu thịt lợn của quốc gia này.
Hôm 5/9, đại diện của Ukraine và các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng đã ký một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại cuộc họp của nhóm Liên lạc về Ukraine tại thủ đô Minsk, Belarus.
Ý kiến bạn đọc