(VnMedia) - Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua (8/8) đã tuyên bố đầy thách thức rằng, Kiev sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt lên bất kỳ tuyến đường trung chuyển nào của Nga đi qua lãnh thổ của họ, trong đó có các chuyến bay hàng không và dịch vụ cung cấp khí đốt sang Châu Âu. Đòn trừng phạt này của Kiev nếu được tung ra thì nó gây hại đến chính những đồng minh Châu Âu đang ủng hộ cho chính quyền Ukraine.
|
Quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu về những biện pháp trừng phạt Nga vào ngày thứ Ba tuần tới (12/8), ông Valeria Hontareva – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Ukraine cho biết.
Kiev cũng đã chuẩn bị một danh sách trừng phạt 172 công dân và 65 công ty có chủ yếu là Nga làm việc vì cáo buộc “tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ việc sáp nhập Crimea và vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố tại một cuộc họp báo ngày hôm qua.
Những biện pháp trừng phạt được Kiev đề xuất bao gồm việc phong tỏa tài sản, cấm một số doanh nghiệp nhất định, cấm tư nhân hóa tài sản nhà nước, từ chối cấp phép và cấm hoàn toàn hay một phần các hoạt động trung chuyển – cả trên không và trong lĩnh vực khí đốt.
“Chúng tôi đơn giản là không có sự lựa chọn nào khác”, Thủ tướng Ukraine cho biết đồng thời nói thêm rằng Kiev sẽ sử dụng một phần của gói viện trợ 17 tỉ dự kiến của IMF để tăng tính độc lập về năng lượng của nước này trước Nga và có thể sẽ tìm kiếm thêm sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB).
Ukraine muốn “đặt một dấu chấm hết” cho sự phụ thuộc về khí đốt vào Nga – nguồn năng lượng chính để sưởi ấm cho các ngôi nhà và tòa nhà. Tuy nhiên, Kiev hiểu rằng, đây là một tiến trình “không hề dễ dàng”, Thủ tướng Yatsenyuk đã nói như vậy với các phóng viên.
Thủ tướng Ukraine ước tính, nước này có thể mất 7 tỉ USD để áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga – đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine sau Liên minh Châu Âu. “Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga sẽ tiếp tục tiến trình của mình ở Ukraine như họ đã bắt đầu cách đây một thập kỷ, cấm hàng hóa Ukraine, giảm sự hợp tác, gây áp lực và dọa dẫm”, Thủ tướng Yatsenyuk phát biểu.
Trước đó, hồi đầu tuần, chính phủ Ukraine từng tuyên bố rằng, nước này có kế hoạch bắt chước các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhằm vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như tài chính, năng lượng và quân sự.
Ukraine nhập khẩu gần 50% nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga với tổng nhập khẩu năm 2013 là 27,7 tỉ mét khối khí đốt.
Nếu được thông qua, việc Kiev cắt đứt nguồn trung chuyển khí đốt của Nga cho Châu Âu thông qua lãnh thổ nước này sẽ là một đòn đánh đau vào chính những đồng minh Châu Âu của Ukraine. Châu Âu phụ thuộc 15% vào nguồn cung cấp khí đốt mà lục địa này cần từ Nga. Hồi tháng 6, tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom từng thông báo ngừng cung cấp khí đốt qua đường trung chuyển ở Ukraine nhưng sau đó vẫn tiếp tục chuyển 180 tỉ mét khối khí đốt cho Châu Âu qua đây.
Cuộc tranh cãi với tập đoàn khí đốt lớn của Nga về giá cả và những khoản nợ đã buộc Kiev phải cắt giảm mạnh việc sử dụng nguồn năng lượng. Cho đến mùa đông, các gia đình ở Ukraine sẽ phải sống trong tình trạng không có nước nóng do nguồn tiêu thụ khí đốt bị giảm 30% . Năm 2013, Ukraine đã sử dụng 55 tỉ mét khối khí đốt và hiện nay Kiev chỉ còn khoảng 1,2 tỉ khí đốt dành cho hoạt động sưởi ấm, hãng tin ITAR-ITASS đưa tin.
Ukraine hiện đang tìm cách khai thác các lựa chọn cung cấp khí đốt khác, mua khí đốt từ các nước láng giềng Châu Âu.
Trong trường hợp Ukraine cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trung chuyển qua lãnh thổ nước này, một loạt nước Châu Âu như Hungary, Slovakia và Czech sẽ phải hứng hậu quả, công ty Transneft – nhà quản lý các đường ống dẫn khí đốt nhà nước của Nga, cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (8/8).
Trong khi đó, Gazprom đã có một tuyến đường ống dẫn khí đốt ở phía bắc đi vòng qua Ukraine để cung cấp khí đốt cho Đức và các nhà nhập khẩu lớn khác. Nga cũng đang tích cực xúc tiến thực hiện dự án xây dựng hệ thống đường ống South Stream (Dòng chảy Phía Nam) để đưa khí đốt đến các thị trường ở Nam và Trung Âu.
Nga tính chuyện chuyển hướng cung cấp năng lượng cho Châu Âu, tránh xa Ukraine
Tập đoàn quản lý các đường ống dẫn nguồn năng lượng của Nga - Transneft đã sẵn sàng chuyển hướng cung cấp dầu khí cho Châu Âu theo hướng tránh các tuyến đường trung chuyển đi qua lãnh thổ Ukraine, phát ngôn viên của công ty Transneft - ông Igor Dyomin hôm qua cho biết.
Tuyên bố đầy cứng rắn trên được Transneft đưa ra sau khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thông báo về việc Kiev đang cân nhắc khả năng tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, trong đó có lệnh cấm các tuyến đường trung chuyển trong lĩnh vực hàng không và cung cấp năng lượng từ Nga qua Ukraine đến các khách hàng Châu Âu.
Tuyến đường cung cấp dầu mỏ và khí đốt của Transneft qua Ukraine sẽ được chuyển hướng sang đường ống dẫn phía bắc của Druzhba và cảng Ust-Luga ở phía tây bắc Nga, phát ngôn viên Dyomin cho hay.
Năm nay, xuất khẩu dầu khí của Nga sang Slovakia, Hungary và Czech đi qua lãnh thổ Ukraine là 14 triệu tấn.
Transneft trước đó cũng từng tuyên bố, thay vì qua Ukraine, công ty này có thể thay đổi hướng cung cấp dầu khí di qua các cảng của Nga, chủ yếu là mạng lưới đường ống phía bắc của hệ thống Druzhba và cảng Ust-Luga dẫn đến các cảng Địa Trung Hải Trieste và Omisalj. Transneft cũng có thể tận dụng các thỏa thuận trao đổi dầu khí nhưng việc thay đổi các tuyến đường có thể sẽ nâng giá vận chuyển lên, công ty Transneft khi đó cho biết. Và điều này sẽ khiến chi phí cung cấp dầu khí cho các khách hàng Châu Âu tăng lên.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc