(VnMedia) - Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ bằng hàng trăm tỉ USD, vượt xa nhiều lần so với con số cam kết của Nhật Bản với New Delhi. Tuy nhiên, có vẻ như cả “núi tiền” này không làm thay đổi tình hình khi Ấn Độ vừa mới đây đã thẳng thừng lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến New Delhi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Quyết vượt Nhật Bản, Trung Quốc hứa hẹn đầu tư hàng trăm tỉ USD cho Ấn Độ
Một Trung Quốc dồi dào tiền bạc đang tìm cách “qua mặt” Nhật Bản bằng cách cam kết đầu tư hàng trăm tỉ USD vào các ngành đường sắt, sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Lời cam kết được cho là “béo bở” này dự kiến sẽ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm đầu tiên của ông này đến đất nước Ấn Độ trong tuần này.
Theo lịch trình, ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Ấn Độ vào ngày mai (17/9). Khi chuyến công du đến New Delhi của Chủ tịch Tập Cận Bình càng đến gần thì giới chức Trung Quốc càng nói nhiều đến việc Bắc Kinh quyết định tăng cường đầu tư vào Ấn Độ - một điểm đến được cho là an toàn hàng đầu cho giới đầu tư. Trung Quốc được cho là đang nóng lòng muốn đổ cả núi tiền vào Ấn Độ sau khi đối thủ Nhật Bản cam kết đầu tư 35 tỉ USD cho New Delhi trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thủ đô Tokyo cách đây không lâu.
Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ra bên ngoài. Năm ngoái, khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt con số 90 tỉ USD nhưng đầu tư của nước này sang nước láng giềng Ấn Độ lại ở một con số cực kỳ khiêm tốn, chỉ 400 triệu USD, hầu hết là ở Gujarat, bất chấp việc Ấn Độ là một thị trường lớn.
Dữ trự ngoại hối của Trung Quốc đang lớn nhất thế gới với mức kỷ lục đạt được tính đến hồi tháng 3 vừa rồi là 3,95 nghìn tỉ USD. Bắc Kinh dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài khoảng 500 tỉ USD trong vòng 5 năm tới – một phần lớn trong số này được cho là sẽ tìm đường đến Ấn Độ.
Trung Quốc đang tích cực xem xét đầu tư vào các kế hoạch tham vọng của Ấn Độ trong việc xây dựng các đường sắt cao tốc.
Giới chức Trung Quốc cho biết, nước này có thể cam kết trong khoảng từ 100 đến 300 tỉ USD cho kế hoạch hiện đại hóa đường sắt của Ấn Độ bằng cách thay thế những hệ thống đường sắt cũ bằng hệ thống cao tốc đồng thời phát triển nhà ga cũng như xây dựng các khu công nghiệp và đầu từ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.
Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Bất chấp những lời hứa hẹn trên, Ấn Độ hôm nay (16/9) đã thẳng thừng cảnh báo rằng nước này sẽ bảo vệ chắc chắn đường biên giới kéo dài 3.500km với Trung Quốc sau khi báo chí đưa tin về một cuộc đối đầu mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hơn 200 binh lính thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ Ladakh của Ấn Độ ở phía tây dãy núi Himalaya hồi tuần trước và đã sử dụng máy ủi, cần cẩu và một xe Hummer để xây một con đường kéo dài 2km trong khu vực này, tờ Hindustan Times đưa tin.
Binh lính Ấn Độ đã đối đầu với binh lính Trung Quốc đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc rút đi. Sau đó, vào đêm ngày 10/9, các binh lính Ấn Độ đã phá hủy con đường mà lực lượng Trung Quốc dựng lên trước đó.
Vụ việc trên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến nỗ lực của giới chức Trung Quốc trong việc tìm cách ve vãn nước láng giềng Ấn Độ. Nó cũng một lần nữa làm nổi rõ thực tế về mối quan hệ vốn không mấy êm đẹp giữa hai cường quốc lớn hàng đầu Châu Á.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã bị phủ bóng đen bởi những nghi kỵ, hoài nghi lẫn nhau về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Himalaya – nơi hai nước từng có một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ cáo buộc, Trung Quốc đang tăng cường xâm nhập bất hợp pháp vào biên giới của họ. Theo New Delhi, trong hai năm qua, số lần Trung Quốc xâm phạm biên giới Ấn Độ tăng vọt và điều đó chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng trở nên quyết tâm hơn trong tham vọng lấn chiếm lãnh thổ của Ấn Độ. Cụ thể, số lần Trung Quốc bị tố xâm nhập biên giới của Ấn Độ từ đầu năm đến tháng 8 vừa rồi đã lên tới 334 lần.
Trung Quốc tất nhiên luôn bác bỏ cáo buộc trên bởi Bắc Kinh đang đòi chủ quyền một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở khu vực biên giới.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới, Bắc Kinh trong những năm qua cũng tăng cường thiết lập các cơ sở cầu cảng, căn cứ ở khắp khu vực Nam Á như Pakistan và Sri Lanka, làm dấy lên quan ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách bao vây Ấn Độ - đối thủ hàng đầu của họ ở khu vực.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với thương mại hai chiều đạt tới 70 tỉ USD nhưng mức thâm hụt thương mại mà Ấn Độ phải gánh chịu trong quan hệ với Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 40 tỉ USD từ mức chỉ 1 tỉ USD trong giai đoạn 2001-02.
Với những lý do trên, mối quan hệ Trung-Ấn liên tiếp vấp phải sóng gió.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc