(VnMedia) - Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng thì giới quan sát viên quốc tế cũng ngày càng trở nên lo ngại hơn về khả năng xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Một khi có một cuộc đụng độ vũ trang như vậy bùng lên thì rất có thể nó sẽ lan rộng ra toàn cầu và việc một cuộc chiến tranh thế giới mới nổ ra không phải là không thể. Đây là nhận định vừa được đưa ra trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc – một tờ báo vốn nổi tiếng với những quan điểm diều hâu.
Ảnh minh hoạ |
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 15/9, chiến tranh thế giới là một hình thức chiến tranh mà cả thế giới phải đối mặt. Trong quá trình tiến hoá của loài người, thế giới đã bước vào giai đoạn 3 của sự phát triển.
Giai đoạn đầu diễn ra giữa các xã hội du cư và nông nghiệp. Giai đoạn hai có đặc điểm là những cuộc chiến tranh thuộc địa với hai “đại diện đặc biệt” là cuộc Chiến tranh Thế giới thứ I và Chiến tranh Thế giới thứ II.
Hiện nay, thế giới bước vào thời kỳ của những hình thức chiến tranh toàn cầu mới. Vũ trụ, Internet và biển đã trở thành chiến trường mới giữa các đối thủ. Công nghệ là chìa khoá và số nước tham gia lớn chưa từng có.
Cuộc đối đầu trên vũ trụ và Internet diễn ra với cuộc chiến trên biển là trọng tâm. Trong thế chiến II, một số cường quốc đã đặc biệt coi trọng đến biển và hàng hải.
Ông Alfred Thayer Mahan – một nhà chiến lược quân sự người Mỹ qua đời năm 1914, là người đầu tiên nói đến khái niệm sức mạnh trên biển. Ông Mahan ủng hộ việc tập trung phát triển lực lượng hải quân, hạm đội thương mại và căn cứ quân sự ở nước ngoài để phục vụ cho những cuộc chiến tranh trên mặt đất. Tuy nhiên, ngày nay, người ta lại nhấn mạnh đến sức mạnh trên biển. Trong cuộc cạnh tranh tranh giành không gian trên biển hiện nay trên thế giới, người ta chứng kiến những cuộc đối đầu ác liệt nhất ở biển Bắc Cực, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Rất có thể sẽ có một cuộc chiến tranh thế giới thứ III để tranh giành nhau các quyền lợi trên biển, tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Hung hăng kêu gọi chuẩn bị cho Thế chiến III
Theo tác giả bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu, trong bối cảnh như hiện nay khi chiến tranh thế giới có thể bùng nổ, “quân đội Trung Quốc cần phải tập trung vào một chủ đề quan trọng là làm thế nào để phát triển sức mạnh nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Mục tiêu này nên trở thành nền tảng cho sự phát triển bởi vì kể từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, chính sách phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc mới chỉ tập trung xung quanh việc bảo vệ các lợi ích trên đất liền. Khi sự đối đầu trên biển tăng lên, sự phát triển của quân đội Trung Quốc cần phải được chuyển từ việc duy trì các quyền lợi trên đất liền sang duy trì các quyền lợi trên biển”, tác giả bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã kêu gọi như vậy.
Được biết, tác giả bài viết kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới là một giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Tiếp tục quan điểm trên, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời của vị giáo sư Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang đứng ở tiêu điểm của các cuộc tranh chấp. “Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải phát triển sức mạnh quân sự dựa trên tính toán về một cuộc chiến tranh toàn cầu. Trung Quốc đứng ở trung tâm của biển Bắc Cực, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
“Sự phát triển sức mạnh hàng hải của Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo ngại. Trung Quốc cần phải phát triển sức mạnh quân sự để tránh bị dồn vào tình thế bị động. Lợi ích bên ngoài của Trung Quốc trải khắp toàn cầu. Khi Mỹ chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt nhằm vào Trung Quốc, thì các lợi ích của Trung Quốc ở bên ngoài đang bị đe doạ bởi Mỹ”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Sau những phân tích như trên, tờ báo của Trung Quốc cho rằng, “không có sức mạnh quân sự ở quy mô lớn, việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở bên ngoài sẽ chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu thừa nhận, sức mạnh chiến đấu ở bên ngoài và tầm xa của Trung Quốc còn rất hạn chế. Vì thế, tờ báo này cho rằng, nếu Trung Quốc không nhìn xa trong vấn đề phát triển lực lượng trên biển và trên không, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hạn chế khác nhau khi củng cố năng lực trên biển và trên không cũng như khi bảo vệ lợi ích ở bên ngoài. Điều đó sẽ dẫn đến sự tụt hậu của lực lượng trên biển và trên không của Trung Quốc.
“Trung Quốc không nên để bị đẩy vào tình thế bị động khiến mình dễ bị tấn công. Trung Quốc phải luôn nghi nhớ trong đầu về một cuộc chiến tranh thế giới thứ III khi phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân”, tác giả của bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu đã hung hăng đưa ra lời kêu gọi như vậy.
Những quan điểm đưa ra trên tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của tờ China Daily thuộc sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc – một lần nữa lại khiến người ta lo ngại về quan điểm ngày một hung hăng, hiếu chiến của nhiều chuyên gia, quan chức Trung Quốc hiện nay.
Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nước láng giềng xung quanh nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung khi duy trì một lập trường cứng rắn, quyết liệt và hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở trên biển và trên đất liền. Trung Quốc đang cho thấy, họ sẵn sàng dùng sức mạnh, vũ lực để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh hải, lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp.
Ý kiến bạn đọc