(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (11/9) đã chính thức quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga bất chấp việc những “đòn đánh” đó gây hậu quả “gậy ông đập lưng ông” đối với chính họ.
|
Gói biện pháp trừng phạt mới sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính của Nga, đánh vào ngành dầu mỏ then chốt của Nga đồng thời hạn chế hàng xuất khẩu công nghệ cao cũng như phong toả tài sản và cấm đi lại với thêm một số quan chức Nga.
Nhiều quốc gia thành viên EU thực sự miễn cưỡng với việc phải áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì sợ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Moscow. Tuy nhiên, sau những chần chừ, trì hoãn, lãnh đạo các nước thành viên EU cuối cùng cũng được phá vỡ được thế bế tắc trong lập trường với Nga kéo dài 10 ngày qua bằng một thoả thuận mang tính nhượng bộ giữa 28 thành viên EU trong cuộc họp ngày hôm qua.
Theo thoả thuận nhượng bộ được đưa ra bởi Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, các biện pháp trừng phạt mới và hà khắc nói trên có thể được dỡ bỏ trong vài tuần nếu lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine tiếp tục được duy trì.
Các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực trong ngày hôm nay (12/9) sau khi có thông báo trên công báo của liên minh, tuyên bố của EU cho biết.
Gói lệnh trừng phạt mới sau nhượng bộ sẽ cắt giảm lệnh cấm EU cung cấp các khoản vay và tín dụng cho các thực thể Nga từ thời hạn hơn 90 ngày xuống còn hơn 30 ngày và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính của Nga. Đòn trừng phạt này có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang trì trệ của Nga.
Ngoài “đánh” vào 5 trong số những ngân hàng lớn nhất của Nga, EU tuyên bố, các biện pháp giới hạn về tài chính cũng sẽ tác động đến 3 công ty quốc phòng lớn và 3 công ty dầu mỏ lớn của Nga. Tên của những thực thể mục tiêu này sẽ được công bố chính thức trong ngày hôm nay.
Những mặt hàng công nghệ cao có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự cũng sẽ bị hạn chế xuất khẩu sang Nga. Ngoài ra, có thêm 24 cá nhân, trong đó có nhiều nhân vật trong giới ra chính sách và giới tài phiệt của Nga cũng như lãnh đạo lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, sẽ bị cấm đi lại đến 28 quốc gia thành viên EU và bị phong toả tài sản ở EU nếu có. Như vậy, tổng số các cá nhân Nga thuộc diện bị EU trừng phạt trong các gói lệnh trừng phạt liên tiếp trong thời gian vừa qua đã lên tới 119 người.
Trên thực tế, EU không hề muốn trừng phạt Nga bởi liên minh này có mối quan hệ kinh tế rất gắn bó, chặt chẽ với Nga. Moscow là nhà cung cấp khí đốt quan trọng của nhiều quốc gia EU và là đối tác thương mại lớn thứ ba của liên minh. Những biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và EU đã làm tổn thương rất lớn đến cả hai bên. Trong khi đó, với Mỹ, mọi việc khác hẳn. Mỹ không có mối quan hệ kinh tế, thương mại lớn với Nga nên các biện pháp trừng phạt của hai bên không gây ra mấy tác động.
Mỹ sẽ công bố đòn trừng phạt mới với Nga trong ngày hôm nay
Sau EU, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cho biết, ông cũng sẽ tham gia cùng “mặt trận” với EU trong việc tung ra vòng trừng phạt mới đối với Nga. Cũng như EU, Mỹ sẽ nhằm vào ngành kinh tế then chốt của Nga gồm tài chính, năng lượng và quốc phòng.
Mỹ được cho là sẽ thông báo chi tiết về những đòn trừng phạt mới của họ nhằm vào Nga trong ngày hôm nay (12/9).
“Chúng tôi sẽ làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga. Những biện pháp đó sẽ giúp tăng cường sự cô lập chính trị đối với Nga cũng như bắt Nga phải trả giá thêm về mặt kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin và những người thân cận với ông ấy”, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ cáo buộc Nga đưa lực lượng vũ t rang hạng nặng vào Ukraine. Tổng thống Obama cũng nói thêm rằng, Mỹ có thể rút các biện pháp trừng phạt nếu Nga tuân theo các nghĩa vụ quy định trong thoả thuận ở Minsk.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kể từ khi lệnh ngừng bắn và thoả thuận ở Minsk được thông báo, nhưng chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ cho thấy Nga đã ngừng nỗ lực gây bất ổn ở Ukraine. Nếu Moscow tuân thủ nghiêm túc các cam kết, những biện pháp trừng phạt đó sẽ dược gỡ bỏ”, ông Obama tuyên bố.
Dù các chi tiết chưa được công bố nhưng một số nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ, trong đợt trừng phạt mới này, Mỹ có ý định nhằm vào ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank, và thắt chặt các hạn chế đối với những ngân hàng khác của Nga.
Lâu nay, Mỹ, phương Tây và Kiev thường xuyên hướng mũi dùi chỉ trích và đổ lỗi vào Moscow về tình hình bất ổn ở Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc về sự liên quan của nước này đến tình hình ở nước láng giềng nhưng Mỹ và phương Tây vẫn tung ra không ít biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người khó hiểu hơn là Mỹ và EU lại đồng loạt ra tay với Nga trong bối cảnh tình hình Ukraine đang có nhiều tiến triển lạc quan khi lệnh ngừng bắn được thực thi từ hôm 5/9 về cơ bản đang được duy trì. Bản thân nhiều quan chức EU cũng lên tiếng kêu gọi tạm ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga để tạo cơ hội cho một lệnh ngừng bắn.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc