(VnMedia) - Phát biểu tại Hawaii sau chuyến công du một tuần đến Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 14/8 tuyên bố, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề liên quan đến tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không phải là việc tìm cách doạ dẫm nhau. Phát biểu này rõ ràng là ám chỉ đến Trung Quốc và ngay lập tức Bắc Kinh lên tiếng phản ứng.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cuộc tranh chấp quyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông thực chất là cuộc tranh chấp về các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến chủ quyền và quyền đi lại tự do trên biển.
"Các bạn biết đấy, những cuộc tranh chấp đó không chỉ là về vấn đề đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo lớn nhỏ, các bãi đá, bãi cạn và lợi ích kinh tế ở đó. Chúng cũng chính là những cuộc tranh chấp để phân định xem liệu sức mạnh hay là các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, pháp quyền và pháp luật quốc tế sẽ thắng thế", Ngoại trưởng Kerry đã phát biểu đầy sắc sảo như vậy.
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển chiến lược bận rộn và sôi động nhất thế giới. Đây là nơi trong thời gian vài năm trở lại đây liên tục chứng kiến các cuộc đối đầu, va chạm giữa tàu thuyền của Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh đang có tranh chấp ở Biển Đông. Ông Kerry tin rằng, mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp đóng góp cho sự ổn định ở Biển Đông.
"Tổng thống Obama đã nói rõ rằng, Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc ổn định, hoà bình và thịnh vượng, một Trung Quốc đóng vai trò có trách nhiệm ở Châu Á và thế giới, một Trung Quốc ủng hộ các quy định, luật lệ và tiêu chuẩn của quốc tế về các vấn đề an ninh, kinh tế”, ông Kerry cho biết.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nói thêm rằng, Washington muốn tránh “cãi bẫy của sự cạnh tranh chiến lược” với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc hồi cuối tuần vừa rồi đã bác bỏ nỗ lực của Mỹ trong việc tìm cách ngăn chặn các hành động gây khiêu khích ở Biển Đông, làm xói mòn thêm cái gọi là chính sách chuyển hướng trọng tâm của Mỹ nhằm vào Châu Á, nhà phân tích Michael Auslin thuộc American Enterprise Institute đã nhận định như vậy.
Trung Quốc nổi giận “công kích” Mỹ
Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến công du Châu Á, báo chí Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng cáo buộc Mỹ gây căng thẳng ở Biển Đông.
Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều tung vào nhau những lời cáo buộc liên quan đến các hành động ở Biển Đông - nơi đang chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt giữa Trung Quốc và một loạt nước láng giềng Đông Nam Á. Tờ People’s Daily của Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang khuyến khích để các nước láng giềng Châu Á của Trung Quốc thêm mạnh bạo trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Tờ People’s Daily được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo tờ báo này, “lập trường của Mỹ là làm cho Philippines trở nên tự tin hơn về việc sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông”. Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, “Mỹ đang đi câu ở vùng biển tranh chấp” và đang khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc có những bước đi táo bạo hơn ở Biển Đông.
Ông Xiaohe Cheng – một giáo sư của Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Renmin, nhận định, tranh chấp Biển Đông đang là phép thử đối với quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. “Đó là những dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt khi hai nước này đang nỗ lực xây dựng cái gọi là mô hình quan hệ mới giữa hai nước. Cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng nhiệt độ”, ông Xiaohe cho hay.
Tuần này, tại một hội nghị của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Washington cáo buộc Bắc Kinh đang gây bất ổn khắp đất nước Châu Á bằng những hành động hung hăng, gây hấn đồng thời đưa ra đề xuất các nước chấm dứt ngay những hành động khiêu khích trong khu vực.
Mỹ đã tận dụng cuộc họp khu vực ASEAN diễn ra ở Myanmar để tăng cường nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng gây ra từ những cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng lời kêu gọi các nước chấm dứt ngay những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông như hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5 vừa rồi.
Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ đề xuất trên đồng thời chỉ trích chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ đang reo rắc sự bất ổn trên khắp khu vực. Hơn 1.000 lính thuỷ đánh bộ Mỹ hiện đang đóng tại Australia và con số này dự kiến sẽ tăng lên 2.500 vào năm 2017 sau khi Mỹ vừa ký một thoả thuận mới với Australia. Trung Quốc cho rằng, hành động này của Washington là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
“Mỹ vừa ký các thoả thuận an ninh mới với Australia và Mỹ đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự cố định ở Australia. Và Trung Quốc coi tất cả những hành động, lời nói đó của Mỹ là một kiểu chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc”, ông Xiaohe tuyên bố.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với 90% Biển Đông - khu vực biển được tin là chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng chứa những tuyến đường biển chiến lược quan trọng. Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nước ASEAN đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc