Cuộc chiến Ukraine đã đã đi vào hồi kết?

20:01, 26/09/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (25/9) tuyên bố, phần nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã qua và bây giờ là thời điểm để ông này tập trung vào những cải cách nhằm đạt được các tham vọng to lớn.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Poroshenko


“Không nghi ngờ gì nữa phần chính và nguy hiểm nhất trong cuộc chiến đã đi qua. Tôi chắc chắn rằng, kế hoạch hoà bình của tôi đã phát huy hiệu quả”, Tổng thống Poroshenko đã tự tin nói như vậy với các phóng viên trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Kiev ngày hôm qua.
 
Tuy nhiên, thông điệp đầy lạc quan trên của ông Poroshenko đã nhanh chóng bị phủ bóng đen bởi thông tin về những vụ đụng độ mới nhất nổ ra giữa quân Kiev và lực lượng ly khai kèm theo đó là quyết định đầy thách thức của hai khu vực miền đông về việc sẽ tự tổ chức các cuộc bầu cử của riêng họ mà không tuân theo kế hoạch hoà bình do Nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra.
 
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 6, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố rằng, ông sẽ không bao giờ cho phép lực lượng ly khai cố thủ ở miền đông phá vỡ tham vọng của Kiev trong việc thoát ra khỏi vòng tay của Nga. Rõ ràng, ông Poroshenko đang cho thấy một quyết tâm rất lớn trong việc tiếp tục theo đuổi con đường kết thân với phương Tây. Điều này được thể hiện mạnh mẽ hơn trong gói các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội toàn diện mà Tổng thống Poroshenko vừa chính thức công bố ngày hôm qua. Gói biện pháp này có tên là Chiến lược 2020, trong đó ông Poroshenko cho biết sẽ “chuẩn bị đầy đủ để Ukraine có thể nộp đơn xin gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) trong vòng 6 năm nữa”.
 
Tham vọng gia nhập EU, NATO và quyết tâm dứt tình với Nga
 
Trong Chiến lược 2020 mà Nhà lãnh đạo Poroshenko đưa ra, ông này đã đặt mục tiêu rất tham vọng về việc sớm đưa Ukraine gia nhập vào EU và NATO.
 
Cụ thể, kế hoạch phục hồi của ông Poroshenko bao gồm 60 đề xuất nhằm tăng cường cơ hội gia nhập Liên minh Châu Âu cho Ukraine. Đây là một nỗ lực mà các nước thành viên EU giàu có hơn hiện nay thường đánh giá với cái nhìn thiếu tin tưởng.
 
Các đề xuất của Tổng thống Poroshenko bao gồm nỗ lực giải quyết triệt để nạn tham nhũng và tiến hành cải cách hệ thống tư pháp được cho là mục ruỗng vì tệ đút lót, hối lộ. Ông Poroshenko cũng cam kết sẽ giành vị thế “độc lập về năng lượng” cho Ukraine – ám chỉ đến việc chấm dứt sự phụ thuộc nặng nề hiện nay của Ukraine vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga.
 
Hiện tại, Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ về một mùa đông băng giá sau khi Nga cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho nước này từ hôm 16/6 vì cuộc tranh cãi không thể giải quyết liên quan đến giá cả khí đốt cũng như việc thanh toán khoản nợ khí đốt của Kiev cho Nga.
 
Cuộc tranh cãi về khí đốt cộng thêm những chi phí to lớn cho chiến dịch quân sự trong thời gian vừa qua và những vụ đóng cửa hàng loạt nền công nghiệp lớn ở miền đông đang khiến nền kinh tế của Ukraine lung lay đến tận gốc rễ. Tăng trưởng kinh tế của Ukraine được dự đoán sẽ giảm từ 7 đến 10% trong năm nay và viễn cảnh này đặt thêm sức ép lên Tổng thống Poroshenko ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 tới.
 
Tổng thống Poroshenko đã đáp trả những cáo buộc về việc ông này yếu đuối khi đối mặt với Nga bằng thông báo về kế hoạch đưa Ukraine gia nhập NATO – một bước đi mà điện Kremlin coi là sự thách thức trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Nga.
 
Ông Poroshenko đã tái khẳng định lại kế hoạch trên bằng tuyên bố được đăng tải trên Twitter ngày hôm qua rằng, ông này đã “chỉ đạo nội các huỷ bỏ vị thế không liên kết của Ukraine”.
 
Trong một động thái khác thể hiện sự quyết tâm của Tổng thống Poroshenko trong việc “dứt tình” với Moscow, ông này đang có ý định đóng cửa tạm thời biên giới giữa Ukraine và Nga.
 
Cả Kiev và các đồng minh phương Tây đều cáo buộc Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine bằng cách cung cấp binh lính tinh nhuệ và vũ khí hạng nặng.
 
Trong bối cảnh trên, Nhà lãnh đạo Poroshenko hôm qua đã chỉ đạo cho chính phủ Kiev chuẩn bị phương án đóng cửa tạm thời khu vực biên giới kéo dài 2.000km với Nga trong một nỗ lực được miêu tả là nhằm chấm dứt “sự can thiệp” vào công việc nội bộ của Ukraine.
 
Một nguồn tin an ninh cấp cao của Ukraine cho rằng, các biện pháp an ninh ở biên giới với Nga sẽ gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động giao thông đường bộ giữa hai nước và biện pháp này sẽ “sớm” được đi vào thực thi.
 
Quyết định của Tổng thống Poroshenko được cho là sẽ gây ảnh hưởng thêm nữa đến cơ hội phục hồi của đất nước Ukraine khi làm cản trở đến hoạt động thương mại giữa hai nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhau và cũng làm gia tăng khả năng Nga áp dụng các biện pháp trả đũa mạnh tay với hành động phũ phàng từ Kiev.
 
Cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine xem ra vẫn còn cực kỳ phức tạp bất chấp những nỗ lực tìm kiếm hòa bình đang tiến triển khả quan ở miền đông Ukraine. Nga đã đóng góp tích cực cho tiến trình tiến đến đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng. Tuy nhiên, nỗ lực của Moscow dường như không được ghi nhận khi Kiev cùng phương Tây tiếp tục có những phát biểu mang đầy tính chỉ trích, lên án và cả những cảnh báo nhằm vào Nga. Lãnh đạo nhóm nước G7 hôm qua cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ tung ra thêm đòn trừng phạt nhằm vào Nga nếu các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine không chấm dứt.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc