Tổng thống Putin và Obama hòa dịu về Ukraine?

10:24, 02/08/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama hôm qua (1/8) đã nhất trí với nhau trong một cuộc điện đàm rằng, bế tắc hiện nay trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine chẳng đem lại lợi ích cho ai và rằng họ nên tiếp tục mở rộng kênh trao đổi thông tin với nhau.

 

Ảnh minh họa


 Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin


Cuộc điện đàm ngày hôm qua là cuộc đối thoại đầu tiên giữa lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga, Mỹ kể từ khi Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) tung ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow có liên quan đến tình hình bùng nổ bạo lực ở miền đông Ukraine. Gói biện pháp trừng phạt mới nhất cùng vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine đang khiến cho mối quan hệ Đông-Tây “căng như dây đàn”.

 

"Hai Tổng thống đã nhất trí với nhau rằng, tình hình hiện nay ở Ukraine không có lợi cho bất kỳ nước nào”, tuyên bố của điện Kremlin cho hay.

 

Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cũng đều bày tỏ sự hài lòng về kết quả của một cuộc gặp ở Minsk gần đây giữa các nhà trung gian quốc tế về cuộc khủng hoảng Ukraine .

 

Theo điện Kremlin, Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama đã trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Bất chấp những sự khác biệt đáng kể trong cách đánh giá một loạt vấn đề then chốt ở Ukraine, cả hai đều cùng nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở miền đông Ukraine cũng như việc khởi động một tiến trình chính trị”.

 

“Trong khía cạnh này, cả hai đều đưa ra những đánh giá tích cực về quá trình tham vấn được tổ chức bởi Nhóm Tiếp xúc ở Minsk đồng thời kêu gọi tiếp tục tiến hành những cuộc đối thoại tương tự dưới hình thức này”, tuyên bố của điện Kremlin cho biết.

 

Trước đó, Nhóm Tiếp xúc Ba bên gồm phái đoàn đến từ Kiev, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã có cuộc gặp hôm 31/7 ở thủ đô Minsk của Belarus. Đại diện của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine cũng có mặt trong cuộc gặp nói trên. Các bên đã tham gia thảo luận về một lên ngừng bắn ở Ukraine .

 

Nhóm Tiếp xúc Ba bên cũng nhất trí thiết lập một tuyến đường an toàn cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận hiện trường vụ máy bay MH17 rơi trong khu vực xung đột ở Donetsk để tiến hành điều tra vụ việc.

 

Một nhóm các nhà điều tra quốc tế hôm 31/7 đã lần đầu tiên tiếp cận được hiện trường vụ rơi máy bay rơi sau nhiều ngày nỗ lực của họ bị cản trở bởi những cuộc giao tranh ác liệt không dứt trong khu vực. Khi đến hiện trường vụ máy bay MH17 rơi, đoàn xe của các chuyên gia quốc tế đã bị tấn công bằng đạn súng cối.

 

Khu vực đông nam Ukraine đã phải hứng chịu những đợt tấn công không dứt từ hồi giữa tháng 4 khi chính quyền Kiev phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đàn áp phong trào ly khai ở miền đông nam Ukraine. Moscow liên tục lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Kiev nhằm vào dân thường ở miền đông Ukraine đồng thời kêu gọi ngừng ngay lập tức chiến dịch trừng phạt này và tiến tới tiến trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga với Mỹ và phương Tây kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhăm nhăm đổ lỗi cho Nga về tình hình khủng hoảng ở Ukraine . Đáp lại, Moscow tố cáo chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình rối loạn ở nước láng giềng của họ hiệngiờ.

 

Trong thời gian qua, giới chức phương Tây, trong đó có Tổng thống Obama liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, đe dọa và cảnh báo nhằm vào Nga. Ông chủ Nhà Trắng nhiều lần đe dọa sẽ bắt nước Nga của Tổng thống Putin phải trả giá vì những hành động ở Ukraine .

 

Sau hòa dịu là cảnh báo, chỉ trích lẫn nhau

 

Mặc dù nhất trí với nhau trong một số vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm ngày hôm qua cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường áp lực trừng phạt lên Nga chỉ phản tác dụng và gây phương hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương cũng như sự ổn định của quốc tế.

 

Mỹ đã thuyết phục các đồng minh Châu Âu tung đòn trừng phạt mới gây đau đớn nhằm vào Nga. Mỹ còn đang tìm cách lôi kéo các nước Châu Á áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga. Tuy nhiên, hiện tại, mới có Nhật Bản tuyên bố trừng phạt Moscow .

 

Về phần mình, Tổng thống Obama tiếp tục bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc trước việc Nga tăng cường sự hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở Ukraine ”.

 

Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng thể hiện “sự lo ngại về vấn đề tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước tên lửa 1987 của Nga”, Nhà Trắng cho biết. Tổng thống Obama đã viết thư gửi người đồng cấp Putin, trong đó nói rằng Mỹ phát hiện Nga thử tên lửa hành trình, vi phạm Hiệp ước Lực lượng Tên lửa Tầm trung. Hiệp ước này cấm tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình và đạn đạo có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Đáp lại, Nga hôm 31/7 khẳng định, nước này tuân thủ nghiêm túc hiệp ước tên lửa nói trên.

 

Liên quan đến tình hình Ukraine, cũng trong ngày hôm qua (1/8), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về tình hình ở Ukraine. Ông Biden sau đó đã thông báo về khoảng viện trợ mới trị giá 8 triệu USD của Mỹ dành cho Lực lượng Biên phòng Ukraine .


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc