Cố chấp và cố tình trì hoãn, là nhận định của dư luận thế giới về thái độ của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông sau khi kết thúc Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF 21), diễn ra ở Myanmar vào cuối tuần qua.
Đem COC ra làm “con tin”
Trong bài viết “Trung Quốc cản trở nỗ lực giảm căng thẳng trên biển Đông của Mỹ” đăng trên hãng tin Bloomberg số ra ngày 11-8, nhà báo Kyaw Thu và Sangwon Yoon nhận định, sự cố chấp của Trung Quốc lại một lần nữa được thể hiện trong ARF 21 khi cố tình phớt lờ yêu cầu “đóng băng” mọi hành động khiêu khích trên biển Đông cũng như kế hoạch của Philippines nhằm làm giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển chiến lược này.
Mặc dù trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược trên biển Đông, thách thức các quốc gia láng giềng như Việt Nam và Philippines, song Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng việc các nước nói về căng thẳng gia tăng trên biển Đông là “phóng đại”: “Ai đó đang phóng đại cái gọi là căng thẳng ở biển Đông. Bất kỳ đề xuất nào khác DOC để xử lý tranh chấp trên biển Đông đều sẽ làm gián đoạn quá trình thảo luận COC cũng như tổn hại lợi ích của Bắc Kinh và khối ASEAN” - tờ South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 9-8.
Thêm nữa, tại AMM-47, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả Bắc Kinh “không phải là bên gây hấn trong vùng biển tranh chấp” và đe dọa “sẵn sàng thực hiện các hành động mạnh mẽ và rõ ràng để bảo vệ chủ quyền” cùng luận điệu chỉ “ưa thích” các cuộc đàm phán trực tiếp với từng thành viên ASEAN để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo Reuters, tuyên bố trên đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động đào đắp, xây dựng, cải tạo các hòn đảo đã chiếm giữ trái phép trên biển Đông trong nỗ lực thay đổi hiện trạng trên vùng biển này và Bắc Kinh đang đem Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ra làm “con tin” để gây sức ép với các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ rất lâu, song với sự cố tình trì hoãn của Bắc Kinh, đến nay COC vẫn chưa thể là một văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc đối với các quốc gia trên Biển Đông.
Bài viết dẫn lời ông Richard Bitzinge, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, cho rằng: “Trung Quốc không có dự tính phải rời khỏi Biển Đông vì họ cho rằng nó vẫn còn giá trị. Những lập luận gây tranh cãi của Trung Quốc đang cho thấy rõ điều đó”.
Cùng quan điểm, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi giảm căng thẳng. “Kế hoạch của Trung Quốc là cản trở ngoại giao, trói buộc ASEAN trong các cuộc đàm phán dằng dai, không biết bao giờ mới chấm dứt. Và đây chỉ là trò chơi ngoại giao nhằm giữ Mỹ ở ngoài cuộc và gây chia rẽ ASEAN. Tôi không thấy bất kỳ sự nghiêm túc nào của Trung Quốc” - Giáo sư Thayer nhận định.
“Chính hành động hung hăng của Trung Quốc làm Biển Đông căng thẳng”
Theo RFI, khẩu chiến Mỹ - Trung về Biển Đông vẫn tiếp diễn gay gắt sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Myanmar.
Ngay sau hội nghị ASEAN, Trung Quốc lập tức mở cuộc tấn công vào đề nghị của Mỹ, với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 11-8 đã công khai ám chỉ rằng Mỹ có âm mưu gây hỗn loạn trong khu vực, trong lúc Tân Hoa Xã đích danh cáo buộc Hoa Kỳ là kẻ gây rối, từ việc đưa ra những đề nghị “không xây dựng” và “phản tác dụng”, cho đến việc xúi giục Philippines cứng rắn chống Trung Quốc.
Tại Washington, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã cực lực phản bác các lời tố cáo của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới, bà Harf khẳng định: “Hoa Kỳ không phải là bên gây nên tình trạng bất ổn tại nơi đó (tức là Biển Đông). Chính các hành động hung hăng mà Trung Quốc tiến hành đã tạo ra tình hình như vậy”.
Ngày 12-8, phát biểu từ nước Úc - nơi ông tham dự Đối thoại thường niên Mỹ-Úc về an ninh và ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhắc lại quan điểm của Hoa Kỳ là không hề tìm cách gây sự hay đối đầu với Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc hành xử như một đối tác có thiện chí.
Theo ông Kerry, Washington hoan nghênh “sự vươn lên của Trung Quốc như một đối tác toàn cầu…, một nền kinh tế cường thịnh, một thành viên tham gia một cách toàn diện và xây dựng vào cộng đồng quốc tế”. Trên cơ sở đó, Ngoại trưởng Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ mong muốn là Trung Quốc đóng góp một cách xây dựng vào việc giải quyết các vấn đề, “cho dù là ở Biển Đông, hoặc đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên” cũng như đối với các vấn đề khác mà hai bên phải đối phó.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với The Asahi Shimbun ở Tokyo, Bates Gill - Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney cho rằng, một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng và cứng rắn dường như đã ngày càng ít quan tâm trong việc theo đuổi các mối quan hệ mang tính xây dựng với các nước láng giềng.
Trung Quốc đối diện với nguy cơ bị cô lập
Ngoại trưởng Trung Quốc đã nói rằng tương lai của COC sẽ chỉ được ký kết khi bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vốn được các bên ký kết vào năm 2002 được thi hành một cách có hiệu quả và hiệu lực. Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, nhằm tạo ưu thế và gây sức ép trên bàn đàm phán.
Trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối diện với nguy cơ bị cô lập trên vấn đề Biển Đông, bởi những hành động gây hấn trong thời gian qua, trong khi nước này luôn tuyên bố rằng giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và hòa bình là một trong những nguyên tắc ngoại giao quan trọng hàng đầu.
“Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với Chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại Biển Đông”, tờ South China Morning Post dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc đại học Bắc Kinh, bình luận.
Ý kiến bạn đọc