Cuộc đối đấu kỳ lạ ở biên giới Trung-Ấn

11:04, 25/09/2014
|

(VnMedia) - Hồi đầu tháng này, quân đội Ấn Độ đóng tại một cao nguyên xa xôi ở Himalaya đã dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ làm đài quan sát mà từ đó họ có thể theo dõi "nhất cử nhất động" của binh lính Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Bước đi trên gây khó chịu cho quân đội Trung Quốc đến mức lực lượng này đào ngay một con đường trên khu vực lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi. Lính Trung Quốc đã đòi phía Ấn Độ phải gỡ bỏ ngôi nhà gỗ để họ đào đường. Ấn Độ từ chối, đồng thời thẳng thừng phá huỷ một phần con đường mới xây của Trung Quốc và nhanh chóng điều động thêm binh lính đến khu vực.
 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang tận dụng thời điểm này để thực hiện những cam kết về một chính sách an ninh quốc gia mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, khoảng 1.000 binh lính đến từ mỗi bên đang đối đầu không khoan nhượng ở Ladakh. Đây là bằng chứng cho thấy New Delhi không nhân nhượng dù đối đầu với một Trung Quốc hùng mạnh.
 
Chưa có viên đạn nào được bắn ra và lần cuối cùng nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này ở khu vực biên giới tranh chấp là từ cách đây 52 năm.
 
Tuy nhiên, giới chức quân sự Ấn Độ thừa nhận, tình hình ở khu vực Chumar thuộc Ladakh đang căng thẳng một cách bất thường. Điều này đã phơi bày thực tế về việc cuộc tranh chấp luôn “sôi âm ỉ” và lúc nào cũng trực chờ trào dâng ở khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân – Trung Quốc và Ấn Độ. Vấn đề tranh chấp biên giới lại đang trở lại trong chương trình nghị sự cấp cao nhất của Bắc Kinh và New Delhi.
 
Thủ tướng Modi – một người theo chủ nghĩa dân tộc vừa lên cầm quyền ở Ấn Độ hồi tháng 5, đã thể hiện một lập trường cứng rắn, quyết liệt và không e ngại khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đến Ấn Độ hồi giữa tháng 9. Ông Modi đã trực tiếp bày tỏ sự phản đối trước những vụ xâm nhập của binh lính Trung Quốc vào khu vực đường biên giới kéo dài 3.500km giữa hai nước trong cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình.
 
Sau đó, tại cuộc họp báo với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tuyên bố đầy cứng rắn rằng, sự ổn định và hoà bình ở khu vực biên giới là cần thiết để phát triển các mối quan hệ kinh tế song phương mà Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy.
 
Ông P. Stobdan – một cựu Đại sứ Ấn Độ và là một người gốc Ladakhi có sự hiểu biết rất rõ về cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tin rằng, ông đã nhìn thấy sự thay đổi trong lập trường, cách suy nghĩ của New Delhi. "Ngôi nhà gỗ đã trở thành mấu chốt của cuộc tranh chấp. Phía Trung Quốc đã vẽ ra một lằn ranh đỏ. Họ muốn dỡ bỏ ngôi nhà đó trước khi rút đi", ông Stobdan cho hay
 
Năm ngoái, Trung Quốc từng buộc Ấn Độ phải dỡ bỏ một ngôi nhà gỗ khác ở Chumar để đổi lấy việc chấm dứt cuộc đối đầu ở biên giới.
 
Tuy nhiên, "lần này, chính phủ mới dường như không có ý định nhượng bộ”, chuyên gia Stobdan đã nhận định như vậy.
 
Sau nhún nhường, Ấn Độ quyết "rắn" với Trung Quốc đến cùng
 
Từ đầu tháng 6, khi chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính phủ của Thủ tướng Modi đã thực hiện một loạt bước đi cứng rắn ở khu vực biên giới – nơi giới chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc từ lâu đã tìm cách “gặm nhấm” dần từng phần.
 
New Delhi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh dự án xây dựng 72 con đường chiến lược dọc khu vực biên giới để thu hẹp khoảng cách với mạng lưới đường xá phức tạp và hiện đại hơn rất nhiều mà phía Trung Quốc đã và đang xây dựng ở khu vực.
 
Ấn Độ đã xây dựng các đường băng, trong đó có một đường băng ở Daulat Beg Oldi nằm trên khu vực Ladakh năm 1962. Đây là năm xảy ra cuộc chiến tranh giữa hai nước Trung-Ấn ở khu vực biên giới.
 
Trong vài tháng qua, những chiếc máy bay C-130 Hercules mà Ấn Độ mua từ Mỹ đang liên tục thực hiện những cú hạ cánh ở đường băng cách Depsang khoảng 30km. Depsang là khu vực chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt kéo dài 21 ngày giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hồi năm ngoái. Khi đó, lính Trung Quốc đã hạ trại ở khu vực nằm sâu trong đường ranh giới ngừng bắn về phía Ấn Độ mà hai bên vạch ra sau cuộc chiến tranh năm 1962.
 
Ông V.K. Singh, Bộ trưởng phụ trách các bang ở đông bắc Ấn Độ của Thủ tướng Modi, cho biết, tình hình ở cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) chia cắt giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã không còn như trước. Các vụ xâm nhập từ cả hai bên đã xảy ra thường xuyên hơn bởi quân đội hai nước không nhất trí được với nhau về việc đường LAC chính xác nằm ở đâu. Thực tế này khiến việc tìm kiếm một giải pháp cuối cùng cho cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Trung-Ấn ngày càng trở nên xa vời hơn.
 
"Thỉnh thoảng (trong quá khứ), tôi cho rằng, vì các lý do chính trị hay lý do nào khác, chúng tôi đã nói OK và rời đi. Nhưng điều đó khiến cho vấn đề trở nên kéo dài dai dẳng hơn”, ông Singh thừa nhận.
 
Theo lời ông Singh, "bạn càng nhượng bộ thì điều đó càng khiến vấn đề kéo dài dai dẳng. Vì thế, đến một lúc nào đó bạn cần phải nói ‘hãy kiên quyết, không nhượng bộ’”, ông Singh cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
 
Ấn Độ đã thất bại trong cuộc chiến năm 1962 với Trung Quốc và từ đó, trong khi liên tục củng cố sức mạnh quân sự thông thường cũng như năng lực tên lửa và hạt nhân thì New Delhi vẫn tìm cách tránh những cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc ở khu vực biên giới. Hai bên đã có 17 vòng đàm phán về vấn đề này trong suốt hơn 2 thập kỷ qua nhưng tình hình hầu như vẫn chẳng có gì thay đổi.
 
Ông Hu Zhiyong – một nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, đã nói trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng, những động thái gần đây của chính phủ của Thủ tướng Modi trong việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị cho phía Ấn Độ ở đường LAC đã cho thấy một sự thay đổi khác hẳn trong lập trường của New Delhi.
 
"Chiến lược ‘tấn công’ đang được Ấn Độ áp dụng để giành lợi thế trên bàn đàm phán”, ông Hu đã nhận định như vậy. Thực tế là chính quyền ở New Delhi đã không còn giữ thái độ nhún nhường, né tránh đối đầu với Trung Quốc nữa.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc