(VnMedia) - Một quan chức hàng đầu ở Kiev hôm qua (25/8) tố cáo, một đoàn xe tăng và xe bọc thép của Nga đã rầm rập băng qua biên giới, tiến vào khu vực đông nam Ukraine – nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai.
|
Đại tá Andriy Lysenko – một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, đã nói với giới phóng viên rằng, một đoàn gồm 10 xe tăng, 2 xe bọc thép và 2 xe tải của Nga đã đi qua khu vực biên giới ở gần Shcherbak và tiến vào khu vực đông nam Ukraine – gần thành phố Novoazovsk. Theo lời ông Lysenko, đoàn xe tăng và xe bọc thép của Nga mang theo những lá cờ của lực lượng ly khai miền đông Donetsk.
Kiev thậm chí còn tuyên bố, lực lượng của họ đã đụng độ với đoàn xe bọc thép đi từ biên giới Nga vào lãnh thổ của họ. Một phát ngôn viên của quân đội Ukraine cho hay, lực lượng biên phòng của họ đã chiến đấu với “nhiều tá” xe bọc thép đi xuyên qua biên giới vào khu vực miền đông nam Ukraine và đang hướng tới thành phố Mariupol do chính phủ kiểm soát.
Nếu được xác nhận, diễn biến trên sẽ được coi là một bước ngoặt đầy nguy hiểm trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thẳng thừng những thông tin trên đồng thời chỉ trích tình trạng đưa thông tin sai lệnh trên báo chí phương Tây và Ukraine nhằm đánh lạc hướng dư luận. "Tôi không nghe thấy thông tin nào như vậy nhưng đã có quá đủ những thông tin sai lệch về sự xâm lược của chúng tôi. Không còn nghi ngờ gì nữa một số tờ báo nước ngoài sẽ đưa những thông tin này vào bản tin ngày mai”.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, phương Tây và Kiev liên tục đổ lỗi cho Nga về tình hình diễn biến ở nước láng giềng, đặc biệt là cuộc chiến đang diễn ra ở miền đông giữa quân Kiev và lực lượng ly khai. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine bằng cách giúp đào tạo binh lính đồng thời cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự. Chưa hết, phương Tây còn nhiều lần tố cáo rằng, Nga đang dồn quân đến khu vực biên giới để sẵn sàng cho một cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine. Cùng với những cáo buộc của giới chức phương Tây, báo chí phương Tây và Kiev đã đưa rất nhiều thông tin gây bất lợi cho Nga.
Moscow bác bỏ những cáo buộc trên và yêu cầu phương Tây đưa ra những bằng chứng để chứng minh. Tuy nhiên, cho đến nay, phương Tây chưa từng đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để chứng tỏ những cáo buộc của họ là đúng sự thật. Gần đây nhất, khi Nga đưa đoàn xe viện trợ vào miền đông Ukraine, giới chức cùng giới báo chí phương Tây và Kiev liên tục cáo buộc đây là “vỏ bọc” cho một cuộc xâm lược Ukraine hay là “vỏ bọc” để Nga tuồn vũ khí vào cho lực lượng ly khai miền đông. Thậm chí, một số tờ báo phương Tây đã ra đưa những thông tin kiểu như phát hiện vũ khí trong chuyến hàng nhân đạo của Nga. Tuy nhiên, dù Nga đã để cho giới chức Kiev và các tổ chức nước ngoài kiểm tra, giám sát hàng viện trợ của họ, phương Tây vẫn không thể tìm được bằng chứng nào chứng minh cho những hoài nghi và cáo buộc của họ.
Ngay sau khi đưa hàng viện trợ nhân đạo vào miền đông Ukraine, đoàn xe của Nga đã nhanh chóng trở về, điều này được cho là khiến Kiev và phương Tây hổ thẹn bởi trước đó họ đã đưa ra quá nhiều cáo buộc, hoài nghi về động cơ của Nga trong nhiệm vụ nhân đạo lần này.
Hy vọng hòa bình?
Những diễn biến căng thẳng xung quanh lời cáo buộc về đoàn xe tăng và xe bọc thép của Nga được tung ra ngay trước thềm cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. Cuộc gặp này dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (26/8) ở Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho biết.
Cuộc gặp nói trên giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Poroshenko được xem là một cơ hội hiếm hoi để hai bên tìm cách làm dịu căng thẳng trong khu vực sau hơn 4 tháng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Kiev và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, khiến hơn 2.200 người thiệt mạng.
Tổng thống Poroshenko đã cam kết sẽ “nói chuyện hòa bình” với Nhà lãnh đạo Nga Putin nhưng nhấn mạnh việc rút lực lượng ủng hộ Kremlin ra khỏi miền đông Ukraine sẽ là cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng ở nước này.
Trước thềm cuộc gặp gỡ trên, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tỏ ra không mấy kỳ vọng vào một bước đột phá trong cuộc hội đàm lần này giữa Tổng thống Putin và Poroshenko khi chỉ nói rằng, cuộc gặp sẽ “tạo điều kiện để hai bên trao đổi ý kiến về tình hình liên quan đến các nỗ lực nhằm khởi động tiến trình chính trị cho việc giải quyết khủng hoảng”.
Áp lực quốc tế đang đè nặng lên cả Moscow và Kiev. Người ta mong muốn Kiev và Moscow có những thỏa hiệp, nhượng bộ khi mà cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đẩy Đông-Tây rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm đến Kiev hồi cuối tuần vừa rồi đã kêu gọi hai bên ở Ukraine ngừng bắn, thắt chặt hơn hoạt động kiểm soát biên giới đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tuy nhiên, sau đó bà Merkel cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, bà muốn tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà “không gây ảnh hưởng đến Nga”.
Nói về cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Thủ tướng Merkel cũng không mấy lạc quan về kết quả của sự kiện này. Bà Merkel cho rằng, cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Poroshenko khó có thể đạt được một bước đột phá nhưng nó vẫn là một cuộc gặp rất quan trọng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc