Chiến tranh Nga, NATO sắp bùng nổ?

06:43, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Kế hoạch lập lực lượng phản ứng nhanh mũi nhọn nhằm đối phó với Nga của NATO cộng thêm với ý định của điện Kremlin trong việc tuyên bố NATO là “đối thủ” của Nga có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh nóng giữa Nga và NATO.
 

Ảnh minh họa

Lực lượng NATO trong một cuộc tập trận


Khi NATO đi “nước cờ” thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh mang tính biểu tượng có khả năng được triển khai nhanh chóng đến gần biên giới Nga và điện Kremlin có kế hoạch điều chỉnh chính sách quân sự theo hướng công khai xác định NATO là một đối thủ thì nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn đang thực sự hiện hữu.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 3/9 đã đến thăm Estonia – một nước Baltic nhỏ là thành viên của NATO và có 1/3 dân số là người gốc Nga. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng đã phát đi thông điệp rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Moscow nhằm gây bất ở ở các nước láng giềng với lý do “để bảo vệ đồng bào” đều sẽ không được phép. Thực tế hơn, Tổng thống Obama đã cam kết sẽ đưa thêm binh lính và máy bay vào khu vực Baltic, có thể là đóng tại Căn cứ Không quân Amari của Estonia. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Wales, Mỹ được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy các đồng minh thông qua việc thực thi ý tưởng thành lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm 4.000 quân cho khu vực Đông Âu. Số quân này sẽ được triển khai đến nhiều “trung tâm tiếp nhận” cố định nằm rải rác ở 3 quốc gia Baltic và Ba Lan.
 
Những biểu tượng nguy hiểm
 
Mặc dù những bước đi trên được cho là phần lớn mang tính biểu tượng nhưng chúng có khả năng gây ra rất nhiều nguy cơ.
 
Nga tuyên bố rằng, việc NATO triển khai binh lính, vũ khí ở gần họ sẽ là một hành động vi phạm Đạo luật Sáng lập Nga-NATO năm 1997. Đạo luật này nhấn mạnh, Nga và NATO không được xem nhau là đối thủ và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cam kết không triển khai lực lượng ở những quốc gia thành viên NATO mới nằm gần biên giới với Nga.
 
"Mỹ và NATO đã thay đổi rất nhiều thực tế trong những năm qua và Nga đã phản  ứng lại”, ông Viktor Litovkin -  một chuyên gia quân sự thuộc hãng tin Itar TASS cho biết. “Mỹ tiếp tục hậu thuẫn cho các cuộc cách mạng màu chống lại Moscow ở những quốc gia cựu Xô-viết và lực lượng NATO đang tiến ngày một gần đến biên giới của chúng tôi”, ông Litovkin tố cáo.
 
Câu trả lời của điện Kremlin có thể sẽ là sự điều chỉnh, sửa đổi toàn diện chính sách quân sự của Nga, trong đó sẽ xác định rõ ràng NATO là một đối thủ của Nga. Kèm theo sự thay đổi chính sách này sẽ là các hoạt động sắp xếp, bố trí lại lực lượng và các hệ thống phòng không ở bên trong lãnh thổ của Nga theo hướng gần với Châu Âu hơn. Moscow cũng có thể triển khai một lượng lớn tên lửa tầm ngắn chiến thuật Iskander cùng rất nhiều vũ khí tấn công khác ở Kaliningrad thuộc vùng Baltic. Đây là khu vực áp sát với một số quốc gia thành viên của NATO.
 
“Học thuyết quân sự” của Nga là một tài liệu thực tế trong đó xác định những lực lượng mà Moscow xem là đối thủ tiềm năng, những thách thức chiến lược trong tương lai đối với Nga và các biện pháp, cách thức mà lực lượng an ninh Nga sẽ thực thi để đối phó các mối đe dọa đó hoặc tham gia một cuộc chiến tranh nếu thấy cần thiết. Học thuyết quân sự Nga được sửa đổi mới nhất năm 2010 và bản học thuyết này kêu gọi Nga tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Học thuyết quân sự Nga cũng cảnh báo về nỗ lực của những cường quốc thù địch nhằm tìm cách thay đổi chế độ, chính quyền ở các nước láng giềng cựu Xô-viết của Nga như Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc NATO có thể triển khai thêm quân gần biên giới Nga. Tuy nhiên, đến giờ, học thuyết quân sự của Nga vẫn chưa xác định liên minh NATO là đối thủ của mình.
 
Căng thẳng Nga-NATO leo thang
 
Hôm 3/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của điện Kremlin – ông Mikhail Popov đã cam kết rằng, việc Nga điều chỉnh chính sách quân sự sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Ông Popov ám chỉ, sự thay đổi then chốt nhất sẽ liên quan đến thái độ của Nga với NATO trong bối cảnh Mỹ và các lực lượng đồng minh đang tiến dần về phía đông. "Chúng tôi coi nhân tố có tính quyết định trong mối quan hệ giữa Nga và NATO sẽ vẫn là việc Moscow không chấp nhận kế hoạch mở rộng của NATO ra sát biên giới của chúng tôi”, ông Popov nhấn mạnh.
 
"Tất cả mọi người đang lợi dụng tình hình hiện nay theo cách làm leo thang căng thẳng một cách cổ điển theo vòng xoáy trôn ốc", ông Alexander Konovalov – Chủ tịch Viện Đánh giá Chiến lược ở Moscow nhận định. Theo ông này, “các nước Baltic muốn NATO triển khai quân trên đất của họ. Thậm chí dù cho đó là một lực lượng nhỏ chỉ mang tính biểu tượng thì đó cũng là một lời bảo đảm rằng NATO sẽ hành động ngay lập tức nếu Nga tấn công họ. Mỹ thì muốn NATO trở nên mạnh hơn và muốn các nước Châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quân sự, vì thế tình hình sẽ có lợi cho Washington. Và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga thích điều này bởi với họ đó là ‘bằng chứng’ về những ý định hung hăng, gây hấn của NATO”.
 
"Những người có tư tưởng cứng rắn, diều hâu ở các bên đang lợi dụng tình hình và đang sử dụng nó để thay đổi thực tế mà chúng ta tất cả đều từng nghĩ là sẽ kéo dài. Thậm chí nếu cuộc khủng hoảng Ukraine kết thúc vào ngày mai, nó cũng đã để lại một thế giới rất khác đằng sau nó”, ông Konovalov cho hay.
 
Những động lực của cuộc Chiến tranh Lạnh đang trở lại và nguy cơ là những cuộc khẩu chiến nóng bỏng qua lại cùng với những động thái mang tính biểu tượng được tung ra ngày hôm nay có thể trở thành “dây dẫn báo hiệu” cho một thảm họa vào ngày mai, giới các nhà phân tích đã chia sẻ một nhận định chung như vậy.


Kiệt Linh - (theo CMS)

Ý kiến bạn đọc