(VnMedia) - Sau rất nhiều những chần chừ, do dự, Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã quyết theo Mỹ tung ra những đòn trừng phạt mạnh tay nhất mà họ thừa biết sẽ gây hậu quả ngược lại cho chính họ. Và Đức - đối tác thương mại quan trọng của Nga và cũng là cường quốc hàng đầu của EU, sẽ là nước phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ việc trừng phạt Nga. Đây là nhận định vừa được ông Josef Yanning - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Châu Âu ở Brussels, đưa ra hồi cuối tuần vừa rồi.
|
“Các doanh nghiệp Đức sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả từ những biện pháp trừng phạt Nga. Đức là đối tác thương mại quan trọng của Nga trong Liên minh Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc, Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều so với các nước thành viên khác của EU”, ông Yanning nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn Rossiya Segodnya.
Nhà phân tích Yanning cho rằng, Pháp cũng phải chịu ảnh hưởng nhiều từ những đòn trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng của Nga trong khi Anh phải đối mặt với hậu quả từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính.
“Người ta không thể phủ nhận một điều rằng, phản ứng của Nga cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác ngoài những lệnh cấm nhập khẩu rau và hoa quả từ Ba Lan được Moscow áp dụng gần đây. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Nga và không liên quan đến các lĩnh vực phải chịu sự trừng phạt cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực đối với công việc làm ăn, kinh doanh của họ”, vị chuyên gia Châu Âu khẳng định.
Trừng phạt Nga, doanh nghiệp Đức đang bị đè bẹp
Phương Tây rõ ràng là đang thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow nhưng các công ty Đức đang thực sự phải hứng chịu ảnh hưởng ngược lại từ chính các biện pháp khiến nền kinh tế Nga trì trệ và đồng rúp suy yếu.
Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, công ty Đức sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2013, Đức xuất khẩu 36 tỉ euro hàng hoá sang Nga. Ngoài ra, giá trị đồng rúp của Nga cao hơn cùng tình hình lạm phát có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chi tiêu cho tiêu dùng ở khu vực và theo đó gây ảnh hưởng đến sự tham gia của Đức vào thị trường.
Nhà bán lẻ dụng cụ thể thao của Đức - Adidas đã phải hạ thấp các mục tiêu tài chính trong vòng 2 năm tới vì lý do tình hình ở Nga đang gây một cản trở lớn cho hoạt động của họ.
Thị trường ô tô ở Nga cũng bị thu hẹp lại với sự suy giảm nhu cầu đối với các nhãn hiệu ô tô nổi tiếng như Renault, Peugeot Citroen, GM và Ford. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Châu Âu - Volkswagen, vừa báo cáo mức sụt giảm 8 % trong doanh số bán hàng trên thị trường Nga trong hai quý đầu của năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà bán lẻ Metro của Đức có khoảng 2 tỉ USD đầu tư vào Nga nhưng doanh thu của tập đoàn này ở thị trường Đông Âu đã sụt giảm 14% trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả “gậy ông đập lưng ông” nếu Mỹ và EU tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ. Và điều này thực sự đang diễn ra đúng như vậy. Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne dự đoán, xuất khẩu của Đức sang Nga có thể sụt giảm ít nhất 17% trong năm 2014, so với năm 2013.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu Nga và Đức hoàn toàn cắt đứt quan hệ song phương với nhau thì GDP của Đức có thể giảm 0,6%, tổn thất 16,4 tỉ euro.
Kinh tế Anh cũng chịu “đau đớn”
Ngoài Đức, nền kinh tế của Anh cũng phải chịu những ảnh hưởng “đau đớn” từ chính những biện pháp trừng phạt mà EU tung ra mới đây nhất sau vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond từng cảnh báo, “không xẻ ván sao đóng được thuyền”.
Theo lời ông Hammond, các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU “được thiết kế nhằm tối đa hoá ảnh hưởng lên Nga và giảm thiểu ảnh hưởng đối với nền kinh tế EU”.
Tuy nhiên, Anh là một trong những nước sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nền nhất từ chính các biện pháp trừng phạt Nga bởi nước này có mối quan hệ tài chính gắn bó mật thiết với Moscow. Những ảnh hưởng đó có thể được thấy rõ ở thành phố London- trung tâm tài chính của thế giới.
Biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính EU sẽ khiến London phải mất hàng trăm triệu bảng Anh.
Về phía Nga, chuyên gia Yanning nhấn mạnh, ảnh hưởng kinh tế của các biện pháp trừng phạt có thể ít quan trọng hơn một số quan ngại về chính trị.
Trước đó, hồi tuần trước, Hội đồng Châu Âu đã chính thức thông qua gói biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga, trong đó có biện pháp giới hạn khả năng tiếp cận thị trường tài chính EU của các ngân hàng nhà nước Nga, cấm giao dịch vũ khí và hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với những công nghệ nhạy cảm, cụ thể trong lĩnh vực dầu mỏ.
Sau khi EU tung ra các đòn trừng phạt trên, Đại diện Nga tại EU – ông Vladimir Chizhov cho biết, Nga sẽ tìm cách chặn các biện pháp trừng phạt nàyh thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới bởi đó là những biện pháp đi ngược lại với các quy định của tổ chức này.
Ý kiến bạn đọc