Các nước Đông Âu cay đắng, vỡ mộng về NATO

06:52, 05/09/2014
|

(VnMedia) - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra lời bảo đảm mạnh mẽ với các nước thành viên Đông Âu của liên minh về việc sẽ bảo vệ họ trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga. Tuy nhiên, Ba Lan và các nước Baltic đang tìm kiếm hành động hơn là những lời nói “hoa mỹ, đao to búa lớn”. Các nước này muốn NATO đặt căn cứ quân sự thường trú trên lãnh thổ của họ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Trong khi lời đề nghị từ Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Wales thì các nước có ảnh hưởng lớn nhất của Châu Âu như Đức và một số thành viên khác của NATO hoàn toàn phản đối đề nghị của Ba Lan và các nước Baltic nói trên. Đức và một số thành viên NATO đưa ra lập luận, việc thực hiện theo đề nghị đó sẽ là hành vi vi phạm thỏa thuận mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã ký với Nga năm 1997, theo đó NATO đã cam kết sẽ không triển khai “các lực lượng chiến đấu đáng kể” ở khu vực Trung và Đông Âu.
 
Tuy nhiên, các nước thành viên NATO ở Đông Âu nghi ngờ thỏa thuận với Nga chỉ là một vỏ bọc cho việc liên minh quân sự này không muốn phá hoại thêm nữa mối quan hệ kinh tế Nga-NATO. Với Ba Lan, nước này đưa ra lập luận rằng, cái gọi là Thỏa thuận Sáng lập Nga-NATO năm 1997 đã bị vô hiệu sau khi Nga tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
 
Phát biểu ở thủ đô Tallinn của Estonia, Tổng thống Obama tuyên bố hôm 3/9 rằng: "Các bạn đã từng mất độc lập trước đây một lần. Với NATO, các bạn sẽ không bao giờ mất điều đó một lần nữa”. Trong khi phát biểu này của ông chủ Nhà Trắng là một thông điệp mang lại sự phấn khích cho Ba Lan và các quốc gia Baltic thì ông này lại không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về kế hoạch hành động của Mỹ và NATO để ủng hộ cho lời phát biểu đó.
 
Trong khi đó, Đức lại nó rất rõ ràng và cụ thể về lập trường của họ. Ở Latvia hồi tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố, “sẽ không có bất kỳ sự đóng quân thường trú nào của NATO” trên khu vực phía đông của liên minh. Trong khi tuyên bố rằng bà rất hiểu nỗi quan ngại của các nước thành viên NATO ở phía đông nhưng Thủ tướng Đức nhấn mạnh, “chúng ta có Đạo luật Sáng lập Nga-NATO mà trong lúc này tôi không muốn vượt qua”.
 
Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak dường như đã thừa nhận rằng, hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào 2 ngày 4 và 5/9 sẽ nhất trí về các biện pháp ít quyết liệt hơn so với mong muốn của họ, như việc đưa quân NATO vào khu vực trên cơ sở luân phiên và triển khai sẵn các nguồn lực ở đó để NATO có thể phản ứng nhanh chóng hơn nếu bị tấn công. "Khái niệm này ổn với chúng tôi. Chúng tôi không muốn quá chú trọng vào từ “thường trú”,'" Bộ trưởng Siemoniak đã cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Rzeczpospolita.
 
Giới lãnh đạo NATO được cho là sẽ nhất trí thành lập một lực lượng phản ứng nhanh – một đơn vị quân đội có khả năng triển khai nhanh chóng đến khu vực Đông Âu khi cần thiết. Kế hoạch này bao gồm việc bố trí sẵn thiết bị và các cơ sở hậu cần trong khu vực để giúp NATO có thể phản ứng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, số quân lính mà NATO dự định triển khai ở Đông Âu sẽ ít hơn hai sư đoàn chiến đấu hạng nặng mà Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski kêu gọi hồi mùa xuân. Và đương nhiên nhiều nước Đông Âu không khỏi không cảm thấy cay đắng.
 
Nhiều người Ba Lan cảm thấy rằng phương Tây đang đối xử với họ như là thành viên hạng hai của NATO nhằm để “ve vuốt” Nga. Và những người này cho rằng, đó là điều không công bằng khi Ba Lan giúp quân đồng minh bằng cách gửi quân đến Afghanistan và Iraq nhưng lại bị NATO từ chối cung cấp sự đảm bảo về an ninh mà họ cảm thấy cần thiết.
 
Giới lãnh đạo Ba Lan trong nhiều tháng qua đã đưa ra lập luận rằng, thật là vô ích khi NATO duy trì các căn cứ lớn ở những nơi như Đức và Italia, rất xa so với cái mà họ coi là mối đe dọa hiện hữu, trong khi lại không có căn cứ nào ở sườn phía đông của NATO – nơi họ cho là mối đe dọa từ Nga đang tăng lên.
 
Ba Lan chỉ muốn cái mà Tây Đức có trong thời Chiến tranh Lạnh khi binh lính Mỹ đóng ngay tại đó như một cách để răn đe lực lượng hùng hậu của Liên Xô ở Đông Đức. "Tôi không có ý nói rằng đây là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay là chúng ta đang quay trở lại cái kiểu đối đầu đó. Tuy nhiên, lực lượng mà chúng tôi đòi hỏi chỉ bằng 1% so với thời Tây Đức có những năm 1980”, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.
 
Ngoài ra, có một điều chắc chắn là những nước thành viên NATO đang gặp khó khăn về tài chính cũng không hề muốn đặt những căn cứ thường trú có thể tồn tại nhiều năm, nhiều thập kỷ ở Đông Âu. Và những nước hiện đang có căn cứ NATO cũng không muốn từ bỏ công việc và các lợi ích kinh tế  khác mà những căn cứ này mang lại. Ví dụ, việc chuyển một căn cứ của NATO ở Aviano, Italia sang Đông Âu sẽ gây ảnh hưởng cho Italia trong bối cảnh nước này đang phải chật vật đối phó với sự suy thoái của nền kinh tế.
 
Sẽ là thiếu sót khi không kể đến lý do, nhiều nước NATO thực sự không muốn chọc giận cường quốc Nga bởi điều đó hoàn toàn không có lợi cho họ.
 
Với những lý do trên, rõ ràng, các nước Baltic và Ba Lan khó tránh khỏi cảm thấy vỡ mộng về liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc